Cần làm rõ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước

190

Mở đầu phiên thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang và giám sát của Chủ tịch nước đối với các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu.

Chiều 15/11, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận sẽ kéo dài 1,5 ngày về dự thảo Hiến pháp sửa đổi và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp.

Không lo chia quyền “nắm” quân đội

Tán thành với quan điểm tăng thêm quyền cho Chủ tịch nước, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, trong quan hệ với Quốc hội, nên trao quyền bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao cho Chủ tịch nước. Việc quy định thẩm quyền này thuộc Quốc hội như hiện nay không hợp lý vì nhiệm kỳ của Quốc hội và nhiệm kỳ của thẩm phán chênh lệch nhau, rất khó xử lý và đảm bảo linh hoạt.

Ông Vân cũng góp ý, cơ chế phê chuẩn phó chủ nhiệm, các thành viên UB Thường vụ Quốc hội mà trao cho cơ quan này là trái với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Việc này khác hẳn với chế độ bổ nhiệm các chức danh trong khối cơ quan hành pháp. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại vấn đề này.
 
Đại biểu Phùng Đức Tiến.
Đại biểu Phùng Đức Tiến.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) muốn làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, trong việc điều hòa phối hợp công tác với các cơ quan lập pháp và hành pháp.

“Quy định hiện hành chưa thể hiện rõ vai trò của Chủ tịch nước trong việc giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu, Quốc hội bầu và phê chuẩn. Dường như vai trò của Chủ tịch nước chỉ là hợp thức hóa các thủ tục hành chính trong các công việc được Hiến pháp quy định” – ông Tiến phát biểu.

Đồng ý với phân tích này, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) phân tích, quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh chưa đầy đủ về mặt nội hàm, nhiều người cảnh báo có mâu thuẫn trong quy định, có thể dẫn đến hệ quả là xin chia quyền lợi.

Nhưng theo ông Trường, Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt. Tổng bí thư là Bí thư quân ủy Trung ương, điều này đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Còn Chủ tịch nước trên cơ sở lãnh đạo tập thể, phát huy vai trò của cá nhân, chịu trách nhiệm trước tập thể về nhiệm vụ.

Như vậy, nội hàm của quy định Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang ông Tiến cho là phụ trách vấn đề về tổ chức, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Vị trí Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh hiện chỉ xác định là người tổng động viên, huy động lực lượng, phương tiện khi có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất để huy động được lực lượng, phương tiện cho chiến tranh phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ trong thời bình.

“Lo giữ nước từ khi nước còn thịnh vượng” – câu ấy hàm nghĩa, việc xây dựng nền quốc phòng, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang để khi có chiến tranh mới chuyển được thế trận quốc phòng sang thế trận chiến tranh nhân dân, mới huy động sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh” – ông Trường đề nghị bổ sung rõ nội hàm này trong chế định Chủ tịch nước.

Người dân cần được trực tiếp bầu Chủ tịch nước
 
Đại biểu Phạm Đức Châu.
Đại biểu Phạm Đức Châu.

Nội dung mở rộng quyền con người, quyền công dân trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng nhận được nhiều ủng hộ của các đại biểu.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lập luận, bản Hiến pháp nêu nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhưng quyền lực nhà nước là một bộ phận của quyền lực chính trị. Vậy nên cần quy định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, chứ không chỉ có là quyền lực nhà nước.

Với tinh thần đó, ông Châu đồng tình cao với việc mở rộng thêm nhiều quyền của công dân, cụ thể là sự thể chế hóa, ghi nhận thêm nhiều quyền con người trong Hiến pháp. Trong một nhà nước dân chủ quyền con người và quyền công dân, theo ông Châu, cơ bản giống nhau về nội dung và đều được nhà nước thừa nhận tôn trọng và bảo vệ, chỉ khác nhau về chế độ pháp lý. Nhà nước dân chủ tôn trọng, bảo vệ và tạo mọi điều kiện để con người được tự do thực hiện mọi quyền con người, nếu không bị pháp luật cấm hay hạn chế nhưng nhà nước không thể bảo đảm được thực hiện mọi quyền con người như quyền công dân.

“Ví dụ, nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền được làm mẹ của phụ nữ dù không có chồng, đó là quyền con người. Nhưng nếu họ không thể thực hiện được thì họ không thể đòi hỏi nhà nước và nhà nước cũng không thể bảo đảm việc thực hiện cho họ được” – ông Châu lập luận.

Với quyền công dân, nếu không được bảo đảm thực hiện, người dân có quyền khiếu nại, đòi hỏi, ví như việc có thể khiếu nại nếu không được thực hiện quyền bầu cử.

Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi mở rộng quyền dành cho tất cả mọi người, bao gồm cả công dân Việt Nam hay người không phải là công dân Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, được đảm bảo an toàn tính mạnh, sinh hoạt, cư trú. Còn quyền công dân cũng gắn với những nghĩa vụ để không ai được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nên tách riêng 2 nội dung quy định này trong luật vì khó có thể nêu hết các quyền con người trong Hiến pháp, sẽ có phần chồng lấn với quyền công dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng “gật đầu” với việc dự thảo Hiến pháp đã khẳng định rõ ràng về quyền con người cũng như bổ sung một số về quyền công dân.

Tuy nhiên, bà Khánh cũng góp ý, trong giai đoạn phát triển mới, dân chủ hóa đời sống xã hội, Hiến pháp cũng cần khẳng định rõ một số quyền đã được quy định và sẽ được thực hiện trong thực tế.

Bà Khánh đề cập 2 quyền là quyền được tham gia trưng cầu ý dân và quyền được bỏ phiếu trực tiếp bầu Chủ tịch nước và các cơ quan của chính quyền địa phương. “Việc gười dân có được các quyền này sẽ là một bước tiến trên con đường phát huy dân chủ trực tiếp bầu những người thay mặt mình lãnh đạo và quản lý từ TƯ đến địa phương” – nữ đại biểu nhấn mạnh.

Theo Dân Trí