Đối thoại giữa Thường trực Chính phủ với đại biểu Đại hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ IX

280
Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Sinh viên Việt Nam. Chiều 28/12 tại Hà Nội đã diễn ra buổi đối thoại giữa Thường trực Chính phủ với đại biểu Đại hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ IX.


Web.ĐTN xin chuyển tới bạn đọc buổi tường thuật trực tuyến cuộc đối thoại này.

 
 
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia đối thoại với 650 đại biểu là sinh viên ưu tú trên khắp các tỉnh thành toàn quốc.

 

Cùng dự cuộc đối thoại còn có lãnh đạo một số Bộ, ngành: Bộ trưởng Bộ KHCH Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên.

 
 
 
 
Lãnh đạo bộ, nghành tham gia buổi đối thoại
Lãnh đạo bộ, nghành tham gia buổi đối thoại
 

Trước khi  diễn ra buổi đối thoại, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu: Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, luôn sáng tạo, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Với khẩu hiệu hành động “Sinh viên Việt Nam thi đua học tập – sáng tạo – tình nguyện – hội nhập”, Sinh viên Việt Nam trong giai đoạn tới quyết tâm thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài đóng góp sức mình cho sự phát triển đất nước.

Tại diễn đàn quan trọng này, các đại biểu Đại hội mong muốn được bày tỏ suy nghĩ của mình với Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành về trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; Đồng thời, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của sinh viên đề đạt với Đảng và Nhà nước; qua đó tạo động lực cho sinh viên học tập, cống hiến và trưởng thành; tạo những bước phát triển mới cho tổ chức Hội và phong trào sinh viên cả nước.

Đúng 14h15′ buổi đối thoại bắt đầu…

 
 

Đại biểu Phạm Thị Thùy My – Đại học Duy Tân Đà Nẵng

Xin bộ trưởng cho sinh viên biết những thành tựu gần đây của nền khoa học, công nghệ nước ta cũng như những định hướng mũi nhọn của khoa học, công nghệ nước nhà cần tập trung trong thời gian tới.

 
Đại biểu Phạm Thị Thùy My
Đại biểu Phạm Thị Thùy My
 
 

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân:

 
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân

Kính thưa thủ tướng, các đồng chí từ các bộ ngành, các bạn sinh viên tham dự  Đại hội Sinh viên Việt Nam, thay mặt bộ KHCN  xin báo cáo các đại biểu và trả lời câu hỏi trên

Bộ Khoa học công nghệ những năm qua đạt được những gì ? KHCN được Đảng và nhà nước quan tâm rất nhiều, để đội ngũ KHCN được phát triển. Tại hội nghị thứ 6 với đã đưa ra nhiều nội dung mới. Vừa rồi Quốc hội ban hành luật khoa học công nghệ đổi mới. Ngoài ra, nguồn đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển không chỉ ở ngân sách nhà nước mà còn nhờ vàocác thành phần  xã hội đặc biệt là doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu. Đưa ra các chính sách trọng dụng và đãi ngộ với các cán bộ. Trước mắt tập trung vào 3 đối tượng : các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học đang có đề tài nghiên cứu và các nhà khoa học trẻ tài năng. 

 
 

Các bước phát triển vượt bậc về KHCN. Đến 2020 Việt Nam sẽ dẫn đầu các nước Asean về phát triển công nghệ, trong đó Việt Nam xếp hạng 76. Trong Asean đúng thứ 4, có chỉ tiêu đứng thứ 3, Như vậy có thể nói đã bắt đầu xuất hiện niềm hi vọng để Việt Nam sánh vai các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã đạt được thành công trong nhiều lực vực như : lĩnh vực lai tạo giống lúa, công bố bản đồ gen 36 giống lúa. Chúng ta đã dẫn đầu thế giới xuất khẩu gạo ; Xếp thứ 10 thế giới  về chế tạo và lắp đặt giàn khoan ; Làm chủ công nghệ điều khiển vệ tinh từ mặt đất ; Phát minh ra các vắc xin chống các dịch hiểm nghèo như H5N1, SAR ; Thành công trong y học như ghép tim, mổ nội soi… Thiết kế thành công chip 32, và thành lập nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt là các bạn sinh viên những người có điều kiện phát huy được năng lực và đóng góp vào công cuộc phát triển KHCN của nước nhà.

 
 

Đại biểu Nguyễn Đình Yên – Sinh viên Đại học Thái Nguyên:

 

Thời gian qua các tổ chức Đoàn – Hội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các bạn sinh viên, tuy nhiên còn nhiều bạn sinh viên chưa quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này và ông có thể cho một số giải pháp cụ thể để giải quyết?

 
 

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

 
 

Nghiên cứu khoa học và đào tạo là hai nhiệm vụ chính của một trường ĐH, nhưng hầu hết các trường mới quan tâm đến công tác đào tạo còn hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm phát triển.

 
 

Có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đó là: tỷ lệ sinh viên/thầy còn cao hơn bình quân thế giới nên thời gian vật lý giành cho giảng dạy quá nhiều. Các thấy cô giáo mới chỉ tập trung được cho đào tạo mà chưa quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Thứ hai là nguồn kinh phí giành cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế và chúng ta chưa có một trường đại học chuyên về nghiên cứu thực sự.

 
 

Mới đây BCH Trung ương đã đồng thuận cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và cũng đề xuất giao đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường, có đề tài nghiên cứu cấp nhà nước giành cho các bạn sinh viên…

 
 

Trong thời gian tới, Bộ đã kiến nghị với Bộ Tài chính để có đầu tư đủ lớn để xây dựng đội ngũ tiềm năng cho các trường đại học. Không chỉ sinh viên năm cuối, mà sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, cũng có thể tham gia vào đội ngũ này nếu họ có những sản phẩm khoa học thực sự. Bộ KHCN sẽ ưu tiên các đề tài nghiên cứu tiềm năng và hỗ trợ các bạn để có thể triển khai các đề tài của mình vào cuộc sống.

