Hội thảo xây dựng chương trình hành động cho CLB Thanh niên Khởi nghiệp

198

(CTG) Ngày 15-10, tại khu di tích đền Đô (Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh), được sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong khuôn khổ Festival thanh niên làm kinh tế giỏi dựng xây đất nước , Cổng tri thức Thánh Gióng và Hội DNT Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam, anh Đặng Lê nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cà phê Trung Nguyên, anh Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

 

Đoàn chủ tọa chủ trì Hội thảo

Lực lượng thanh niên làm kinh tế giỏi đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. 100 doanh nghiệp thanh niên trẻ được tuyên dương lần này đạt tổng doanh thu hơn 11.000 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 400 tỉ đồng, đóng góp cho hoạt động xã hội 20 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động (số liệu năm 2009)…

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, các thanh niên còn là đại diện cho những nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Anh Trần Quang Dũng, 29 tuổi, đã vượt qua những khó khăn của việc khuyết tật vận động để phấn đấu vươn lên với khát vọng làm giàu và trở thành Giám đốc Công ty TNHH Trần Quang, chuyên thi công và san lấp công trình. “Khuyết tật không phải là nguyên nhân của thất bại. Khi tôi mở công ty, chỉ với số vốn 1,9 tỉ đồng, không ít đối tác ngần ngại hợp tác bởi nghi ngờ “anh giám đốc khuyết tật”, nhưng tôi đã chứng minh được rằng, tôi có thể làm việc như người bình thường. Chỉ hơn một năm, công ty tôi đã có số vốn lên gần 4 tỉ, tạo việc làm thường xuyên cho 25 nhân công với mức lương 3,5-4 triệu” – anh Dũng chia sẻ.

Vượt qua khoảng cách địa lí cũng như sự chênh lệch điều kiện vùng miền, anh Và A Lử, dân tộc Mông, sinh năm 1983, quê ở điểm nóng về ma túy: xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Nhận thức về hoàn cảnh đói nghèo của quê hương, anh đã tận dụng tốt nguồn vốn vay 10 triệu đồng để thành lập trang trại chăn nuôi. Lúc đầu chỉ có 5 con bò cái, 5 con trâu cái và 4 con dê, sau 4 năm, đàn gia súc đã tăng lên 120 con bò, 20 con trâu, 30 con dê, cho thu nhập bình quân 430 triệu. Sau khi trừ đi các chi phí tiêm phòng, thuê nhân công, thức ăn, Và A Lử thu lời 200-300 triệu đồng/năm. Với những thành quả đã gặt hái được, Và A Lử vinh dự được tỉnh Điện Biên trao bằng khen danh hiệu thanh niên làm kinh tế giỏi.

“Nếu trong tay tôi có một ý tưởng kinh doanh tốt, nhưng tôi không có tiền để lập công ty riêng, tôi nên làm gì với ý tưởng của mình?”. Nếu tôi đang làm thuê với mức lương 5 triệu đồng, tôi không muốn làm công mà muốn làm chủ, vậy tôi nên làm gì?”… Hàng loạt câu hỏi đã được các bạn thanh niên trẻ khát khao lập nghiệp gửi cho anh Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP cà phê Trung Nguyên để được chia sẻ bí quyết làm giàu.

Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các đại biểu thanh niên của cả nước

Để trả lời các câu hỏi đó, anh Nguyên Vũ chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp mang hương vị đắng ban đầu của cà phê nhưng đậm đà, ngọt ngào mãi về sau: “Tôi đã từng không có nổi 100 nghìn để đóng tiền ở kí túc xá. Nhưng tôi luôn có một khát khao, rằng tôi có thể trở thành một người giàu có. Khi tôi đưa ra ý tưởng đưa cà phê Trung Nguyên ra thị trường thế giới, ban Giám đốc cả 20 người thì chỉ có 2 người đồng ý. Tôi nhận thấy, tôi không thể làm việc với những người không có tham vọng. Tôi triệu tập cuộc họp lần 2, với những gương mặt khác. Tôi hỏi họ, chúng ta chinh phục thị trường thế giới với tâm thế của người khởi nghiệp hay người số 1 Việt Nam? Đa số đều trả lời rằng, chúng tôi đang là số 1 Việt Nam. Tôi không hài lòng. Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê mà doanh thu đóng góp cho đất nước cũng chưa tới 2 tỉ USD, vậy thì lấy gì để tự hào. Nếu chưa gì đã nghĩ mình vĩ đại thì cũng sẽ không thể vĩ đại hơn”.

Anh Nguyên Vũ luôn khẳng định: “Nhiều bạn trẻ kêu rằng, có ý tưởng, nhưng không có vốn để kinh doanh. Tôi phải nhắc lại rằng, vốn không hẳn là tiền. Vốn là tài năng, uy tín được tạo nên bởi chính các bạn. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều mô hình, các quĩ đầu tư hỗ trợ các bạn trẻ. Nếu bạn thực sự có ý tưởng tốt, bạn sẽ được chú ý, và không khó để có tiền”.

Anh Lê Nguyên Bảo – sinh năm 1980, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) chia sẻ: “Cơ hội cho thanh niên lập thân, lập nghiệp ngày nay nhiều hơn. Xã hội cũng đã ý thức rõ hơn về vai trò của doanh nhân, cũng như tạo điều kiện cho người trẻ phát huy tài năng. Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên Việt Nam còn thiếu, yếu kĩ năng mềm, chưa đủ tự tin, dũng cảm để thực hiện ý tưởng của mình. Kết quả là, rất nhiều tài năng đã bị thui chột”. Anh Nguyễn Công Hải -sinh năm 1981, Giám đốc công ty xây dựng Điện Biên bày tỏ: “Tôi thành lập doanh nghiệp với hai bàn tay trằng, chỉ biết cơ hội đang đến với mình và tôi phải nắm lấy. Tôi luôn hỏi 5 năm sau, tôi sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Có thể, tôi đã mạo hiểm, nhưng tôi đã thành công với sự mạo hiểm đó”.

CTG (Tổng hợp)

Thanhgiong.vn