Lãnh đạo tỉnh đối thoại với thanh niên: Gợi mở nhiều vấn đề

395

Tại buổi đối thoại giữa ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa với hơn 300 đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) diễn ra sáng 29-6, nhiều vấn đề xã hội quan tâm đã được đưa ra phân tích như: giải quyết việc làm cho thanh niên, định hướng phát triển kiến trúc của TP. Nha Trang… Tham gia đối thoại có ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thẳng thắn, cởi mở

Đề cập đến chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ sau dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, bạn Lê Hồng Lam (thị xã Ninh Hòa) đề nghị cơ quan chức năng thông tin thêm về các điểm mới, nội dung mới trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Trả lời vấn đề này, ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin đến ĐV-TN về các nội dung hỗ trợ cho thanh niên có trong Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; các nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp; chính sách đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng…

Theo ông Trí, một điểm mới các thanh niên cần quan tâm là trước đây, việc vay vốn để đi xuất khẩu lao động nước ngoài phải thông qua hình thức thế chấp tài sản, dẫn đến nhiều người không đủ điều kiện làm thủ tục. Hiện nay, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ người lao động sang làm việc theo hợp đồng tại các thị trường Nhật Bản, Úc với mức vay vốn theo hình thức tín chấp, số tiền tối đa 120 triệu đồng/người, đối tượng ưu tiên là các gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, nguồn kinh phí được đầu tư 10 tỷ đồng/năm.

“Hiện nay, sở đang tập trung nâng cao năng lực Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng giao dịch việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên. Tuy nhiên, Tỉnh đoàn cần có trách nhiệm phổ biến, nâng cao ý thức cho thanh niên trong việc tìm kiếm việc làm. Nhiều phiên giao dịch chúng tôi tổ chức tại địa phương, lượng thanh niên đến tham gia rất ít, trong khi theo khảo sát, nhu cầu tìm kiếm việc làm của thanh niên khá cao”, ông Trí nói.

 

Ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh, vấn đề việc làm và khởi nghiệp luôn là nội dung nóng, được nhắc đi nhắc lại trong nhiều lần đối thoại. Qua các kỳ đối thoại, UBND tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn lập đề án về quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, nhưng đề án đưa ra chỉ mới hướng đến đối tượng cán bộ Đoàn nên đối tượng hưởng lợi còn ít. Tỉnh đã yêu cầu chỉnh sửa, thẩm định để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tới.

Trong khi đó, sinh viên Đoàn Thị Kim Kiều (Trường Đại học Khánh Hòa) đưa ra vấn đề sinh viên ngành sư phạm khi ra trường rất khó tìm được việc làm. Về vấn đề này, ông Lưu Ngọc Phi – Phó Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận, thực tế, số lượng sinh viên học sư phạm trên địa bàn tỉnh ra trường hàng năm cao hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Vì vậy, hiện nay, ngành Giáo dục đã có điều chỉnh về số lượng tuyển sinh hàng năm, nhưng đây vẫn còn là bài toán khó.

Chị Nguyễn Thị Hồng An – Bí thư Đoàn phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang thẳng thắn bày tỏ việc bố trí cán bộ làm công tác Đoàn tại địa phương chưa hợp lý. Theo chị An, đến nay, chị đã 37 tuổi, quá tuổi Đoàn nhưng vẫn chưa được bố trí vị trí công tác hợp lý, tiếp tục giữ chức vụ bí thư đoàn thanh niên. Anh Nguyễn Văn Nhuận – Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, qua kiểm tra, toàn tỉnh hiện nay có 5 xã, phường có cán bộ Đoàn đã quá tuổi nhưng chưa được bố trí công tác khác. Tỉnh đoàn sẽ làm việc với địa phương về vấn đề này, đảm bảo công tác quy hoạch cán bộ đoàn đúng quy định.

Trao đổi nhiều vấn đề

Không khí buổi đối thoại càng nóng lên khi nhiều câu hỏi, kiến nghị các vấn đề xã hội được các ĐV-TN nêu ra. Anh Nguyễn Anh Phụng (huyện Cam Lâm) cho rằng, hiện nay, đã có nhiều đề tài, sáng kiến của các cán bộ được đánh giá cao nhưng vẫn chưa được đưa vào áp dụng, triển khai thực tế, lãnh đạo tỉnh cần có định hướng và kế hoạch giải quyết. Anh Bùi Trọng Khải (Sở Văn hóa và Thể thao) lại bày tỏ quan ngại về việc mạng xã hội đang có nhiều tác động tiêu cực đến một bộ phận thanh niên. Một đoàn viên đến từ Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị UBND tỉnh có định hướng phát triển kiến trúc của thành phố, tránh việc bê tông hóa bằng các tòa nhà cao tầng, hướng đến thân thiện với môi trường… Các sở, ngành liên quan đã giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của đoàn viên.
Trả lời thẳng thắn về vấn đề quy hoạch, ông Lê Đức Vinh cho biết, năm 2008, tỉnh đã làm việc với Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh để đề xuất nghiên cứu về xây dựng, tạo cảnh quan trên mặt đường Trần Phú và Lê Thánh Tôn (TP. Nha Trang) nhưng chưa đạt được kết quả. Sau đó, tỉnh làm việc với Viện Kiến trúc quốc gia của Bộ Xây dựng về vấn đề này nhưng vẫn còn gặp khó khăn. “Tôi hứa với các bạn ĐV-TN sẽ cố gắng, tìm phương án tốt nhất nhằm xây dựng cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng giao thông không chỉ của TP. Nha Trang mà các địa phương khác trong tỉnh, hướng đến thân thiện với môi trường, thuận lợi cho đời sống người dân”, ông Lê Đức Vinh nói.
Về thực trạng các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, người lao động có nhu cầu việc làm cao, nhưng khi tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm thì số lượng được tuyển dụng lại rất thấp, ông Lê Đức Vinh đặt lại câu hỏi cho các ĐV-TN để phân tích, tìm ra nguyên nhân. Nhiều ý kiến đã được các bạn trẻ đưa ra phân tích rõ ràng vấn đề này.
Trong hơn 3 giờ, đã có 18 câu hỏi, ý kiến, đề xuất của ĐV-TN, phần lớn các câu hỏi đã được trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại. Một số ý kiến được ông Lê Đức Vinh cùng lãnh đạo các sở, ngành ghi nhận, tiếp thu. Bên cạnh đó, ông Lê Đức Vinh mong muốn ĐV-TN cần tích cực rèn luyện hơn nữa nhằm trang bị các kỹ năng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với các bạn sinh viên, cần mạnh dạn có những ý tưởng, định hướng cho tương lai. Với các ĐV-TN là cán bộ, người lao động, phải phát huy tính xung kích, luôn vượt qua khó khăn, nhiệt huyết hơn trong công việc.

Nguồn VĨNH THÀNH/ Báo Khánh Hòa Online