 
 

Đại biểu Khắc Toàn- Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh:

 

Thưa thứ trưởng, Đề án ngoại ngữ 2020 về trang bị kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên đã đi được nửa chặng đường nhưng đến nay sinh viên vẫn chưa được hưởng bất cứ ưu đãi gì từ đề án này. Xin thứ trưởng cho biết, đề án này đang thực hiện tới đâu? Ngoài ra còn có câu hỏi thêm là việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh sinh viên diễn ra như thế nào ? Và bộ GDĐT có các đề án hay chương trình gì để hỗ trợ ?

 

Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý:

 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Thứ trưởng Bộ GD&ĐTTrần Quang Quý

 

Về vấn đề ngoại ngữ cho học sinh luôn là vấn đề rất quan trọng để các em hội nhập quốc tế. Theo cam kết năm 2015 sẽ tiến tới nâng cao ngoại ngữ giúp cho sinh viên trong giao tiếp, sau khi tốt nghiệp sẽ di chuyển nguồn nhân lực đến các nước để làm việc là vô cùng quan trọng.

Năm 2008, chính phủ phê duyệt đề án nâng cao hệ thống giao dục ngoại ngữ trong quốc dân để giúp đỡ sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, đến sau năm 2020 sẽ sử dụng ngoại ngữ thành thạo để làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài và giao dịch quốc tế. Trong thời gian qua, bộ GD đang triển khai đề án này. Tuy phê duyệt năm 2008 nhưng năm 2011 mới chính thức hoạt động , lúc đó chính phủ đưa vào mục tiêu quốc gia và chúng ta có kinh phí để hoạt động. Năm 2012 bộ GD tích cực triển khai đề án này. Chúng ta đã đưa vào các trường phổ thông, các trường đại học. Đầu tiên là rà soát năng lực tiếng anh của các giáo viên và giảng viên ; Do kinh phí có hạn nên bộ GD tiến hành trước ở các trường điểm ; Xây dựng khung chuyển hóa chuẩn tiếng Anh, dựa theo tiêu chuẩn Châu Âu, đánh giá 16 bậc. Trong đó các em học ngoại ngữ không chuyên ngành, sau khi tốt nghiệp phải đạt cấp 3. Các em học chuyên ngành ngoại ngữ phải đạt cấp 5. Trong đó sau khi tốt nghiệp phải có 2 bằng ngoại ngữ, một bằng tiếng chính, một bằng tiếng phụ. Hiện nay đang triển khai đến một số trường đại học trọng điểm. Triển khai các khóa tập huấn cho các giáo viên học với phương pháp hiện đại. Hiện nay đề án dự tính năm 2019 sẽ có 90% học sinh sinh viên được học và đến năm 2020 sẽ là 100%. Tuy nhiên do kinh phí có hạn nên chỉ tập trung ở các trường Đại học có năng lực, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đến các trường khác.

Về nâng cao trình độ Tiếng Anh, Việt Nam đã nhảy từ mức 38 lên mức 27 trong bảng xếp hạng. Trước đây Quốc tế đánh giá tiếng Anh tại Việt Nam còn yếu kém, nhưng năm 2013 Việt Nam là quốc gia đạt tiếng anh trình độ trung bình. Đề án 2020 đã xây dựng chương trình dạy tiếng anh trên truyền hình. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn các bạn cố gắng học tiếng Anh qua các kênh như CNN để tăng khả năng nghe và hiểu.

Về giáo dục truyền thống văn hóa các trường Đại học, đây là yêu cầu đáng trân trọng của sinh viên. Trong thời gian qua chúng ta đã triển khai các công tác như tổ chức các chương trình văn hóa lịch sử. Các đề án mới được đưa ra để nâng cao tinh thần yêu quê hương, yêu dân tộc đang được xây dựng để đưa vào các nhà trường. Trong thời gian qua, bộ GD đã phối hợp với các bộ ngành khác đưa các chương trình giao dục dân tộc vào các trường học như các bài hát dân ca để nâng cao ý thức dân tộc, tinh thần yêu quê hương đất nước.

Đại biểu Đỗ Huy Hoàng – SV Kiến Trúc – Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội:

 
 

Trong thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến nơi ở của sinh viên bằng cách đầu tư xây dựng thêm nhiều ký túc xá cho sinh viên.  Tuy nhiên, số lượng ký túc xá còn ít, các ký túc xá còn xa trường học, cơ sở vật chất vui chơi giải trí tại các ký túc xá còn thiếu …. Theo thứ trưởng, giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu chính đáng này của đông đảo sinh viên.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Việt Nam hiện 30 triệu dân sinh sống ở đô thị, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu dân di chuyển từ nông thôn ra đô thị, vì thế nhu cầu nhà ở là rất lớn và là một sức ép đối với Chính phủ nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn cấp thiết về nhà ở. Và trong chiến lược quốc gia phát triển nhà ở đến năm 2020, Chính phủ đặt nhiệm vụ giải quyết nhà ở cho nhân dân là trách nhiệm của Chính phủ.

