Tuổi trẻ Khánh Hòa học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tiếp thu văn hóa nhân loại

145

Nguyễn Trung Triều – Bí thư Đoàn

Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang


Tư tưởng Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là một vấn đề mang tính quy luật mà hầu hết các nhà khoa học khi nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam đều thừa nhận. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển cũng không nằm ngoài quy luật đó.

 

Tìm hiểu về Hồ Chí Minh, ta thấy, khi ứng xử “với mình, với người, với công việc”, Hồ Chí Minh có cách thức, phương pháp riêng của mình. Cách thức, phương pháp đó được Hồ Chí Minh sử dụng một cách nhuần nhuyễn và mang một phong cách rất riêng. Trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cách thức, phương pháp đó được thể hiện qua mấy điểm cơ bản sau:

 

Thứ nhất, Hồ Chí Minh rất trân trọng những giá trị tư tưởng mà các bậc tiền bối đã để lại.

Từ trong kho tàng lý luận của các bậc tiền nhân, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện ra những giá trị, những hạt nhân hợp lý để tiếp thu và kế thừa. Hồ Chí Minh đã tỏ rõ thái độ trân trọng khi đánh giá ưu điểm của các học thuyết, trào lưu tư tưởng trên thế giới: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”. Từ sự đánh giá rất khách quan và khoa học đó, Hồ Chí Minh đã khiêm tốn “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(1).

 

Thứ hai, trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh đã làm giàu trí tuệ của mình và trí tuệ dân tộc bằng những giá trị văn hóa của cả phương Đông lẫn phương Tây.

Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại với một thái độ vô tư, trong sáng và rất khoa học. Người không bị chi phối bởi ý thức hệ chính trị, không bị khúc xạ bởi lối tư duy trực giác cảm tính, không chịu tác động của thiên kiến địch – ta, không bị ảnh hưởng bởi lối quan niệm phân biệt Đông – Tây.

Thậm chí, Hồ Chí Minh còn hiểu sâu sắc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tốt đẹp của chính dân tộc đang đem quân sang xâm lược nước mình.

 

Thứ ba, những gì mà Hồ Chí Minh kế thừa là những vấn đề có tính chân lý, những giá trị mang tính chất phổ biến, đúng trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với mọi dân tộc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới ngày 2/9/1945 là một ví dụ điển hình cho nhận định này. Bác đã nêu lên nguyên lý cơ bản về quyền con người được nhắc đến trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 mà bất kỳ dân tộc nào cũng hướng đến. Hồ Chí Minh đã nhắc đến hai văn kiện ấy với một tấm lòng trân trọng đặc biệt. Tương tự như vậy, Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn với nội dung cốt lõi “dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”. Đó là mong muốn, là khát vọng của bất kì dân tộc nào, nền văn hóa nào trên thế giới  muốn  đạt được.

 

Thứ tư, Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, có sự cải biên và phát triển tinh hoa của nhân loại, cho phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhiều luận điểm khi tiếp thu, Hồ Chí Minh đã cải biến cả nội dung tư tưởng lẫn ngôn từ thể hiện. Có thể dẫn vài ví dụ chứng minh cho nhận định này:

Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu có nói một luận điểm, đại ý:

Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu,

Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu,

Kế sách cho trọn đời, lấy việc trồng người làm đầu.

Trồng một, gặt một, ấy là lúa,

Trồng một, gặt mười, ấy là cây,

Trồng một, gặt trăm, ấy là người.

(Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân; Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã; Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã; Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã).

Trên cơ sở tư tưởng của Quản Trọng, Hồ Chí Minh đã “Việt hóa” thành một câu súc tích, ngắn gọn nhưng giàu hình ảnh, sinh động, dễ hiễu, dễ đi vào lòng người:

“Vì lợi ích mười năm, phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm, phải trồng người”.

Từ một luận điểm mang đậm chất Trung Hoa, bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, Hồ Chí Minh đã giúp người đọc, người nghe dễ dàng hình dung và hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng con người, nhất là “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

Hồ Chí Minh mượn khái niệm trung, hiếu của Nho giáo đó là trung thành với vua chúa, với chế độ phong kiến, hiếu với cha mẹ mình để mở rộng, phát triển thành trung thành với Tổ quốc, hiếu với nhân dân, trong đó có hiếu với cha mẹ. Đặc biệt hơn, Người còn nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Thật không quá lời khi cho rằng, sự kế thừa, phát triển này “là một cuộc cách mạng, một sự đảo lộn trong quan niệm đạo đức”.


Thứ năm, từ những phân tích ở trên về cách thức Hồ Chí Minh vận dụng để tiếp thu di sản văn hóa của nhân loại, cũng như nghiên cứu toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những giá trị trong lịch sử tư tưởng nhân loại trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng.

Hồ Chí Minh đề cao lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, coi học thuyết đó là “cái cẩm nang thần kỳ”. Người khuyên chúng ta “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin”. Tuy nhiên, Người cũng căn dặn, học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin không nên rập khuôn, máy móc mà phải nắm lấy “cái cốt lõi”, “linh hồn sống” của nó là phương pháp biện chứng để hành động, để ứng xử với công việc và với con người.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo trong tác phẩm Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh cũng đã nhận định: “Người là nhà Mácxít sáng tạo mà một trong những phương diện sáng tạo đặc sắc của Hồ Chí Minh là thực hành phép biện chứng” (2).

Nhờ đứng trên phương pháp luận Mácxít, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chuyển hóa những tinh hoa văn hóa của nhân loại, Người đã tổng kết thực tiễn, đúc rút lý luận để hình thành nên hệ thống quan điểm mới, sáng tạo, toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Tóm lại, tinh hoa văn hóa nhân loại đã được Hồ Chí Minh tiếp thu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, thông qua lăng kính truyền thống văn hóa dân tộc và được tiếp biến, phát triển cho phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Nhờ cách tiếp thu đó mà những lời văn, câu nói của Hồ Chí Minh trở nên có sức thuyết phục hơn. Đồng thời, qua đó cũng làm nổi bật lên một lối ứng xử rất văn hóa, rất khoa học và cũng rất Hồ Chí Minh. Đó là một trong những phẩm chất cao quý của một nhân cách lớn mà chúng ta cần học tập, noi theo.

 

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.1, tr.417.

(2). Hoàng Chí Bảo, Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr.112.