Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu học nghề và tìm kiếm việc làm cho thanh niên, giai đoạn 2012 – 2017

1645

       ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BAN CHẤP HÀNH TỈNH KHÁNH HÒA        Khánh Hòa, ngày 15 tháng 01 năm 2013

                   ***

        Số :   03 CTr/ĐTN

        

CHƯƠNG TRÌNH

Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu học nghề

và tìm kiếm việc làm cho thanh niên, giai đoạn 2012 – 2017

——————–

 

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn tỉnh và toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 – 2017 ;

Căn cứ quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ kế hoạch số 3587/KH-ĐA103 ngày 02 /07/2012 của Ban Điều hành Đề án 103 tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012-2015;

Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Khánh Hòa khóa X xây dựng chương trình tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu học nghề và tìm kiếm việc làm cho thanh niên, giai đoạn 2012-2017 với các nội dung cụ thể như sau :

I. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA

– Nâng cao nhận thức của thanh niên trong việc chọn nghề, tìm việc làm trong thời kỳ mới, đặc biệt là các đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Tạo bước chuyển biến về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trẻ tại các địa phương trong tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, tạo thu nhập bền vững, ổn định đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.

– Tạo điều kiện cho thanh niên được học nghề và tìm việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân, đáp ứng được nhu cầu lao động trong giai đoạn hiện nay. Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên.

– Tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, đặc biệt chú trọng đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn – Hội vững mạnh.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Hàng năm 100% học sinh cấp 2, 3 được tư vấn hướng nghiệp.

2. Hàng năm 100% học sinh lớp 12 được tư vấn tuyển sinh.

3. Hàng năm, 80 – 100% thanh niên khu dân cư, khối nông thôn, khu vực đặc thù, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận thông tin về chọn học nghề; học nghề.

4. 100% bộ đội, công an xuất ngũ tại địa phương được tiếp cận thông tin học nghề, địa chỉ học nghề, tư vấn tự học nghề và chọn học nghề.

5. 100% thanh niên có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, lập nghiệp, phát triển mô hình sản xuất, vay vốn được tiếp cận thông tin và được tư vấn.

6. Mỗi huyện, thị, thành đoàn và các đoàn trường đại học, cao đẳng thành lập được văn phòng tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

7. Hàng năm mỗi huyện, thị, thành đoàn tổ chức ít nhất 02 hoạt động tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

8. Mỗi năm các đoàn trường đại học, cao đẳng tổ chức ít nhất 01 hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên năm cuối.

9. Hàng năm, mỗi huyện, thị, thành đoàn tổ chức ít nhất 02 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên.

10. Hàng năm, các đoàn trực thuộc tổ chức ít nhất 01 hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình sản xuất.

11. Hàng năm, toàn tỉnh phấn đấu giới thiệu học nghề và việc làm cho 20.000 lượt ĐVTN.

12. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thành lập ít nhất 01 hợp tác xã thanh niên.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh cấp 2, 3 :

– Tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp giúp cho học sinh khối lớp 9 và khối trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh có định hướng nghề nghiệp cho tương lai để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân cũng như nhu cầu lao động của xã hội.

– Các cấp bộ Đoàn – Hội lồng ghép nội dung định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, ngoại khóa, dã ngoại…

– Tuyên truyền về nghề nghiệp và việc làm trên các trang thông tin của tổ chức Đoàn – Hội.

– Phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh, cung cấp những thông tin cần thiết về kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề cho học sinh; hướng dẫn quy chế tuyển sinh hàng năm.

2. Tư vấn học nghề và giới thiệu học nghề cho thanh niên : 

– Phối hợp với các ngành liên quan điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của thanh niên, hỗ trợ thanh niên tiếp cận thông tin về đào tạo nghề, học nghề thông qua các chiến dịch tư vấn, chương trình truyền thông, kênh báo, đài truyền hình, thông tin của Đoàn – Hội,…        

– Phối hợp với ngành Lao động Thương binh Xã hội, các trường trung cấp và các trung tâm dạy nghề tổ chức tư vấn, giới thiệu học nghề, đào tạo nghề cho thanh niên. Trong đó, trọng tâm là mở rộng quy mô đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

– Nắm bắt thông tin nhu cầu lao động cao để vận động thanh niên tự học nghề và lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.

– Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn về tư vấn học nghề, giới thiệu học nghề với nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng.

3. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp : 

– Phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao cho thanh niên địa phương.

– Tổ chức tuyên truyền,vận động thanh niên tham gia thành lập Hợp tác xã thanh niên; nhân rộng và phát triển mô hình Hợp tác xã thanh niên. Phát triển và củng cố các mô hình hỗ trợ thanh niên tại địa phương như: Câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp”, câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”, mô hình “ Trang trại trẻ”…

– Phối hợp đẩy nhanh công tác giải ngân, hỗ trợ cho thanh niên có nhu cầu được vay các nguồn vốn chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội. Nâng cao năng lực hoạt động của các Tổ tiết kiệm vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ thanh niên vay vốn học nghề; vay vốn đi xuất khẩu lao động từ Ngân hàng chính sách xã hội.

– Thành lập Câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển ý tưởng sáng tạo trong sản xuất; tư vấn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên.

– Hàng năm tổ chức gặp gỡ, trao đổi, động viên các cá nhân, đơn vị, tập thể, Doanh nghiệp tham gia tích cực trong công tác định hướng, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những thanh niên điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.

4. Tìm kiếm việc làm cho thanh niên

– Phối hợp với ngành Lao động Thương binh Xã hội, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho thanh niên, hàng năm tổ chức các hoạt động như “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội tư vấn việc làm”, “Ngày hội tư vấn vay vốn” cho đoàn viên, thanh niên.

– Phối hợp với các ngành kịp thời nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các Doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

– Liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức tư vấn trực tiếp về xuất khẩu lao động cho thanh niên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh đoàn

– Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên. Đồng thời trình UBND tỉnh thành lập bộ máy của trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên.

– Tổ chức các hoạt động cấp tỉnh:

+ Hàng năm phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội tổ chức hội chợ việc làm cho thanh niên trong tỉnh.

+ Hàng năm phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Sở Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp.

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông về nghề nghiệp và việc làm.

– Chủ động phối hợp với các cấp ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên học nghề, tìm việc làm, vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

2. Các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc

– Hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị ( gửi kế hoạch về Ban Thanh niên Công nhân Nông thôn và Đô thị – Tỉnh đoàn Khánh Hòa chậm nhất cuối tháng 01 hàng năm để theo dõi tham mưu).

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghề nghiệp và việc làm sâu rộng trong các cấp bộ đoàn.

– Phối hợp với Phòng Lao động Thương binh Xã hội và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.

– Các huyện, thị, thành đoàn tích cực tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố kế hoạch triển khai thực hiện đề án 103 về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012 – 2015 tại địa phương.

– Giao thành đoàn Nha Trang là đơn vị thí điểm thành lập Văn phòng tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

 

– Định kỳ hàng năm (cuối tháng 10) các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện chương trình về Tỉnh đoàn Khánh Hòa qua Ban Thanh niên Công nhân Nông thôn và Đô thị, địa chỉ 06 Hoàng Hoa Thám – Tp Nha Trang, Điện thoại: 058.3820111, email: bantncnntdt@tinhdoankhanhhoa.org.vn.

– Định kỳ hàng năm, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình.

– Quý III năm 2017 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trên đây là chương trình tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu học nghề và tìm kiếm việc làm cho thanh niên nhiệm kỳ 2012 -2017. Ban Chấp hành Tỉnh đoàn đề nghị Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư TWĐ(b/c);

– TT Tỉnh ủy, UBND tỉnh (b/c) ;

– Ban TN nông thôn, TN trường học TWĐ (p/h)

– Sở LĐTBXH, KH-ĐT (p/h);- UBND các H,TX, TP(p/h);

– Các Ban tỉnh đoàn (t/h);

– Các H, T,TĐ và đoàn trực thuộc (t/h);

– Lưu VP, Ban TNCNNTĐT.                                    

TM. BAN CHẤP HÀNH

BÍ THƯ

  

đã ký

 

 

 

Hồ Văn Mừng