 
 

Có 8 nhóm đối tượng nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà ở, trong đó có học sinh – sinh viên. Sinh viên là đối tượng đặc biệt, do không có thu nhập, nên cách hỗ trợ với học sinh – sinh viên sẽ có nhiều điểm khác. Vì thế Chính phủ đã quyết định thông qua chương trình xây dựng nhà ở cho học sinh sinh viên các trường ĐH. Đây là chương trình sử dụng 100% ngân sách nhà nước. Để xây dựng nhà ở cho sinh viên, Chính phủ đã quyết định chi 13 nghìn tỷ đồng và 10 nghìn tỷ đồng giá trị đất (tương đương 1,3 tỷ USD). Đây là quyết định vô cùng mạnh bạo của Chính phủ vào thời điểm đó.

 
 

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên mới chọn ra 28 tỉnh thành (tiêu chí là có 10 ngàn sinh viên trở lên) được đưa vào chương trình. Hiện mới có 20% (khoảng 330 nghìn sinh viên) được ở ký túc xá, 20% ở tại gia đình, còn khoảng 60% phải đi ở trọ.

 
 

Vì tình hình ngân sách có hạn, nên chúng ta chưa thể có kinh phí để đáp ứng đầy đủ ký túc xá cho sinh viên. Chính phủ đang cố gắng để có thể tiếp tục có nguồn lực xây dựng nhà ở hỗ trợ cho sinh viên. Bên cạnh đó, hiện tại Chính phủ đang khuyến khích các DN xây dựng nhà ở cho thuê, đặc biệt là cho sinh viên thuê.

 
 

Để xây dựng 2 khu ký túc xá tập trung ở Mỹ Đình và Pháp Vân đã là một sự nỗ lực rất lớn. Tuy rằng khoảng cách xa nhưng nơi đây có hạ tầng cơ sở tốt hơn, hoàn thiện hơn, có thể giao lưu giữa sinh viên các trường tốt hơn.

Đại biểu Bạch Kim –  sinh viên đại học Nha Trang, Khánh Hòa:

 

Kính thưa Phó thủ tướng, sinh viên Việt Nam, ngoài việc học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động Đoàn- Hội cũng rất quan tâm đến bảo vệ, phát triển biển, đảo của Tổ quốc.Theo Phó thủ tướng, sinh viên có thể và cần phải làm gì để bảo vệ, phát triển biển đảo Việt Nam.

 
Đại biểu Bạch Kim - SV Đại học Nha Trang
Đại biểu Bạch Kim – SV Đại học Nha Trang

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Thưa các bạn,là công dân Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm với vận mệnh của đất nước mình, bảo vệ chủ quyền đất nước là điều rất thiêng liêng, và bảo vễ vững chắc rồi thì phải làm sao cho mình giàu mạnh lên thì mới bảo vệ tốt được. Sinh viên có thể làm được không và có nên làm không? Xin trả lời là có chứ, và không những nên làm mà phải làm. Cái chung nhất là các cháu phải học thật giỏi, không chỉ kiến thức mà phải là ngoại ngữ, tin học, kĩ năng sống, kĩ năng làm việc theo nhóm… để sau này chúng ta góp phần vào làm cho đất nước giàu mạnh lên. Còn bảo vệ thì hiện nay chúng ta còn có nhiều cách khác như bằng ngoại giao, bằng kinh tế, bằng rất nhiều thứ nhưng mà trên hết là phải dựa trên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng, nhất định chúng ta phải bảo vệ. Mà bảo vệ trong thời kỳ văn minh này là dựa trên luật pháp quốc tế, ví dụ ta có công ước về luật biển năm 1982, quy tắc ứng xử DOC…mình phải theo đó và dựa trên tinh thần chủ động và phát huy. Không dùng vũ lực và không đe dọa.

 
 

Bác muốn hỏi lại các cháu về việc này: Các cháu đã tìm hiểu nhiều về việc này chưa? Cháu có biết về Công ước quốc tế về Luật Biển không?  Có biết DOC là như thế nào không?

Như vậy trước hết đối với sinh viên là phải học giỏi, thứ nhì là muốn làm gì phải hiểu biết về nó. Phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… Các  cháu phải hiểu đúng vấn đề, sau mới vận dụng, hành xử cho đúng. Khi chúng ta biết rồi thì phải giải thích cho những người xung quanh để cùng hiểu đúng, để khi có sự việc gì thì cùng ứng xử đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi quốc gia được bảo đảm hơn.

Có các đồng chí công tác tại Văn phòng Chính phủ ở đây, tháng 9 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Trung ương có biên soạn nhiều sách, trong đó có quyển sách “100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho lớp trẻ”, bác sẽ đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm nhất có thể, nếu được trong hôm nay,, xin Nhà xuất bản đưa bản mềm quyển sách này lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Mỗi cháu ở đây hãy cố học, cố đọc và tuyên truyền cho mọi người. Đây là việc các cháu có thể làm.

Đại biểu Lê Quý Vinh- Sinh viên Đại học  KinhTế Hồ Chí Minh

 

Năm 2013, kinh tế thế giới cũng như trong nước còn rất nhiều khó khăn và năm 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Phó thủ tướng có thể đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, và những tác động đối với nguồn nhân lực tương lai của đất nước nhât là đối với sinh viên?

