Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu HĐND

169

 

– HỎI: Xin cho biết thủ tục về bầu cử thêm và bầu cử lại?

 

– TRẢ LỜI: Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử chưa đủ 2/3 số đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử quyết định ngày bầu cử thêm số đại biểu còn thiếu. Việc bầu cử thêm phải được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

 

Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu nhưng không trúng cử. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số đại biểu thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.

 

 

Ở đơn vị bầu cử nào, nếu số cử tri đi bầu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử. Ủy ban bầu cử quyết định ngày bầu cử lại, chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

 

 

Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

 

 

Hội đồng bầu cử hủy bỏ cuộc bầu cử ở đơn vị bầu cử có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng theo đề nghị của Chính phủ và quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó.

 

 

– HỎI: Việc bầu cử bổ sung đại biểu HĐND được tổ chức như thế nào?

 

 

– TRẢ LỜI: Việc bầu cử bổ sung đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ được tiến hành trong các trường hợp sau đây:

 

 

1. Đơn vị bầu cử khuyết đại biểu;

 

 

2. Đơn vị hành chính mới được sáng lập, đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới hoặc đơn vị hành chính được thay đổi cấp có số lượng đại biểu HĐND chưa đủ theo quy định của pháp luật.

 

 

Việc bầu cử bổ sung chỉ được tiến hành trong trường hợp số lượng đại biểu HĐND không còn đủ 2/3 tổng số đại biểu được ấn định và khi thời gian của nhiệm kỳ HĐND còn ít nhất là 1/3, trừ trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Chính phủ.

 

 

Thể thức bầu cử bổ sung đại biểu HĐND theo quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bầu cử bổ sung và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp tỉnh.

 

 

Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định việc bầu cử bổ sung và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

 

 

Ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND phải được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.

 

 

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp nào thì UBND, Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp đó thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung từ 3 đến 5 người và chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung, thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử bổ sung một Ban bầu cử bổ sung từ 3 đến 5 người gồm đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội.

 

 

Ủy ban bầu cử bổ sung gồm Chủ tịch, Thư ký và ủy viên.

 

 

Ban bầu cử bổ sung gồm Trưởng ban, Thư ký và ủy viên

 

 

Chậm nhất là 10 ngày trước ngày bầu cử bổ sung, UBND cấp xã thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử bổ sung từ 5 đến 7 người gồm đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và tập thể cử tri ở địa phương.

 

 

Tổ bầu cử bổ sung gồm Tổ trưởng, Tổ phó, thư ký và các ủy viên.

 

 

Các tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử quy định tại Luật này.

 

 

Danh sách cử tri do UBND cấp xã lập và niêm yết chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

 

 

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp nào thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp ấy tổ chức hội nghị hiệp thương theo trình tự, thủ tục do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN quy định để lựa chọn, giới thiệu, lập danh sách người ứng cử.

 

 

Danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị khuyết đại biểu do Ủy ban bầu cử bổ sung công bố chậm nhất là 7 ngày trước ngày bầu cử.

 

 

Theo baokhanhhoa.gov.vn