ASEAN giục Trung Quốc đàm phán về tranh chấp biển

98

Các quốc gia Đông Nam Á thúc giục Trung Quốc nhanh chóng có đàm phán cấp cao về những tranh chấp chủ quyền trên biển, một động thái được coi là tạo dựng sự thống nhất để giải quyết vấn đề này với Bắc Kinh.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) cùng người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Cung Hòa bình ở Phnom Penh. Ảnh: AFP

Lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nỗ lực tháo gỡ thế bế tắc liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, ngay trước khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bay tới Campuchia để tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào ngày 19/11.

“Về phía ASEAN, chúng tôi sẵn sàng, thiện chí và tỏ rõ sự cam kết, nhưng để nhảy một bản tango thì cần phải có hai người”, AFP dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ví von sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 18/11. “Phía ASEAN sẵn sàng và chờ đợi bước tiến từ những người bạn Trung Quốc”.

Ông Surin cũng cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã bắt đầu trao đổi chính thức và thực chất hơn về một bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông càng nhanh càng tốt. Các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là giàu tài nguyên, đồng thời có nhiều tuyến đường biển quan trọng đi qua.

Những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nói trên khiến Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong nhiều thập kỷ qua. Căng thẳng dần leo thang trong hai năm vừa qua khi một số quốc gia ASEAN quan ngại trước việc Trung Quốc ngày một tỏ ra cứng rắn với tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này.

Một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông được đề xuất cách đây một thập kỷ nhưng những đàm phán để đưa nó vào hiện thực không thu được nhiều kết quả, do Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm muốn giải quyết các tranh chấp với từng nước liên quan. Tranh chấp trên Biển Đông cũng gây ra chia rẽ trong nội bộ ASEAN, khi hội nghị bộ trưởng ngoại giao của khối này tại Campuchia hồi tháng 7 đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung, sự việc chưa từng có trong 45 năm.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ sẵn sàng để bắt đầu những cuộc đàm phán cấp cao về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lại không cho thấy tín hiệu nào của việc thay đổi quan điểm. Ông Tần nói với các phóng viên tại Phnom Penh rằng những đàm phán đã diễn ra từ nhiều tháng qua, với ý nhắc tới những trao đổi ở cấp thấp. Phát ngôn viên Tần tái khẳng định mong muốn của Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với từng thành viên ASEAN hơn là với cả khối này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh hôm 17/11 thậm chí tuyên bố không nên bàn tới vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Bà Phó cho rằng tình hình hiện đã trong tầm kiểm soát và các nước liên quan có thể tự giải quyết những bất đồng, đồng thời cho biết Thủ tướng Trung Quốc sẽ chú trọng hợp tác kinh tế tại hội nghị lần này.

Hội nghị Cấp cao ASEAN đã kết thúc tối 18/11, với việc lãnh đạo các nước ASEAN ra Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD), đồng thời thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu”, và công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR).

Ngày 19/11, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ khai mạc tại Phnom Penh với sự tham dự của 10 nước ASEAN cùng các nước đối tác. Các hội nghị của ASEAN với những nước đối tác cũng sẽ được tổ chức.

 

Theo Vnexpress