 
Đại biểu Lê Quý Vinh
Đại biểu Lê Quý Vinh
 

Năm 2013, các bạn sinh viên ngồi đây có quan tâm đến tình hình kinh tế thế giới, có biết tỉ lệ tăng trưởng GDP  Việt Nam chính xác là bao nhiêu? Ít quá nhưng có những người biết đã là tốt rồi vì sinh viên thì chủ yếu là học thôi, thì các cháu chỉ cần nhớ thế này thôi, kinh tế thế giới vừa qua bị ảnh hưởng  rất là lớn, nhiều nước trên thế giới hiện giờ vẫn đang vật lộn. Mấy năm trước các cháu nghe khủng hoảng ở Hy Lạp mà giờ vẫn còn khó khăn lắm. Mà nước ta cũng đang như vậy. Năm ngoái Quốc hội chính phủ quyết tâm năm 2013 cố tốt hơn 2012, có nhiều chỉ tiêu  lắm nhưng có hai ý chính thôi. Một là trước lạm phát cao quá. Lạm phát tức là mất giá của đồng tiền, ở các nước kinh tế trong thời gian cực kì tốt  thì lạm phát chỉ khoảng 1.5% thôi nhưng mình có lúc lên đến 20%. Thế nên đến năm 2012 là 6.84%, thôi  mình cứ nôm na là 7%  cũng là rất tốt rồi nhưng vẫn còn cao, và đến năm 2013 quyết tâm để xuống thấp hơn. Tăng trưởng năm ngoái 5.2% và năm nay cố gắng được 5.4%, thì năm 2014 có dự báo là có triển vọng khá hơn, nhưng chỉ là dự báo thôi, còn rất nhiều khó khăn. Trong nước thì ta củng cố ổn định vĩ mô, để đưa tăng trưởng cao hơn nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta từ nền kinh tế tập trung dần thành kinh tế thị trường, quá trình chuyển đổi đó ta gần đi được đến giai đoạn cuối cùng rồi , còn lại một số vấn đề nữa ta phải làm để đưa nền kinh tế phát triển trên cơ chế thị trường. Ta nói rất nhiều đến sự hỗ trợ của nhà nước như giá xăng dầu, viện phí. Cái định hướng của chúng ta là tái cơ cấu nền kinh tế, ngày xưa mình toàn doanh nghiệp nhà nước hết, sau mấy chục năm cải cách ta còn rất ít doanh nghiệp ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước và lien doanh với nước ngoài thì các cháu biết rồi nên bây giờ chúng ta chỉ tập trung vào những chỗ nào thật sự cần thiết, thật sự thiết yếu thôi, còn lại tiếp tục cổ phần hóa, tiếp tục biến nó thành môi trường cạnh tranh hóa thì đấy là điều khó khăn và lớn hơn. Và vừa rồi vì khủng hoảng và khó khăn nên cần giải quyết các vấn đề trước mắt để giữ ổn định. Sắp tới ta phải làm mạnh những cái chung trước.

 
 
 

Đại biểu Cao Thị Mỷ – Sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên:

Đại biểu Cao Thị Mỷ
Đại biểu Cao Thị Mỷ
 

Năm 2015 là mốc để hình thành Cộng đồng ASEAN, Chính phủ đã có chuẩn bị những gì để sinh viên và thanh niên có những nắm bắt, hành trang để cùng sinh viên các nước khác bước vào cộng đồng chung, sân chơi chung?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cháu đã sẵn sàng cho Cộng đồng ASEAN năm 2015 chưa? Cháu có thể lên đây chia sẻ với các bạn ở đây là cháu đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN. Còn tất cả những việc Chính phủ làm, kể cả việc bác trả lời các cháu hôm nay, đều nhằm để nước ta thực sự thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, thành viên tích cực, có trách nhiệm, kiến tạo những vấn đề lớn trong ASEAN.

Còn cháu có thể nói cho các bạn biết bản thân cháu đã sẵn sàng như thế nào?

SV Cao Thị Mỷ: Sự sẵn sàng của cháu thể thiện thứ nhất trong học tập, suốt cả quá trình, tích cực tham gia phong trào đoàn, hội của trường, để đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

 
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cháu có tìm hiểu về cộng đồng ASEAN chưa?

 
 

SV Cao Thị Mỷ: Cháu cũng chưa hiểu rõ lắm và rất mong Phó Thủ tướng giải đáp giúp cháu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

 
 
 

Có bạn nào là sinh viên trường ngoại giao ở đây không? Cháu hỏi bác như vậy vì có lẽ cháu ít lên mạng Internet. Hiện nay, đi đâu cũng nghe nói về Cộng đồng ASEAN nhưng mọi người hay nghĩ Cộng đồng ASEAN giống Cộng đồng chung châu Âu, nhưng không phải vậy, nó cũng có những cái khác. Các nước ASEAN trước đây bị chia rẽ bởi chiến tranh ở Việt Nam, cuộc chiến tranh tàn khốc không có gì tả nổi. Nhưng quá khứ này được khép lại bằng việc Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995, mở ra kỷ nguyên ASEAN thực sự là một tổ chức của các quốc gia Đông Nam Á và xây dựng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đoàn kết, hợp tác phát triển. Cộng đồng có 3 trụ cột đó là: chính trị-an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa. ASEAN khác EU là không có khu vực phòng thủ chung, liên minh quân sự chung và đối ngoại từng nước đều độc lập; về kinh tế cơ bản cởi mở thành thị trường chung, giao lưu thương mại qua lại nhưng khác EU là không có đồng tiền chung; văn hóa thì phát triển… Chúng ta sẵn sàng cho ASEAN nhưng cần nghĩ xa hơn, chúng ta sẵn sàng cho hội nhập thế giới. Hiện các bạn không chỉ sẵn sàng là công dân ASEAN mà còn sẵn sàng là công dân toàn cầu chứ… Các bạn phải cố học thêm ngoại ngữ, trau dồi thêm kiến thức, ngoài kiến thức chuyên môn, hoạt động Đoàn Thanh niên, theo bác là rất tốt. Chính các cháu có đoàn thể, có các phong trào tình nguyện rất tốt, mong các cháu tiếp tục phát huy.

