Vị quê

153

‘Cuối tuần rồi, thích quá chị ơi. Em lại được về quê rồi. Lần này em về, mang bánh gai đặc sản Ninh Giang lên cho chị ăn thử nhé. Đảm bảo là chị thích ngay cho mà xem…

Hồng Tươi

… Quê em nhé, phải biết chỗ mua mới ngon chứ không phải chỗ nào cũng là đặc sản đâu chị ạ. Bánh gai Ninh Giang quê em là nhất rồi” – Đứa em đồng nghiệp thao thao bất tuyệt kể cho mình nghe về đặc sản quê em ấy.

Từ ngày chuyển công tác về nhà, mình không còn cảm giác háo hức chờ đợi ngày cuối tuần để được “về quê” – cái cụm từ hết sức giản dị nhưng rất đỗi thân thương mình vẫn thường gọi khi còn học tập và làm việc ở Hà Nội.

Những ngày sinh viên nghèo túng nhưng vui nhộn và tinh nghịch vô cùng. Vẫn nhớ như in cái bài từng được xem là “quốc ca” của sinh viên luôn xướng lên: “Thứ 2 là ngày đầu tuần, cái túi nó cứ căng căng. Thứ 3, thứ 4, thứ 5 ngày nào cũng luôn cố gắng. Thứ 6 rồi đến thứ 7. Chủ nhật lại được về quê để thứ 2 có tiền. Là lá la la là là lá la la“, không biết chán.

Sinh viên nghèo ít khi đi cà phê cà pháo, chủ yếu là đi trà đá với đĩa hướng dương thôi. Khoảng 21-22h trở đi mới là giờ Hoàng đạo để học bài… Nhưng đến mùa ôn thi thì mỗi đứa một góc, tập trung học đến cao độ. “Mỳ tôm trường kỳ” mỗi khi hết tiền là chuyện thường tình. Xôi sáng như đã thành thói quen, đứa nào đứa nấy dường như thành “cây xôi di động” hết cả. Rồi đến cả những buổi đi học trên thư viện, đến những buổi làm quen, hẹn hò nơi lớp học… có khi tình yêu lại nảy nở ngay chính những nơi đó hay ngay tại các khu trọ sinh viên nữa…

Cuối tuần xóm trọ thường vắng hoe, vì ai cũng về quê. Mỗi lần từ quê lên, đứa nào đứa nấy lỉnh kỉnh những đồ là đồ. Nào rau, nào gạo, nào trứng, nào ngô, khoai, sắn… đủ cả. Và có một thứ không thể thiếu là đặc sản của mỗi miền quê. Đứa Bắc Giang thì mang bánh đa Kế. Đứa Bắc Ninh thì mang bánh Phu Thê (hay còn gọi là Su Sê). Còn mình, mình mang bánh đậu xanh Hải Dương.

Mình không biết là đã ăn đến bao nhiêu lần nữa nhưng chưa khi nào thấy chán cái vị đượm nồng của nó. Mình vẫn hay nói với chúng bạn rằng: “Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, ăn uống gì thì ăn uống… nhưng cái vị đất Hải Dương, cái vị đượm nồng của bánh đậu xanh, cái vị sắc ngọt thơm lừng của vải Thanh Hà… luôn làm tao mê đắm đến điên dại”. Nói chưa dứt câu thì đã bị giúi cho mấy cái vào đầu và cái màn đấu khẩu về “Đệ nhất đặc sản quê hương” giữa các tỉnh (giống như thi Miss Đặc Sản) lại diễn ra sôi nổi. Mà kết quả là đồng giải nhất…

Nếu tính một tháng có 2 lần về, thì năm có 24 lần về (trừ đi 4 ngày của 2 tháng hè, còn 20 ngày) và 4 năm có 4×20=80 lần về nhưng sao vẫn cứ thấy háo hức khi về, bịn rịn khi đi đến thế!

Về đến Quán Gỏi (đoạn giao giữa đất Hưng Yên và Hải Dương) là đã thấy ngay cái hương vị của quê hương rồi. Nhất là về đến đầu làng đúng mùa thu hoạch lúa… cái vị ngai ngái, nồng nồng của rơm rạ đến là thích. Dù thấm mệt mỏi, rơm rạ quấn đầy chân nhưng luôn phơi phới niềm vui giống như kiểu: “Chân vẫn bước vì làng quê phía trước/Chỉ cần trong tim có một quê hương” (xin lỗi nhà thơ Phạm Tiến Duật).

Thế mới biết vì sao khi Đường Huyền Trang trong phim Tây du ký đi lấy kinh lại được vua Đường tiễn chân bằng chén rượu có bỏ thêm chút đất. Có lẽ, ông muốn truyền một thông điệp tới Đường Huyền Trang rằng dù đi đến đâu di chăng nữa hãy luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, nhớ đến cội nguồn dân tộc của mình. Và có lẽ, ông còn muốn Đường Huyền Trang luôn được đất mẹ che chở hay muốn ông hãy luôn mang trong mình cái hương vị thân thuộc nhất của quê hương chăng?

Tất cả mình gọi đó là vị quê!

Theo Ngoisao