Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhìn từ góc độ động lực

270
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, với tên Văn Ba, người thanh niên ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam rời mẹ Tổ quốc, lên tàu Latouche Tréville, mở đầu cuộc hành trình vạn dặm quyết tâm tìm đường cứu nước, cứu dân và đã tìm ra con đường duy nhất đúng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại – con đường cách mạng vô sản.

 

Có rất nhiều vấn đề cần tìm hiểu, giải đáp một cách tường minh xung quanh sự kiện lịch sử quan trọng Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911, trong đó vấn đề động lực thúc đẩy Nguyễn Tất Thành rời xa quê hương, Tổ quốc để tìm ra chân lý độc lập, tự do thật sự cho dân tộc Việt Nam là vấn đề rất hệ trọng. Với cách nhìn khách quan, khoa học, có khẳng định rằng, sự kiện Nguyễn Tất Thành rời xa quê hương, Tổ quốc tìm đường cứu nước, cứu dân cách đây 105 năm là kết quả tất yếu của hệ thống động lực chủ yếu sau:

 
 
 
 
 

 
f
Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn (Ảnh tự liệu)

 

1. Yêu nước, thương dân là động lực chủ yếu, xuyên suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

 
 

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tiến bộ và được giáo dưỡng bởi những người thân có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; lớn lên trên quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An – mảnh đất địa linh nhân kiệt và giàu truyền thống cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã thừa hưởng những giá trị văn hóa tinh túy nhất của gia đình, quê hương, dân tộc; hấp thụ những nhân tố mới của thời đại và đã hình thành những phẩm chất ưu tú, tạo nên một nhân cách mới. Lòng yêu nước, thương dân ở Người không chỉ dừng lại trong quan niệm truyền thống “trung quân”, “ái quốc”, “thương nòi” mà đã hòa quyện với một cơ sở xã hội mới, với những nhân tố mới mà Người đã học hỏi và tích lũy từ rất sớm. Đó là nền “tân học”, sự thấu hiểu con người – mà chủ yếu là người lao động nghèo khổ đang rên xiết dưới gót giầy ngoại xâm và bọn phong kiến tay sai phản động bán nước… Tất cả những yếu tố ấy hòa quyện với nhau tạo nên tình cảm yêu nước, thương dân tha thiết, giúp Người nâng cao nhận thức, hiểu biết về con người, xã hội, vận nước; từ đó hình thành ở Người sự ham muốn tích cực, thái độ tiến bộ đối với vận mệnh của dân tộc.

 
 

Ngay từ lúc mới mười ba tuổi, Người đã bị thu hút khi nghe những từ “tự do – bình đẳng – bác ái” và có ý định muốn làm quen với nền văn minh Pháp, “muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Bởi nỗi trăn trở lớn luôn đau đáu trong tư duy, tình cảm của Người là ở “mẫu quốc” xa xôi ấy con người được “tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng vì sao thực dân Pháp lại đem quân sang xâm lược Việt Nam và đối xử với nhân dân ta vô cùng bất công, tàn bạo? Câu hỏi ấy càng bồi đắp lòng yêu nước, thương dân, mà Người đã xem như là máu thịt của mình. Chính động lực ấy đã thúc đẩy ý chí của Người “phải sang nước Pháp để tìm hiểu, để xem xét và trở về giúp đồng bào mình”.

 
 
 
 
 

 
v
 Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu

 

2. Quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai là động lực trực tiếp thúc đẩy Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

 
 

Sau khi đặt ách thống trị lên đất nước ta, thực dân Pháp câu kết với triều đình nhà Nguyễn bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, nhân dân ta chịu cảnh nước mất, nhà tan, “một cổ hai tròng”. Điều đó tất yếu dẫn đến những cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc bùng nổ khắp nơi, với nhiều phương pháp và xu hướng khác nhau. Tiêu biểu có: xu hướng bạo động hướng ngoại với phong trào Đông du; xu hướng cải cách với phong trào Đông kinh nghĩa thục, cuộc vận động Duy tân; xu hướng bạo động hướng nội bảo thủ với cuộc khởi nghĩa Yên Thế… Nhưng các xu hướng cứu nước ấy đều bị đàn áp và dìm trong bể máu. Cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước, đòi hỏi tất yếu phải có một phương hướng cứu nước mới. Như vậy, hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã tác động trực tiếp đến tư tưởng cứu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành.