 

Đại biểu Cao Xuân Dũng – Sinh viên Đại học kiến trúc

 

Các sinh viên ở các tỉnh sau khi ra trường thì thường ở lại các thành phố lớn để làm việc mà rất ít quay trở về quê hương. Các bạn sinh viên du học nước ngoài cũng thường ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước mình đã và đang có biện pháp gì khuyến khích các bạn sinh viên trở về xây dựng quê hương, đất nước của mình?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

 

Đương nhiên Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để trí thức nói chung và sinh viên ra trường nói riêng về các vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, điều đầu tiên là mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, phải có một quyết tâm, một hoài bão của mình. Các bạn cần ý thức rằng, đất nước Việt Nam chúng ta phải do chính người Việt Nam xây dựng và quê Nghệ An của cháu phải do những người Nghệ An quyết tâm xây dựng trước. Đó là sự xác định rất tốt tuy nhiên chúng ta cũng không máy móc, vì người Nghệ An cũng là người Việt Nam và cũng có trách nhiệm chung trong xây dựng đất nước. Vì thế, chúng ta đừng có khắt khe trong việc ra ngoài học thì bắt buộc phải trở về quê hương làm việc. Ở nước ngoài mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm kinh tế có thu nhập tốt hơn gửi về cho đất nước thì chúng ta cũng không coi việc đấy là không tốt. Việc xây dựng và bảo vệ đất nước có rất nhiều biện pháp. Chúng ta hãy cố gắng học tập tốt và những người học chuyên ngành có thể đi về được vùng sâu, vùng xa thì chúng ta cố gắng phát huy tinh thần xung kích của thanh niên. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách khuyến khích, cả trực tiếp và gián tiếp, tuy nhiên, đất nước còn nghèo vì thế mỗi người chúng ta hãy cũng cố gắng.

Đại biểu Bùi Quốc Hưng – BCH Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược Thái Bình:

Đại biểu Bùi Quốc Hưng
Đại biểu Bùi Quốc Hưng
 

Thưa Phó Thủ tướng, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều đến việc cắt giảm hành chính công. Chính từ đơn vị của chúng cháu và liên quan đến sinh viên khi nghiên cứu khoa học thì để có được kinh phí, chúng cháu phải thủ tục rất rườm rà, trải qua nhiều các công đoạn, kể cả khi các công đoạn xong rồi thì cũng phải từ 6-8 tháng mới lấy được khoản kinh phí đó. Xin Phó Thủ tướng cho biết việc cắt giảm hành chính công được triển khai như thế nào ạ?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

 

Vấn đề cháu hỏi rất đúng và cũng là vấn đề mà vừa rồi các thành viên Chính phủ đã tranh luận rất gay gắt để tìm ra biện pháp hiệu quả. Ngày xưa việc chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học rất chặt chẽ và rườm rà. Giờ đây, việc chi này sẽ được quản lý theo dạng quỹ, tạm gọi là giao nhiệm vụ và khoán đầu ra. Nếu được vận hành trơn tru thì đây là một giải pháp hiệu quả hơn rất nhiều.

 
 

Thủ tục hành chính rườm rà đang là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước. Giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong rất nhiều năm và được làm rất mạnh mẽ. Chúng ta đã tin học hóa, đưa lên mạng mấy chục ngàn công văn, văn bản để giảm bớt sự rườm rà trong thủ tục, nhưng chúng ta đều biết điều quan trọng nhất trong vấn đề này là người công chức nhà nước. Làm sao để công chức nhà nước phát huy tốt nhất hiệu quả phục vụ là trọng tâm của ngành nội vụ nước nhà.

 
 

Hi vọng các bạn sau này ra trường, nếu có bạn nào trở thành công chức nhà nước thì hãy nhớ lại tinh thần xung kích của thanh niên để sau này bản thân mình và lan tỏa đến mọi người xung quanh làm đúng công vụ và thực hiện đúng những thủ tục, thì dù thủ tục có chặt chẽ thì thời gian cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

 

Đại biểu Trịnh Thị Hiền Phương – Sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM:

 
 

Hiện nay các ngành đào tạo của Việt Nam còn sự chênh lệch lớn, đặc biệt trong các ngành như sư phạm hay khoa học cơ bản. Cháu thấy, đối với ngành khoa học cơ bản thì chất lượng đầu vào còn thấp hoặc số lượng học sinh đăng ký thi tuyển còn chưa nhiều. Vậy Nhà nước, Chính phủ có cơ chế chính sách nào thu hút các bạn vào các ngành này và làm việc trong lĩnh vực này?

 
Đại biểu Trịnh Thị Hiền Phương
Đại biểu Trịnh Thị Hiền Phương
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của cháu là câu hỏi rất lớn của ngành Giáo dục.

 

Chúng ta đều biết, tuỳ từng thời điểm có thể chúng ta tập trung vào ngành kỹ thuật hay ngành có tính ứng dụng nhanh. Nhưng một nền khoa học, một nền tri thức của đất nước nhất định không được quên khoa học cơ bản. Cái này ngày xưa chúng ta làm rất tốt, có một thời kỳ cũng bị nguội đi, nhưng gần đây, khoa học cơ bản được chú trọng hơn, đầu tư nhiều hơn.

