Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

298

(Trích tham luận của đồng chí  Ðặng Ngọc Tùng,
Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
)

…Hiện nay, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn: yêu cầu cao của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế, trong điều kiện khoa học – công nghệ phát triển nhanh, cạnh tranh gay gắt, tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng phức tạp; âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta vẫn quyết liệt. Mặt trái của kinh tế thị trường và sự du nhập của các luồng văn hóa độc hại đang từng ngày, từng giờ tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có GCCN. Một bộ phận của công nhân, lao động không có việc làm ổn định, thời gian làm việc kéo dài và cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc ít được cải thiện,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng và đời sống một bộ phận giai cấp công nhân.

 

Nhiều vấn đề bức xúc của GCCN chưa được giải quyết thỏa đáng. Hàng vạn công nhân lao động (CNLÐ) ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) phải thuê nhà ở, trong điều kiện tạm bợ thiếu thốn và không bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu. Ở nhiều KCN, tình trạng nữ công nhân lao động không lập được gia đình có xu hướng gia tăng, nhà trẻ, trường mầm non thiếu trầm trọng. Ở nhiều doanh nghiệp tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, nên đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn… Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận công nhân còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HÐH đất nước; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; có một bộ phận công nhân sống thiếu lý tưởng, niềm tin, sa vào các tệ nạn xã hội.

Hiện cả nước mới có 1,2% số doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp FDI có chi bộ đảng, với số đảng viên chỉ bằng 0,84% tổng số đảng viên của cả nước. Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong số đảng viên mới kết nạp chưa năm nào vượt quá 10%… Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do sự lãnh đạo của một số cấp ủy đảng địa phương chưa được quyết liệt, sát sao; chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với CNVCLÐ chưa được thực hiện nghiêm túc; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn chưa được phát huy đầy đủ; sự phối hợp, kết hợp của cả hệ thống chính trị đối với việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đến đời sống chưa đạt hiệu quả cao… không còn phù hợp, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời, như chính sách về tiền lương, nhà ở, về đào tạo, bồi dưỡng công nhân…

Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý nghiêm (chỉ tính riêng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp năm 2009 đã hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2010 còn cao hơn). Sự phân hóa giàu nghèo giữa CNLÐ với cán bộ quản lý trong doanh nghiệp và một số giai tầng trong xã hội ngày càng tăng. Một số địa phương chỉ chú trọng đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, mà chưa chú ý đúng mức đến sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống, thu nhập, nhà ở, cải thiện môi trường sống, điều kiện lao động cho công nhân; một số doanh nghiệp chỉ quan tâm tới doanh thu và lợi nhuận, ít quan tâm đến quyền và lợi ích của NLÐ nên đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động đình công, ngừng việc tập thể trong thời gian qua…

Ðể xây dựng GCCN vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, làm cơ sở xã hội, chỗ dựa vững chắc cho Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi có bốn kiến nghị với Ðại hội:

Một là, BCH T.Ư Ðảng cần chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 6 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; phải sử dụng tổng hợp các biện pháp khả thi để đưa nghị quyết này vào cuộc sống, làm cho CNVCLÐ cảm nhận được những thay đổi tích cực khi thực hiện Nghị quyết.

Hai là, sớm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn thành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của GCCN, tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLÐ tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của GCCN. Trước mắt, cần tập trung lãnh đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải quyết những bức xúc hiện nay đối với công nhân như: nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.

Quan tâm lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan trực tiếp tới người lao động và tổ chức công đoàn, nhất là Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung các luật trên vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng vừa phải tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn năng động, tự chủ và sáng tạo trong hoạt động, thực sự trở thành người đại diện tin cậy, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ba là, cần triển khai một cách có hiệu quả chủ trương từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân. Chất lượng giai cấp công nhân có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

… Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển Ðảng trong công nhân, thành lập tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước… Quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt cho công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả. Ðào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo cơ hội phát triển cho cán bộ công đoàn trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, xuất thân từ công nhân.

Bốn là, Ðảng cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho CNLÐ, để họ luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tinh thần phấn đấu vươn lên trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, lương tâm nghề nghiệp.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục CNLÐ, bảo đảm định hướng thống nhất nội dung và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục từ Trung ương đến cơ sở, nhằm tăng cường quan hệ mật thiết giữa Ðảng với công nhân và Công đoàn. Nhà nước cần đầu tư và có chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa lao động, câu lạc bộ công nhân, hệ thống truyền thông đại chúng, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, khu nhà trọ đông CNLÐ, tạo môi trường lành mạnh để xây dựng đời sống văn hóa trong CNLÐ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Theo Báo Nhân Dân