Đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ” trong đoàn viên, thanh niên

414

Hưởng ứng phong trào “Sáng tạo trẻ” cùng với tuổi trẻ cả nước, đồng thời bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa về hoạt động khoa học công nghệ, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, tổ chức triển khai phong trào tuổi trẻ toàn tỉnh tiến quân vào khoa học công nghệ với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể thiết thực. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ” trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được đặc biệt quan tâm triển khai rộng khắp trong các cấp bộ Đoàn. Phong trào đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong ĐVTN với nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương, đơn vị nói riêng và quê hương Khánh Hòa nói chung.

 dsc0275 d6d4f
 Trao giải cho các cá nhân, tập thể tại Festival sáng tạo trẻ

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả phong trào “Sáng tạo trẻ”; đồng thời, thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học Công nghệ và Tỉnh đoàn về “Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống” giai đoạn 2011 – 2015, ngày 18/12/2015, Tỉnh đoàn và Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp tổ chức Festival Sáng tạo trẻ. Lần đầu tiên tổ chức, Festival thu hút sự tham gia của 9 thí sinh với 9 mô hình, đề tài, sáng kiến khoa học trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, nổi bật là đề tài nghiên cứu “Sử dụng chitosan (một loại polyme sinh học an toàn và thân thiện với môi trường) thu sinh khối vi tảo nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản” của bạn Nguyễn Thị Khánh Huyền (Đoàn trường Đại học Nha Trang) đã giành giải nhất Festival. Theo nghiên cứu, chitosan thường được sử dụng làm chất trợ lắng trong xử lý nước thải. Trong quá trình này, chitosan có khả năng hấp thu sinh khối vi tảo, loại vi tảo này có thể dùng làm thức ăn cho các loài thủy sản với chi phí thấp. Kết quả nghiên cứu đã xác định được điều kiện thích hợp để thu các sinh khối vi tảo này bằng chitosan; đánh giá được chất lượng của sinh khối vi tảo khi bảo quản ở nhiệt độ và thời gian khác nhau… Nghiên cứu này được ứng dụng thành công sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Để giải quyết thực trạng hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, bạn Nguyễn Thị Hương (Thành đoàn Cam Ranh) đã mang đến Festival đề tài “Ứng dụng kỹ thuật nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong ao đất tại vùng nuôi TP. Cam Ranh”. Với đề tài này, Hương đã xây dựng mô hình nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong ao đất, ốc hương khi ăn sẽ thải ra các chất mùn bã, hải sâm sẽ lấy những chất mùn bã đó làm thức ăn, góp phần làm sạch môi trường nước trong ao. Kết quả thu được khi áp dụng thực tế tại một số hộ nuôi, lợi nhuận kinh tế từ mô hình đạt 640 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình nuôi đơn từ 80 đến 120 triệu đồng. Với hiệu quả thiết thực mang lại, đề tài này đã giành giải nhì Festival.

Một sáng kiến khác không kém phần hiệu quả là sáng kiến dụng cụ tra hạt bắp trên ruộng lúa không cần làm đất và trên nương rẫy của bạn Nguyễn Xuân Tân (Huyện đoàn Vạn Ninh) đã giành giải ba Festival. Dụng cụ này có kết cấu như một dùi sắt có độ dài hơn 1m, phần dưới là một mỏ vịt, khi cắm xuống đất sẽ ăn sâu từ 3 đến 5cm, đồng thời ở phần trên của dụng cụ có một hộp nhỏ chứa hạt giống, chỉ cần bóp nhẹ là hạt giống sẽ tự rơi xuống lỗ vừa được chọc. Kết quả thực tế, trên 1ha đất, với cách làm thủ công, chi phí để gieo hạt bắp hơn 8 triệu đồng, khi thu hoạch cho lãi 19,9 triệu đồng; nhưng với dụng cụ do anh Tân sáng chế, chi phí gieo hạt chỉ tốn gần 3 triệu đồng và thu nhập được gần 22 triệu đồng. Đồng giải ba là bạn Mai Quốc Sáng với đề tài “Mô hình vườn rau hữu cơ vì nền nông nghiệp bền vững”. Mô hình “Vườn rau hữu cơ” được thực hiện tại Mái ấm Anh Đào (thị xã Ninh hòa) với hệ thông mái che cao 3,6m được phủ lưới râm nhằm hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời cùng hệ thống phun sương tự động đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới tiêu. Vườn được trồng xen canh các loại hoa có vai trò dẫn dụ côn trùng như: cúc vạn thọ, hoa hướng dương… để hạn chế tác động của sâu bệnh hại. Nguồn dinh dưỡng cung cấp cho “Vườn rau hữu cơ” sử dụng chủ yếu từ nguồn phân ủ hữu cơ. Phân ủ hữu cơ là phân được ủ từ tàn dư của các loại cây trồng, đặc biệt là các loài cây họ đậu. Với vài trò phân hủy các chất hữu cơ, hệ vi sinh vật cung cấp hàm lượng dinh dưỡng đáng kể cho cây trồng phát triển.

Bên cạnh các đề tài, sáng kiến nêu trên còn có các đề tài, sáng kiến, mô hình rất thiết thực khác như: đề tài “Đổi mới trong mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng” của thí sinh: Nguyễn Quốc Thịnh (Huyện đoàn Diên Khánh); đề tài “Mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp” của thí sinh Nguyễn Thị Tuyết Hồng (Huyện đoàn Cam Lâm); đề tài “Ứng dụng công nghệ biogas để tận dụng nguồn năng lượng từ chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm” của thí sinh Phạm Thảo Quỳnh Dung (Thị đoàn Ninh Hòa); đề tài “Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Chitosan – nano bạc để bảo quản xoài miếng sấy khô ở Cam Lâm” của thí sinh Trần Văn Khoa (Đoàn trường Đại học Nha Trang) và mô hình “Nông trại sạch” của nhóm thí sinh Nguyễn Khánh Vân, Nguyễn Tấn Minh, Đặng Vĩnh Như Quỳnh (Thành đoàn Nha Trang). Các sáng kiến, mô hình này cùng nhận giải khuyến khích.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhuận – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Festival đánh giá: “Lần đầu tiên tổ chức, số lượng đề tài, sáng kiến tham gia Festival tuy không nhiều nhưng đều rất thiết thực, có tính ứng dụng rất cao. Hi vọng với thành công ban đầu của Festival “Sáng tạo trẻ” lần này, các bạn ĐVTN sẽ mạnh dạn đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, đem đến nhiều mô hình, sáng kiến hữu ích thiết thực hơn nữa tại Festival Sáng tạo trẻ lần 2 dự kiến diễn ra vào tháng 8/2016”./.

Ngọc Thảo