Phỏng vấn các đại biểu dự Đại hội lần thứ XI của Đảng

217

Ðồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân TP Hồ Chí Minh:

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

PV: Xin đồng chí cho biết, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được TP Hồ Chí Minh  triển khai thực hiện như thế nào?

Ðồng chí Hứa Ngọc Thuận: TP Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng phát triển nguồn lực con người và coi đây là nhân tố nền tảng trong phát triển. Nghị quyết Ðại hội lần thứ 7 Ðảng bộ thành phố (2001-2005) và lần thứ 8 (2006-2010) đều xem nội dung phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thành ủy và UBND thành phố đã tập trung sức chỉ đạo tăng ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp, trung tâm giáo dục, dạy nghề; đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, công nhân; phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trên các lĩnh vực; chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng lực bổ sung cho hệ thống chính trị. Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, thành lập Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, phê duyệt chương trình phát triển nguồn nhân lực nghề cho các ngành công nghiệp trọng yếu, thành lập Tổ xây dựng Ðề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn thành phố, chiếm khoảng 30% cả nước. Ðội ngũ công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học đạt hơn 54%; số lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt 55%. Ðầu tư cho giáo dục tăng dần qua các năm, chiếm tỷ trọng khoảng 24% ngân sách chi thường xuyên và khoảng 20% ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả tốt, được sự đồng tình và hưởng ứng của xã hội. Ðến nay, toàn thành phố có 1.541 trường học đáp ứng cho khoảng 1,3 triệu học sinh các cấp; 72 trường đại học, cao đẳng, chiếm 17,63% tổng số các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; 84 trường trung cấp chuyên nghiệp (46 trường của trung ương); 370 cơ sở đào tạo nghề từ sơ cấp đến cao đẳng và nhiều cơ sở sản xuất tham gia đào tạo công nhân lành nghề, chất lượng cao; 55 công ty dịch vụ đưa người đi lao động nước ngoài…

PV: Thưa đồng chí, nội dung chính của chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong những năm tới là gì?

Ðồng chí Hứa Ngọc Thuận: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 là một trong sáu chương trình đột phá mà Ðại hội lần thứ 9 Ðảng bộ thành phố đã thông qua nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và CNH, HÐH; gồm năm chương trình nhánh. Ðó là Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tham gia thị trường lao động kỹ thuật cao trong khu vực Ðông – Nam Á và quốc tế. Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là nhân lực có chất lượng cao cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; gắn đào tạo với sử dụng lao động qua đào tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động; phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước. Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp  các ngành kinh tế chủ lực. Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao. Và, cuối cùng là Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ cho các cơ quan, đơn vị.

PV: Theo đồng chí, để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có giải pháp gì?

Ðồng chí Hứa Ngọc Thuận: Từ thực tế ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi kiến nghị: Trước hết, cần cơ cấu lại lĩnh vực đào tạo cho phù hợp yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, để từng bước khắc phục tình trạng quy mô đào tạo công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề cao quá nhỏ so với quy mô đào tạo sinh viên đại học và cao đẳng. Nội dung đào tạo cần gắn với yêu cầu thực tế và trình độ khoa học – công nghệ. Hai là, mỗi địa phương cần quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực riêng, phù hợp đặc điểm và điều kiện của địa phương mình, nhưng phải thống nhất với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của vùng, của ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu đã được xác định. Ba là, bên cạnh xây dựng quy hoạch, Trung ương cần có chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cơ sở vật chất để các địa phương có điều kiện thực hiện quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Có như vậy, mới tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của mỗi địa phương, đồng thời giảm sức ép cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

NGUYỄN PHAN TOÀN (Thực hiện)

 

 

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội:

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới

6659.jpg

PV: Ðề nghị đồng chí cho biết nhiệm kỳ vừa qua, quán triệt đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Ðảng, lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng như thế nào?

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn:

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ðảng, Nhà nước ta đã quan tâm đúng mức, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm toàn diện cho công tác quân sự – quốc phòng. Công tác quốc phòng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Quán triệt đường lối, quan điểm của Ðảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ðảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và lực lượng vũ trang Thủ đô đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Ðó là: Công tác tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố tổng kết, quán triệt và triển khai một số Nghị quyết quan trọng của Ðảng về công tác quốc phòng và lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với quốc phòng-an ninh, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mới của Bộ Tư lệnh Thủ đô theo Lệnh số 16 của Chủ tịch nước về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Kịp thời huy động lực lượng, phương tiện thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng… Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ Thủ đô tiếp tục được củng cố ngày càng vững mạnh, tiềm lực quốc phòng được tăng lên. Chất lượng tổng hợp, trình độ và sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ thuộc lực lượng vũ trang Thủ đô được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn. Ðảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sức chiến đấu được nâng lên; cán bộ, đảng viên vững vàng trước thử thách, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

PV: Từ thực tiễn và lĩnh vực công tác, đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì tại Ðại hội?

