Cán bộ Đoàn mở xưởng chế tạo máy

250

Là Bí thư chi đoàn xóm 10, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam), anh Trần Huy Quang (SN 1985) nổi tiếng vì sáng chế máy móc giúp bà con nông dân và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong vùng.

Anh Trần Huy Quang bên chiếc máy đánh suốt vải.

Nhà sáng chế

Lớn lên ở vùng quê có nghề thủ công truyền thống dệt vải, chứng kiến cảnh người dân lao động vất vả, thu nhập thấp, anh Trần Huy Quang ấp ủ ước mơ tạo ra những chiếc máy đánh suốt sợi giúp bà con giảm sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tốt nghiệp THPT, anh Quang đăng ký thi vào khoa Chế tạo máy (Trung cấp kỹ thuật Nam Định) với suy nghĩ: Học lấy kiến thức kỹ thuật cơ bản kết hợp sáng chế chiếc máy giúp cải thiện điều kiện làm việc ở vùng quê vốn nổi tiếng với các sản phẩm dệt thô.

Đầu tiên anh mày mò nghiên cứu chế tạo máy đánh suốt sợi để giúp hàng trăm hộ làm nghề dệt vải truyền thống thoát cảnh vất vả ngồi suốt chỉ se sợi bằng tay, hao phí nhiều nguyên liệu.

Từ lý thuyết được học, tận dụng phụ tùng xe đạp, máy bơm nước… năm 2005, anh Huy Quang chế tạo thành công chiếc máy đánh suốt vải chạy bằng động cơ có 6 con suốt, tự động se sợi.

So với máy móc nhập ngoại, chiếc máy đánh suốt vải của anh Quang có chi tiết đơn giản, nhỏ gọn, dễ sử dụng và không kén vị trí đặt máy, tiêu thụ ít điện năng.

Đặc biệt phụ tùng sẵn có trong nước nên dễ lắp đặt, thay thế; giá thành thấp, chỉ bằng 1/30 so với máy nhập ngoại (máy anh Quang sản xuất giá 1,7 triệu đồng, máy nhập ngoại giá hơn 40 triệu đồng). So với lao động thủ công, chiếc máy đánh suốt vải này tăng năng suất lao động gấp 6 lần, chất lượng vải vẫn được giữ vững, thu nhập của người dân được cải thiện, nâng cao.

“Các mô hình liên kết sản xuất kinh tế mang đến việc làm, thu nhập ổn định đã thu hút và trở thành động lực để ĐVTN tham gia các hoạt động Đoàn, Hội sôi nổi hơn”.  Trần Huy Quang

Ngày đầu chế tạo máy đánh suốt vải, anh Quang cho hay gặp không ít khó khăn, chiếc máy có một số lỗi ảnh hưởng đến chất lượng vải như bị xù rối và khách hàng đầu tiên trả lại máy. Thiếu vốn theo đuổi việc chế tạo, anh Quang từng đi đánh suốt sợi thuê… Đam mê và kiên trì theo đuổi, sau nhiều tháng ròng, anh Huy Quang đã chế tạo thành công chiếc máy đánh suốt sợi đạt chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận.

Từ thành công với chiếc máy đánh suốt, đến nay, anh Quang trở thành tác giả của nhiều sáng chế hữu ích như: Máy se sợi, máy thái riềng, thái mộc nhĩ. Hiện nay, anh Quang đang nghiên cứu và chạy thử nghiệm chiếc máy rửa bát; ấp ủ cải tiến loại máy kiểm vải tự động hoàn toàn mới năng suất gấp 8 lần hiện nay…

Cán bộ Đoàn phải giàu

Không chỉ giỏi sáng chế, Trần Huy Quang còn là gương sáng làm giàu trên quê hương. Con đường lập nghiệp của anh chứng minh: Thành công không chỉ có duy nhất con đường thi vào đại học. Ngay khi tốt nghiệp Trung cấp, anh Quang về quê thực hiện ước mơ sáng chế các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2008, anh Quang thành lập “Xưởng cơ khí chế tạo máy Thanh niên” với đầy đủ trang thiết bị máy móc. Xưởng của anh Quang đã tạo việc làm cho gần chục thanh niên lao động với thu nhập ổn định từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng cơ khí Thanh niên còn giúp thanh niên học nghề; giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm giúp một số thợ lành nghề của xưởng mở cơ sở sản xuất riêng. Mỗi năm, xưởng sản xuất hơn 200 chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong vai trò bí thư chi đoàn xóm 10, anh Quang tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu thường xuyên để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chia sẻ, tư vấn kinh nghiệm, ý tưởng làm kinh tế; tạo mối liên kết giữa các nhóm nghề của địa phương như: nghề cơ khí chế tạo máy, nghề xe sợi… Anh Quang đứng ra tổ chức giao lưu làm kinh tế, văn hóa văn nghệ với xóm, xã khác.

Anh Quang cho hay, cả chi đoàn xóm 10 có gần 50 ĐVTN, trong đó có nhiều đoàn viên đang học tập tại các trường đại học. Anh Quang thường thông qua trang mạng xã hội Facebook, các chương trình sinh hoạt hè… để kết nối, tập hợp, tổ chức hoạt động cho thanh niên.

Nói về bí quyết thành công trong sáng chế, làm kinh tế và công tác Đoàn, anh Quang cho hay: “Quan trọng nhất là sự kiên trì và cần biết tận dụng những ưu thế sẵn có dù là nhỏ nhất. Phải biết lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Trần Huy Quang được trao giải khuyến khích hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc” năm 2011; Được bình chọn là một trong 10 đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2013 của tỉnh Hà Nam; Bằng khen Giải thưởng sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc (2010); Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam (2012); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam (2013).

 

Theo Tiền Phong