 

Một trong những minh chứng nhỏ thôi, ví dụ như sau khi anh Ngô Bảo Châu được giải thưởng, chúng ta lập Viện Toán Cao cấp, mời anh về làm việc nhưng rất khó để đưa thành phong trào lớn. Các cháu nhớ, ngày xưa, có rất nhiều bác như bác Nguyễn Văn Hiệu về chuyên ngành vật lý rất giỏi, nhưng sau này ngành đó cũng ít đi. Đặc biệt, sắp tới làm năng lượng hạt nhân, cần huy động người theo học ngành này nhưng vì nhu cầu sử dụng không có nên ít người theo học. Còn đối với sư phạm, có thời kỳ, chúng ta hỗ trợ sư phạm rất mạnh, cho học sinh sư phạm học bổng, các trường sư phạm phát triển mạnh mẽ khắp nơi, không chỉ có trường sư phạm ở Trung ương, mà tỉnh nào cũng có. Hầu như tỉnh nào cũng có các trường cao đẳng sư phạm,  bây giờ khoảng hơn 40% sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc. Theo bác, đó là nguyên nhân chính, khi đầu ra, việc làm khó, các bạn sẽ ít đến học, chứ cũng không phải vấn đề mình cần hỗ trợ gì thêm.

 

Có lẽ bây giờ phải tính làm sao để hỗ trợ giáo viên khi ra trường ở những nơi cần hỗ trợ. Đối với ngành khoa học cơ bản, theo bác, bây giờ ngoài hỗ trợ trong trường, cái chính phải hỗ trợ làm sao để công tác nghiên cứu khoa học cơ bản được đẩy lên. Khi có nhu cầu thu hút nhân lực thì tự nhiên các cháu sẽ vào.

Không biết bác nói thế có đúng không. Cháu chọn KHXHNV có phải vì lý do đó không?

SV Trịnh Hiền PhươngCháu học ngoại ngữ nhưng thấy khoa học cơ bản rất quan trọng.

a
Nguyễn Minh Phúc

Cũng như bác nói, nếu như khoa học cơ bản không phát triển được thì các ngành khoa học khác cũng không thể…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quan niệm đó là rất đúng. Và các bạn học khoa học cơ bản, kỹ thuật không học ngoại ngữ nhưng cũng biết, ngoại ngữ rất quan trọng đúng không các bạn.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Phúc – Sinh viên Đại học Sao Đỏ, Hải Dương:

 
 

Được biết, Phó Thủ tướng có nhiều năm học tại nước ngoài. Vậy Phó Thủ tướng thấy chương trình đào tạo, học tập nước ngoài có ưu điểm, khác biệt gì so với chương trình đào tạo đại học, cao đẳng trong nước và điểm ưu việt nào có thể áp dụng được cho việc đào tạo trong nước để sinh viên Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn với quốc tế?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Bác học đại học ở Bỉ, không học đại học ở Việt Nam nên khó so sánh. Sáng nay ở diễn đàn các trường đại học bác đã nói rồi: Bây giờ rất thuận lợi khi chúng ta ban hành Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, tức là đổi mới từ cơ cấu, đến chương trình, phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng, đổi mới đội ngũ giáo viên. Tất cả đều theo một hướng, đó là hướng tới thành công dân toàn cầu, sinh viên toàn cầu, làm sao để sinh  viên học đại học xong muốn học cao học tại trường nào cũng được. Để được như vậy có rất nhiều điều phải làm. Nhưng có thuận lợi là chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới, mình đều có thể tham khảo, họ cũng sẵn sàng chia sẻ. Trong nhiều chương trình giảng dạy, nhất là của các trường đại học tiên tiến, về cơ bản ta đã tham khảo nhiều môn học. Bác tin là càng ngày chương trình giáo dục của Việt Nam sẽ càng gần hơn với chương trình đào tạo của thế giới.

Rất tiếc phải nói lại là bác chưa học đại học trong nước nên chưa so sánh được. Nhưng có điều bác cảm giác là học phổ thông ở nước ngoài có thể nhàn hơn ở Việt Nam nhưng học đại học thì vất vả, nghiêm khắc hơn.

Đại biểu Bùi Thanh Toàn – Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên:

 
 
 
Đại biểu Bùi Thanh Toàn
Đại biểu Bùi Thanh Toàn

Tôi được biết  Phó Thủ tướng cách đây gần 10 năm khi đồng chí là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ấn tượng với tôi khi đó là một đồng chí lãnh đạo trẻ, năng động, thẳng thắn, gần gũi và cởi mở, đến nay ấn tượng đó ngày càng sâu đậm hơn. Được biết khi Quốc hội phê chuẩn đồng chí làm Phó Thủ tướng phụ trách văn hóa-xã hội-giáo dục, bản thân tôi rất tin tưởng và kỳ vọng.

Tôi có một vấn đề xin được trao đổi với Phó Thủ tướng. Cách đây 1 tháng chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đã diễn ra, qua khảo sát 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, chương trình đã công bố kết quả, rất nhiều nước bất ngờ vì Việt Nam xếp thứ 17/65. Kết quả này cho thấy giáo dục trung học phổ thông của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Còn vấn đề giáo dục đại học chúng tôi thấy ở tỉnh nhà, sinh viên trung bình không có việc làm là chuyện bình thường, sinh viên khá, giỏi khi ra trường không có việc làm cũng là chuyện bình thường. Hiện nay ở Phú Yên có tình trạng thạc sỹ đi làm thợ may. Lý do chính là các bạn có chuyên môn nghề nghiệp nhưng kém về mặt kỹ năng. Các đoàn hội, nhà trường cũng quan tâm đến đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nhưng chúng tôi mong muốn là đưa đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình khung để dành thời gian và nguồn kinh phí cho đào tạo kỹ năng. Với cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội-giáo dục, rất mong Phó Thủ tướng cho biết định hướng của Chính phủ về vấn đề này?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ sẽ tăng cường nhiều biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đại học và phương pháp giảng dạy để làm sao học sinh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực mới cho hội nhập.

