Cải cách mạnh chính sách tiền lương trong 10 năm tới

156

Đó là một trong những thông tin đáng lưu ý tại Hội nghị giao ban trực tuyến về tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) giai đoạn 2001 – 2010 của Chính phủ (CP), diễn ra ngày 5.4.

Trình bày Báo cáo tổng kết CCHCNN giai đoạn 2001 -2010, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết CCHC giai đoạn 10 năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với dân tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ, trong đó “đã chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan NN…”. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó: “Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai, minh bạch của nền HC còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ công chức (CBCC) suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân”, báo cáo nhận định.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội – Ảnh: Bảo Cầm

Dự kiến, mục tiêu tổng quát đặt ra trong CCHC 10 năm tới là đến năm 2020, xây dựng được một nền HC trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…

Một trong những mục tiêu cụ thể đặt ra là “Đến năm 2020, tiền lương của CBCC được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống của CBCC và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC tuy quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là chấn chỉnh kỷ luật HC của đội ngũ CBCC. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, một số CBCC có tư duy mình là người cai trị, người dân và doanh nghiệp là đối tượng bị trị, dẫn tới thái độ quan liêu, hách dịch, bị dân than phiền. Vì vậy, cần tập trung khắc phục tình trạng này.

Phát biểu tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhiệm vụ trọng tâm CCHC 10 năm tới là chú trọng cải cách thể chế; xây dựng được hệ thống hành chính NN từ T.Ư đến cơ sở thông suốt; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho DN và đặc biệt là làm sao bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, quyền làm chủ của người dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ nhân dân. “Bộ máy HC là bộ máy phục vụ dân, phục vụ DN, phục vụ mục tiêu phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Số lượng thứ trưởng nhiều bộ vượt quá mức quy định

Báo cáo chuyên đề về thực hiện 10 năm cải cách tổ chức bộ máy HCNN giai đoạn 2001 – 2010 của Bộ Nội vụ cho thấy “số lượng các thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của CP”. Nghị định 178/2007 của CP quy định, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 4 thứ trưởng và tương đương, nhưng thực tế có những bộ như NN-PTNT, Công thương đều có tới 10 thứ trưởng. Bộ TN-MT, Bộ Ngoại giao, Tài chính có tới 7 thứ trưởng. Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng.

Theo Thanh Niên