Thiếu, thừa và vừa đủ xài

156
Trong cuộc sống luôn tồn tại những khái niệm thế nào là thiếu – thừa và ranh giới giữa chúng rất mong manh. Người Sài Gòn thường chọn bốn loại trái cây để bày biện mâm cúng: cầu (mãng cầu hay na) – dừa (vừa) – đủ (đu đủ) – xài (xoài), nhưng mấy ai trong số họ chỉ mong muốn “vừa đủ xài”?

Điệp khúc thiếu cân của con gái đã làm vợ chồng tôi có một khoảng thời gian dài rơi vào khủng hoảng. Suốt ngày chỉ chăm chăm vào số cân nặng của con: tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu, lo âu, trằn trọc, ép ăn, la hét, hục hặc lẫn nhau… mệt mỏi đến nỗi không thèm quan tâm đến trọng lượng của con nữa…. Ồ! mà lạ thật, tự dưng con bé lại tăng cân, mũm mĩm ra trông thấy.

Cô giáo chủ nhiệm (lớp mầm) rất tự hào khi trị được chứng bệnh “còi” của con tôi. Bài toán thật đơn giản “ăn theo đúng sức của bé, ít nhiều không còn quan trọng”. Đến lúc này thì bà ngoại lại vào cuộc “thôi nhé, hãm thôi, cháu bà mà over weight trông xấu lắm”. Phải chăng lại sắp sửa bắt đầu một cuộc chiến “chống béo”?

Ngẫm lại cuộc sống luôn tồn tại thiếu – thừa, ranh giới giữa hai khái niệm này rất mong manh. Thế nào mới là vừa đủ nhỉ?

Người Sài Gòn thường chọn bốn loại trái cây để bày biện mâm cúng: cầu (mãng cầu hay na) – – dừa (vừa) – đủ (đu đủ) – xài (xoài), nhưng mấy ai trong số họ chỉ mong muốn “vừa đủ xài”?

Hôm nọ, chứng kiến đoàn xe của thanh niên tình nguyện mùa hè xanh đổ quân ở khu vực Hồ con Rùa với những nét mặt hồ hởi, phấn chấn mặc dù còn vương vấn nét mệt mỏi sau một chuyến hành quân xa. Có thể họ thiếu thốn nhiều thứ nhưng bù lại họ có được tình yêu thương, sự chia sẻ. Một hình ảnh đối lập cũng ở khúc quanh ấy là những quán café, bar sang trọng hào nhoáng nhưng chắc gì những con người đang mơ màng theo khói thuốc, tiếng nhạc xập xình đã có được hạnh phúc? Thôi thì cuộc sống là vậy, cái thừa – thiếu vẫn tồn tại theo một quy luật tự nhiên của nó.

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Rồi một hình ảnh ẩn thật lâu trong tiềm thức lại quay về như nhắc nhở, dằn vặt tôi (có lẽ mình đã già rồi chăng?): một bác trung niên nhặt nhạnh rác để kiếm sống qua ngày vẫn để dành một ít thời gian vào ngày thứ bảy để đến thư viện đọc sách, mặc dù bác đã nhận được những ánh mắt không mấy thiện cảm dành cho mình bắt đầu từ cô thủ thư (có lẽ bắt đầu từ mùi cơ thể). Chợt so sánh với biết bao bạn trẻ đến trường chỉ là một cái cớ mặc dù họ có hàng đống sách chưa bao giờ đụng đến. Thiếu – thừa đến đây chỉ còn là một khái niệm khá mơ hồ mà tùy theo mỗi người tự cảm nhận.

Đất nước càng phát triển thì càng có nhiều “ông quan kẹ” phải ra hầu tòa vì tham nhũng. Giá như họ biết đến hai từ “vừa đủ” nhỉ? Nhưng khổ nỗi cái gọi là “vừa đủ” cũng lại không có giới hạn. Khởi đầu có thể chỉ mong sao có được một ngôi nhà tử tế, đến khi được thỏa mãn họ lại muốn to hơn, to mãi và cứ thế cái “vừa đủ” là ngày càng dài rộng ra.

Cái “vừa đủ” vương vấn mãi trong tâm thức của tôi và bật ra thành câu thế này: đó chính là cái “chốt an toàn” khi cảm thấy mình bắt đầu sa ngã, cái “vừa đủ” là giới hạn giữa cơ hội và rủi ro. Cái “vừa đủ” sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu như bớt đi một ít cái tôi để thêm vào một ít cái ta. Trong bước đường vạn dặm xuôi ngược mưu sinh, đôi khi hãy quay lại nhìn phía sau sẽ thấy được điểm “vừa đủ” nằm ở đâu.

Hiền Nguyễn