Lý do chính về việc thạc sỹ phải đi làm thợ may không phải là do các bạn thiếu kỹ năng mà đây là câu chuyện “con gà quả trứng”. Để giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường và cho lao động, điều đầu tiên chúng ta phải phát triển rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Có nhà máy, có công ty thì người lao động mới có chỗ. Chuyện con gà-quả trứng ở chỗ này là: Nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt, là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngược lại, khi đầu tư phát triển mạnh thì lại thu hút nguồn nhân lực. Vấn đề này hai bên cùng phải làm.

Đối với Chính phủ, để làm những việc như bạn nói, không chỉ là đổi mới giáo dục cơ bản mà phải có những đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  để tạo môi trường kinh doanh tốt, nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước cùng phát triển sản xuất kinh doanh. Có khâu rất đặt biệt là doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, không chỉ trong hỗ trợ kinh phí đầu tư mà còn đặt ra yêu cầu nhân lực để cơ sở đào tạo có định hướng giảng dạy. Nhìn chung chúng ta đã bàn rất nhiều, mong rằng chúng ta cùng nhau, như tôi nói ban đầu, làm tốt hơn việc này trong thời gian tới. Xin cảm ơn bạn.

 

Đại biểu Ma Trần Thúy Hạnh – SVĐH Nông nghiệp:

 
 

Các bạn đã hỏi nhiều về các vẫn đề kinh tế, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam. Cháu xin bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên dân tộc thiểu số chúng cháu về học phí, cộng điểm, chỗ ở. Đảng và Nhà nước đã cho rất nhiều “cá” nhưng bản thân chúng cháu muốn có “cần câu”. Cháu muốn bản thân và những bạn sinh viên dân tộc thiểu số khác sẽ mang kiến thức của mình về giúp cho cộng đồng dân tộc mình. Cháu mong muốn Đảng, Nhà nước có những chương trình như Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã vì chính sinh viên dân tộc thiểu số chúng cháu hiểu rất rõ về cộng đồng dân tộc mình.

 
 
Đại biểu Ma Trần Thúy Hạnh
Đại biểu Ma Trần Thúy Hạnh
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hiện nay Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã đang được thực hiện với nhiều mục đích, trong đó có mục đích đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các cháu. Bác chỉ muốn nói thêm, xuất xứ của Chương trình này cách đây đã gần 20 năm và bây giờ đang giao cho Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ thực hiện, đánh giá… Bác tin rằng nếu chương trình thực hiện tốt thì Đảng, Nhà nước không ngần ngại tiến hành mở rộng… Để chương trình tốt hơn, bác rất mong các cháu khi kết thúc khóa học sẽ về quê nhà công tác, lập nghiệp, trở thành những người đưa quê hương mình đi lên, để thực sự khoảng cách vùng sâu, vùng xa với vùng đô thị càng ngày thu hẹp…

 

SV Ma Trần Thúy Hạnh: Chắc chắn ạ!

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác thấy sự quyết tâm của cháu vì câu nói này. Sinh viên phải có niềm tin, nếu chúng ta có môi trường tốt, có niềm tin thì sẽ thực sự trở thành công dân không chỉ của ASEAN mà là cả của toàn cầu.

 
 

Đại biểu Huỳnh Phan Đại Phú Sang, TPHCM:

 
 

Cháu nhớ hồi học lớp 11, 12, trong các chương trình hướng nghiệp, các thầy hướng nghiệp

a
Huỳnh Phan Đại Phú Sang

dạy rằng đại học không phải là con đường duy nhất, chúng ta có thể học cao đẳng, sau đó liên thông lên đại học. Và có những người học trung cấp nhưng hiện giờ vẫn giữ những chức vụ quan trọng… Nhưng đến khoảng cuối tháng 2/2013 khi chúng cháu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng của hệ cao đẳng để chuẩn bị thi liên thông lên đại học thì có Thông tư của Bộ GDĐT là nếu thi lên hệ chính quy đại học thì phải thi Toán, Lý, Hóa của hệ THPT. Nếu thi môn chuyên ngành thì phải đi làm ở ngoài 3 năm để có kinh nghiệm rồi mới thi được. Có một khó khăn là đến tháng 3 chúng cháu mới biết được Thông tư của Bộ GDĐT nên quay lại học Toán, Lý, Hóa không kịp và đến tháng 8 mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trong khi kỳ thi lại tổ chức vào tháng 7. Như vậy chúng cháu sẽ bị muộn mất 1 năm và nếu như đi làm ba năm để có kinh nghiệm thi chuyên ngành thì thực tế là hiện tại bằng cao đẳng rất khó xin việc. Xin hỏi Phó Thủ tướng có định hướng nào đối với sinh viên hệ cao đẳng trong giai đoạn các bạn muốn học tiếp và muốn liên thông lên không ạ?

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tâm tư của cháu là tâm tư của rất nhiều bạn học cao đẳng. Đúng là nếu học cao đẳng xong, ra trường mà có việc ngay thì chúng ta cũng sẵn sàng học 3 năm, thậm chí 5 năm. Tuy nhiên, hiện tại học cao đẳng xong cũng không xin được việc, cũng không được học tiếp đại học thì đây là một thắc mắc rất đúng đắn.

Tại đây có Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, đề nghị Bộ xem lại vấn đề này. Mình làm cái này rất bất cập về thời gian, tháng 8 mới có kết quả mà tháng 7 đã thi rồi. Vừa học cao đẳng ở trường vừa phải dành thời gian ôn lại các môn từ thời trung học sẽ làm cho chất lượng học ở trường cao đẳng của các sinh viên bị giảm đi. Đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu và có chủ trương, chính sách sớm để tạo điều kiện hơn cho các cháu.