 
 

Quyết tâm tìm ra con đường cứu nước mới của Nguyễn Tất Thành đã vượt qua tầm nhìn hạn chế của các nhà yêu nước cùng thời. Đó không phải là “ngẫu nhiên” hay “may rủi”, mà quyết định đó dựa trên cơ sở vững chắc của cách nhìn nhận thấu đáo vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam lúc ấy “phải đưa dân tộc thoát khỏi tình cảnh đen tối như không có đường ra”. Mặc dù vô cùng kính trọng và khâm phục tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu nhằm khôi phục nền độc lập dân tộc của các sĩ phu yêu nước, các vị tiền bối, nhưng Người vẫn nhận thấy những mặt hạn chế của họ không phù hợp với tình hình mới. Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh Pháp khác nào “đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau”; Phan Châu Trinh muốn dựa vào chính thực dân Pháp để đánh đổ phong kiến Nam triều và cải cách canh tân đất nước thì “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; người anh hùng nông dân áo vải Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa gần 30 năm (1884-1913) vẫn còn “nặng cốt cách phong kiến”, chủ trương đánh đổ thực dân Pháp nhưng khôi phục lại chế độ phong kiến. Những nhận định, đánh giá đó là kết quả của một quá trình trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu, đối chiếu, so sánh công phu của một tư duy độc lập, nhạy cảm với thời cuộc. Mặt khác, với vốn Hán học khá tinh thông được thừa hưởng từ những người thầy, nhất là Cụ Hoàng Đường và Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Người rất hiểu một đạo lý của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng “muốn bắt hổ con thì phải vào hang hổ”. Như vậy, quyết tâm giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng mới là động lực trực tiếp hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Từ người tìm đường trở thành người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đến mục tiêu – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 
 
 
 
 

 
f
“Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

 

3. Tìm và xác định lực lượng xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo cách Việt Nam là động lực tác động đến nhận thức, tư tưởng của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước.

 
 

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng và giai cấp lãnh đạo. Người luôn trăn trở với câu hỏi: Ai sẽ là người lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân? Người tâm sự “Lúc bấy giờ ông cụ thân sinh ra tôi và nhiều người khác thường hỏi nhau rằng ai sẽ là người sẽ đứng ra cứu nước, cứu dân? Có người thì cho là người Nhật, người khác lại cho là người Anh… Vậy làm thế nào bây giờ?”[1]. Chính trong thời điểm ấy, ở Việt Nam xuất hiện một giai cấp hoàn toàn mới – giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời do chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa tư bản Pháp. Với tinh thần luôn hướng đến cái mới, cái tiến bộ và niềm tin vào lực lượng mới, nhất là khi đứng trên lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã nhận định chỉ có giai cấp công nhân công nghiệp là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Bởi, “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”[2]. Do đó, tìm và xác định đúng lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là động lực trực tiếp thúc đẩy hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

 
 

4. Ý chí, hoài bão, niềm tin tất thắng vào sức mạnh dân tộc Việt Nam là động lực bên trong nuôi dưỡng, thúc đẩy hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

 
 

Trước cảnh nước mất, nhà tan, Người xác định rõ mục đích cao cả là tìm đường cứu nước, cứu nòi giống khỏi ách áp bức thống trị của thực dân đế quốc và tay sai. Đây hoàn toàn không phải là “cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vì miếng cơm, manh áo” như những luận điệu phản động xuyên tạc, mà đó là sự hội tụ đầy đủ ý chí, nghị lực phi thường, hoài bão lớn và niềm tin tất thắng về sức mạnh yêu nước, đoàn kết, kiên cường đấu tranh của dân tộc Việt Nam có truyền thống mấy ngàn năm chống giặc ngoại xâm.

 
 

Một nhà sử học người Pháp nghiên cứu về cách mạng Việt Nam đã nhận xét: “Khi ông rời Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc không biết rằng ông đang bằng phương Tây để đi tìm phương Đông của ông. Ông hy vọng rằng sẽ sớm trở về Việt Nam để truyền bá những điều đã học hỏi được và đấu tranh. Ông sẽ chỉ về 30 năm sau (năm 1941), sau chuyến đi vòng quanh thế giới, ông đã bắt gặp chủ nghĩa Mác cách mạng thế giới và từ đó sẽ sinh ra một tinh thần dân tộc mới”[3]. Người luôn khẳng định: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi và hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.

 
 

Như vậy, với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc, nhận thức đầy đủ hiện thực xã hội, vận mệnh lịch sử đặt ra đối với dân tộc Việt Nam và những nhân tố mới của thời đại, Nguyễn Tất Thành đã quyết định xuống tàu, rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đây là quyết định táo bạo và đầy sáng tạo được thúc đẩy bằng tổng hợp các động lực, trở thành nền tảng vững chắc giúp Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, hợp quy luật tất yếu của lịch sử giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản.

 
 

105 năm đã trôi qua, ngày 5 tháng 6 năm 1911 không chỉ đánh dấu bước ngoặt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, mà còn ghi vào lịch sử dân tộc ta thời khắc chuyển mình phát triển theo hướng mới, được dẫn dắt bởi người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới – Hồ Chí Minh.

 
 

————————-

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 1, tr. 477.

 
 

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.212.

 
 

[3] Xem: GS Đinh Xuân Lâm Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội, 2008, tr.87-88.

 
 

 

(Nguồn QĐND Online )-