Mỹ muốn tham dự tích cực hơn vào khu vực ASEAN

135

“Nơi nào bàn tới các vấn đề về hậu quả an ninh, chính trị, kinh tế thì nơi đó Mỹ muốn có sự hiện diện.”, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 30/10.

– Thưa bà, tại sao Mỹ lại tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á trong khi giữa Mỹ và ASEAN đã có các diễn đàn khác như APEC và ARF (Diễn đàn An ninh khu vực)?


Khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền và tôi giữ vị trí ngoại trưởng, một trong những ưu tiên lớn nhất của chúng tôi là tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi không chỉ muốn làm sâu sắc quan hệ song phương của chúng tôi với Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực, chúng tôi còn muốn tham dự một cách tích cực hơn vào các tổ chức khu vực như ASEAN. Vì thế, một trong những chuyến đi đầu tiên của tôi, thực ra là chuyến công du đầu tiên của tôi với tư cách là ngoại trưởng, là tới Đông Á, bao gồm việc tới trụ sở của ASEAN ở Jakarta.

Việc tham gia Cấp cao Đông Á của Mỹ có ý nghĩa như thế nào?

Chúng tôi tin rằng EAS là một diễn đàn quan trọng cho mỹ là một thành viên. Hôm nay tại cuộc họp các nhà lãnh đạo EAS tôi đã nói nơi nào bàn tới các vấn đề về hậu quả an ninh, chính trị, kinh tế thì nơi đó Mỹ muốn có mặt. Việt Nam đã sắp xếp để chúng tôi tham gia với tư cách khách mời. Chúng tôi vui mừng khi được cùng với Nga tham gia. Mỹ có quan tâm sâu sắc và lâu dài tại châu Á Thái Bình Dương.

Chúng tôi muốn thành một đối tác tốt, một người bạn tốt, người hàng xóm tốt, và một trong những cách chúng tôi có thể thể hiện điều đó, là việc trở thành một thành viên của tổ chức như EAS.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo sau Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ảnh: AFP.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo sau Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ảnh: AFP.

– Trong nhiệm kỳ đầu, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak có nói sẽ ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Trong dịp này, hai nước có thỏa thuận hay ký kết gì trong lĩnh vực này để thúc đẩy hợp tác?

Giáo dục là một trong những phần quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai nước. Đó chính là một vấn đề mà chúng tôi thấy sự phát triển tích cực. Trong vòng ba năm qua, chúng tôi đã liên kết các cơ sở giáo dục Việt Nam và Mỹ, giới chức chính phủ, những nhà kinh doanh giáo dục thuộc khu vực tư nhân để bàn bạc tìm ra cơ chế hợp tác tốt hơn. Trong thời gian đó, số sinh viên Việt Nam đến Mỹ học tập đã tăng gần gấp ba lần lên tới hơn 13.000.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc trao đổi và hợp tác giáo dục, bao gồm việc thông qua chương trình Fulbright và chương trình tiếng Anh. Chúng tôi cũng cam kết làm việc cùng Việt Nam trong thời điểm Việt Nam cải tiến hệ thống giáo dục, nuôi dưỡng chương trình giáo dục Việt – Mỹ tư nhân bao gồm một trường đại học kiểu Mỹ. Vì thế, chúng tôi cho rằng tiềm năng ở đây rất lớn. Trong hai chuyến thăm trong vòng 4 tháng của tôi tới đây, rất nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng họ rất muốn học ở Mỹ, muốn học tiếng Anh và tôi muốn giúp những bạn trẻ đó đạt được mục đích của mình.

– Chính phủ Trung Quốc tỏ ra không bằng lòng về vai trò của Mỹ trong tranh cãi về nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư, bao gồm cả bình luận của bà với Ngoại trưởng Nhật. Mỹ có thể làm gì hoặc có thể đóng vai trò làm trung gian trong tình huống này?

– Mỹ chưa bao giờ đứng về bất cứ bên nào trong chuyện chủ quyền nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng nhóm đảo này là một phần cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ Nhật Bản. Chúng tôi khuyến khích cả Trung Quốc và Nhật Bản tìm giải pháp hòa bình cho các bất đồng trong lĩnh vực này hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Chúng tôi muốn Trung, Nhật có một mối quan hệ ổn định, hòa bình và chúng tôi đề xuất với cả hai nước rằng Mỹ sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán ba bên, tại đó, chúng tôi với Trung Quốc, Nhật Bản và ngoại trưởng hai nước cùng bàn bạc về một loạt vấn đề.

– Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi có bất cứ đảm bảo hay giải thích gì về việc đất hiếm về những thông tin mới đây về chính sách xuất khẩu đất hiếm? Và liệu ông ấy có nhắc tới việc Trung Quốc sẽ làm gì để phá vỡ thế đóng băng trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên?

– Về vấn đề đất hiếm, Ngoại trưởng Yang đã xác định Trung Quốc không có ý định giữ những khoáng chất. Ông ấy nói ông ấy muốn làm rõ, việc người ta gọi nó là đất hiếm cũng có nguyên nhân của nó rằng vì nó hiếm. Mỹ cùng với các đồng minh khác, như Nhật, châu Âu, sẽ tìm kiếm thêm nguồn tài nguyên và tìm kiếm nhiều nguồn của khoáng chất từ đất hiếm này. Vì thế, dù chúng tôi hài lòng với sự xác minh của Trung Quốc, chúng tôi vẫn nghĩ rằng thế giới cần tìm nguồn năng lượng thay thế khác.

Tôi nói chuyện khá lâu với cả Tổng thống Hàn Quốc Lee (Myung-bak) và người đồng nhiệm Nhật Bản. Đây là vấn đề chúng tôi đều quan tâm và chúng tôi tiếp tục yêu cầu Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, theo đuổi chương trình mà họ đã bắt đầu vào năm 2005, đó là một loạt những cam kết, thực hiện những biện pháp nhằm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế, chúng tôi liên lạc rất chặt chẽ với đối tác Nhật, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc để làm hết sức có thể.

H. Ninh ghi

Nguồn VNEXPRESS