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn:

Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, tôi mong muốn ở nhiệm kỳ này, Ðảng, Nhà nước tiếp tục xem xét, bổ sung và ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, quốc phòng với an ninh; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng sớm hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Coi trọng xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; phát huy tiềm lực của địa phương trong việc bảo đảm cho quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ. Cần quan tâm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, từng bước bảo đảm trang bị cho LLVT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục quốc phòng-an ninh, cần sửa đổi, bổ sung chính sách đối với LLVT nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài trong quân đội. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách nhà ở cho sĩ quan quân đội theo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội luôn tin tưởng rằng, với những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng sẽ sớm đi vào cuộc sống, đánh dấu bước phát triển mới toàn diện của đất nước, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Ðại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu ‘Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

LÊ MẬU LÂM (Thực hiện)

 

 

Đồng chí Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ:

Thu hút ngày càng nhiều thanh niên vào Đảng

PV: Thưa đồng chí, những năm qua, công tác phát triển đảng trong thanh niên TP Cần Thơ đạt được những kết quả gì?

6660.jpg

Ðồng chí Phan Thị Hồng Nhung: Những năm qua, các cấp ủy  đảng ở TP Cần Thơ rất quan tâm công tác phát triển đảng trong thanh niên. Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Cần Thơ chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, phát động sâu rộng Cuộc vận động ‘Ðoàn viên phấn đấu, rèn luyện trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam’. Trong ba năm (2007-2010), toàn thành phố đã bồi dưỡng, giới thiệu với Ðảng 14.888 đoàn viên ưu tú. 3.549 đồng chí đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng trong đoàn viên còn một số hạn chế như: một số cấp ủy cơ sở, tổ chức đoàn chưa quan tâm đúng mức công tác phát triển đảng trong đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) và còn nhiều thanh niên chưa có điều kiện phấn đấu. Công tác phát triển đảng trong ÐVTN ở vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên, công nhân, người dân tộc thiểu số… chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều cơ sở đoàn chưa giới thiệu được đoàn viên ưu tú với Ðảng; chậm đổi mới về nội dung, hình thức sinh hoạt, do vậy chưa thu hút được đông đảo thanh niên tích cực tham gia các phong trào do Ðoàn phát động.

PV: Từ thực tế ở TP Cần Thơ, theo đồng chí, cần làm gì để tăng cường công tác phát triển đảng trong thanh niên?

Ðồng chí Phan Thị Hồng Nhung: Ðể phát triển đảng trong ÐVTN, cần quan tâm củng cố, phát triển tổ chức Ðoàn, Hội LHTN Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, đơn vị với phương châm ‘Nơi nào có thanh niên, nơi đó có tổ chức Ðoàn, tổ chức hội’. Theo đó, cần thực hiện những giải pháp, chính sách sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng và nâng cao nhận thức của các tổ chức Ðảng, của cán bộ, đảng viên về vai trò của đoàn viên, thanh niên và tổ chức Ðoàn. Ðảng cần chú ý đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Ðoàn vì ‘công tác xây dựng Ðoàn là xây dựng Ðảng trước một bước’. Mạnh dạn giao thanh niên thực hiện những công việc khó, đòi hỏi sự nhiệt tình, xung kích, để thanh niên có điều kiện phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nguyện vọng, nhận thức, từ đó có hướng động viên, khuyến khích cái đúng, cái được, uốn nắn kịp thời những hạn chế.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đối với việc xây dựng tổ chức Ðoàn ở mọi lĩnh vực. Ðây là giải pháp cơ bản để tổ chức Ðoàn có điều kiện trong quá trình tổ chức các hoạt động. Việc đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ đoàn là một trong những giải pháp cơ bản giúp cho cán bộ đoàn yên tâm cống hiến cho công tác Ðoàn và phong trào thanh niên. Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu giỏi cho Ðảng về lãnh đạo công tác thanh niên, trong đó có công tác phát triển đảng trong ÐVTN. Trên thực tế, TP Cần Thơ đã có chính sách đào tạo nguồn cán bộ trẻ, có năng lực là những ÐVTN theo Chương trình 150 của thành phố. Qua đó, nhiều cán bộ Ðoàn được đào tạo có trình độ đại học và sau đại học ở trong nước và ngoài nước về phục vụ cho thành phố. Nhiều đồng chí trong đội ngũ cán bộ Ðoàn được tín nhiệm bầu giữ các chức danh chủ chốt trong các cơ quan của Ðảng và chính quyền các cấp.

Thứ ba, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của tổ chức Ðoàn trong giai đoạn hiện nay. Hoàn chỉnh đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp. Các cơ sở Ðoàn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đoàn viên; tham mưu với Ðảng quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng về công tác phát triển đảng, có kế hoạch cụ thể trong từng thời kỳ về công tác phát triển đảng trong ÐVTN. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động ‘Ðoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên cộng sản’, tạo điều kiện phát huy vai trò của đoàn viên ưu tú, đối tượng Ðảng trong xây dựng tổ chức Ðoàn, Hội LHTN Việt Nam, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, tham gia phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Theo Báo Nhân Dân