 
 

Sinh viên Tạ Minh TríHiện tại có một số bạn sinh viên Việt kiều rất mong muốn về Việt

a
Tạ Minh Trí

Nam để đóng góp xây dựng Tổ quốc nhưng lý lịch chính trị không tốt, muốn về nhưng không biết phải làm thế nào. Phó Thủ tướng có thể giải đáp giúp cho các bạn không ạ?

 
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta ngồi đây, như bác nói, đều sinh ra sau chiến tranh, chiến tranh qua đi đến giờ gần 40 năm rồi. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, dù rằng người đó ở miền xuôi hay miền ngược, trong Nam hay ngoài Bắc, dù ở Việt Nam hay đang định cư, học tập, công tác ở nước ngoài. Sự nghiệp bảo vệ đất nước là của tất cả người Việt Nam, không có sự phân biệt nào.

 
 

Không ai chọn được bố mẹ, chọn được nơi sinh. Chúng ta là công dân Việt Nam, chúng ta chịu trách nhiệm về chính mình. Tất cả người Việt Nam dù xuất xứ thế nào, dân tộc gì, tôn giáo nào, thì điều đấy cũng không ngăn cản các bạn có cơ hội cống hiến cho đất nước. Cơ hội cống hiến của các bạn phụ thuộc vào khả năng, hoài bão của các bạn.

 
 

Cháu hãy nhắn nhủ đến các bạn của cháu rằng, không có sự phân biệt nào cả. Nếu các bạn thấy rằng về Việt Nam có chỗ nào đó mà các bạn cống hiến được thì mời các bạn về. Có rất nhiều con em của bà con Việt kiều về nước, lập gia đình và thăng tiến trong cuộc sống. Bác nghĩ là không có vấn đề gì cả.

 
 

Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội SVVN ở CHLB Đức: Cháu xin đại diện cho

Nguyễn Ngọc Quỳnh
Nguyễn Ngọc Quỳnh

16.000 sinh viên Việt Nam tại Đức. Các sinh viên Việt Nam cũng như Việt kiều tại Đức đều đau đáu muốn kinh tế Việt Nam phát triển. Trong chiến lược của chúng ta tới năm 2020 phát triển Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong các ngành kinh tế, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần phát triển đột phá nào? Và chọn khâu đột phá nào để chúng ta có thể phát triển theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới như Bác Hồ từng mong muốn?

 
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu nói tới khâu đột phá thì tuỳ từng thời kỳ. Thời kỳ này Đảng, Nhà nước xác định 3 khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Làm sao để mở rộng, phát huy tất cả mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong một môi trường thật sự bình đẳng theo kinh tế thị trường.

 
 

Thứ 2, hạ tầng của mình còn bất cập, chúng ta phải tập trung đột phá hạ tầng, trước hết là giao thông.

 
 

Thứ 3 là nguồn nhân lực. Quốc gia nào cũng cần nguồn nhân lực. Đất nước ta tài nguyên thì có hạn, còn lại vốn quý nhất là con người. Phải đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có khâu đào tạo.

 
 

Nghe câu hỏi của cháu, bác cảm thấy cháu muốn đề cập đến ngành đột phá.

 
 

Về việc này, từng ngành đều có chiến lược phát triển. Bác chia sẻ trên cương vị cá nhân rằng ngành nào cũng rất quan trọng, nhưng bác nghĩ bây giờ chúng ta tập trung vào những ngành giúp cho chúng ta có thể vượt nhanh lên được.

 
 

Bác nghĩ công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành cần phát triển đột phá. Bởi thứ nhất, tạo ra giá trị gia tăng lớn, chủ yếu từ trí óc. Không cần đầu tư nhiều nhà máy công xưởng, có thể làm ngay trên máy, quan trọng nữa, CNTT làm ra giá trị giúp thông tin tuyên truyền cũng như đưa thông tin về tri thức đến từng người dân, từng ngóc ngách, phát huy được dân chủ của nhân dân, phát huy được sức sáng tạo của tất cả mọi người dân và nâng cao dân trí. Bác nghĩ đây là lĩnh vực có thể chúng ta sẽ tập trung. Những năm vừa rồi chúng ta đã tập trung phát triển và có bước tiến dài, nhưng dư địa vẫn còn và nên tiếp tục.

 
 

Bác xin chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất, ngành nào cũng thế, là cần sáng tạo. Có người nói với bác rằng, ở phương Tây, người ta cổ vũ mọi ý tưởng mới. Các cháu nhớ trước đây, năm 1990 có người rao bán đất trên Mặt Trăng, nghe có vẻ điên rồ, nhưng thực tế vẫn có người thu được tiền. Vào khoảng năm 2005, có người bán 1 dot (điểm màn hình – BTV) trên màn hình máy tính lấy 1 USD. Họ đặt ra mục tiêu bán được 1 triệu USD nhưng thu được hơn 1 triệu USD. Khi có ý tưởng mới thì xã hội cần cổ vũ cho ý tưởng đó. Lớp trẻ phải đi đầu, phải quyết tâm khơi dậy sáng tạo, ý tưởng mới, cùng nghĩ ra và kêu gọi xã hội cổ vũ sự sáng tạo.

 
 

Bác nghĩ rằng, thanh niên rất cần điều này. Bác xin chia sẻ với các cháu: Hãy hoài bão, hãy sáng tạo và cổ vũ cho sáng tạo.

 
 

16h30′ Kết thúc cuộc đối thoại

a
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trao bằng khen cho các tập thể

Để ghi nhận những kết quả trong công tác nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định khen thưởng 4 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ vừa qua, gổm:

1. Hội SVVN Tp. Hồ Chí Minh;

2. Hội SVVN Tp. Đà Nẵng;

3. Báo Sinh viên Việt Nam;

      4. Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển SVVN