Những “nhà khoa học” tuổi học sinh

302

Đó là những học sinh có chung niềm đam mê khoa học, không ngừng nuôi dưỡng ước mơ để tạo nên những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

174-0-1412265f0293d109130986a6ab6afefc 3c7d1
Nguyễn Lê Văn (bìa trái) và Châu Trọng Tâm (bìa phải) tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh

Xử lý khí độc trong phòng thí nghiệm

Với niềm say mê khoa học, mỗi giờ thực hành thí nghiệm nói chung, môn Hóa học nói riêng luôn khiến Trần Nguyễn Minh Nhật và Huỳnh Trúc Như (học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Cam Ranh) hứng thú. Thế nhưng, sau mỗi tiết thực hành, các em không khỏi băn khoăn: “Khí độc thải ra từ các thí nghiệm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thầy và trò. Chưa kể, hóa chất độc hại thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống. Có cách nào để học sinh vẫn được quan sát, hiểu rõ các hiện tượng hóa học mà giảm lượng khí thải độc hại thoát ra hay không?”. Và ý tưởng chế tạo “Tủ hút và xử lý khí độc hại trong phòng thí nghiệm hóa học THCS” được nảy ra từ đó.

 

174-1-1412265f0293d109130986a6ab6afefc 5d301
Sản phẩm tủ hút khí độc trong phòng thí nghiệm của Trần Nguyễn Minh Nhật (bìa phải) và Huỳnh Trúc Như

Nhật và Như tiến hành dự án với sự đồng hành, hướng dẫn tận tình của thầy giáo. Ngoài giờ học, thầy và trò lại cùng nhau tranh thủ thời gian mày mò, thí nghiệm. Sau khoảng 4 tháng miệt mài với không ít lần thử nghiệm thất bại, 2 em đã tạo được sản phẩm đúng như yêu cầu đề ra. Tủ được thiết kế gồm 2 ngăn: ngăn trên dùng để tiến hành thí nghiệm, ngăn dưới đặt máy hút 1/2 mã lực và hệ thống xử lý khí thải. Hệ thống này gồm 4 ống nhựa PVC, mỗi ống (dung tích 4,5 lít) chứa 3,5 lít vôi sữa bão hòa được mắc nối tiếp. Tại đây, khí thải độc hại được giữ lại trong dung dịch vôi sữa bão hòa tạo ra các chất thải rắn, hoặc khí an toàn và được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Nhật và Như cho biết, hiện nay, sản phẩm trên đã được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm thực hành môn Hóa học khối 8 và 9 tại ngôi trường các em đang học. Các em cũng mong muốn trong một tương lai không xa, sản phẩm sẽ được ứng dụng ở nhiều trường học với giá thành rẻ. Sản phẩm này cũng giúp ích cho những người thợ vàng, bạc, đá quý trong việc xử lý khí độc hay hơi axit sinh ra trong quá trình sản xuất. Thầy Trương Đăng Khuê, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, người trực tiếp hướng dẫn học sinh tiến hành dự án trên cho biết, hiện nay, tại các trường THCS chưa có máy hút khí độc trong quá trình thí nghiệm. Vì vậy, ý tưởng tạo ra sản phẩm để đảm bảo sức khỏe cho thầy và trò trong quá trình học tập được đánh giá là có tính nhân văn cao. Đây cũng là một trong các dự án đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học vừa qua.

Sáng chế máy thu hoạch củ

Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, chứng kiến những khó khăn, vất vả của cha mẹ hàng ngày, 2 học sinh Nguyễn Lê Văn và Châu Trọng Tâm (Trường THPT Ngô Gia Tự, Cam Ranh) đã nảy ra ý tưởng tạo ra một chiếc máy thu hoạch củ. Tâm chia sẻ, hiện nay, việc thu hoạch các loại củ mất nhiều thời gian, công sức, chi phí và tốn nhiều lao động. Do đó, các em mong muốn tạo ra một mô hình máy thu hoạch củ với các chức năng tiện lợi để giúp ích cho gia đình nói riêng và người nông dân nói chung.

 

174-2-1412265f0293d109130986a6ab6afefc 2486a
Châu Trọng Tâm và Nguyễn Lê Văn với sản phẩm mô hình máy thu hoạch củ

Ý tưởng là vậy, song triển khai thành một sản phẩm hoàn chỉnh không phải dễ dàng, đặc biệt là việc tìm kiếm nguyên vật liệu để chế tạo sản phẩm. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, Văn và Tâm đã tạo ra được mô hình “Máy thu hoạch củ trên cát”, với chức năng tương tự một chiếc máy cày. Mô hình có tổng chiều dài hơn 50cm, được thiết kế gồm 2 bộ phận chính: phần đầu kéo vào phần giàn cày kết hợp sàng cát. Văn cho biết, qua thử nghiệm thực tế trên địa hình cát ráo, bằng phẳng, mô hình máy thu hoạch củ đã có thể vận hành linh hoạt, dễ dàng và thu hoạch được một số loại củ có khối lượng lên đến 1kg. Các em cũng đang nghiên cứu để máy có thể di chuyển tốt ở các địa hình gồ ghề hơn. “Chúng em hy vọng mô hình sẽ được đưa vào thực tế, giải quyết phần nào khó khăn của người nông dân khi thu hoạch rau củ, cũng như có thể cạnh tranh với các loại máy cày khác trên thị trường với mức giá thấp. Trong tương lai, chúng em mong muốn sẽ phát triển thành một mô hình hoàn toàn tự động từ khâu tạo luống, bón phân, cày đất, gieo trồng và thu hoạch” – Văn và Tâm cho biết.

Học sinh lớp 9 chế tạo rô-bốt thám hiểm

Chế tạo ra một loại rô-bốt thám hiểm, điều khiển từ xa nhằm thu thập thông tin ở những nơi nguy hiểm, độc hại là ý tưởng mà nhóm học sinh gồm: Nguyễn Hoàng Khang và Nguyễn Đức Thắng (lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Hiền, Nha Trang) nhen nhóm và quyết tâm thực hiện. Để hoàn thành sản phẩm thuộc lĩnh vực còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam, hai em đã dành nhiều thời gian để đọc tài liệu trên Internet, sách báo cũng như mày mò nghiên cứu thử nghiệm. Lần đầu chạy thử, sản phẩm không thành công như mong đợi. Không nản chí, Khang và Thắng tiếp tục nghiên cứu khắc phục.

 

174-3-1412265f0293d109130986a6ab6afefc 4824a
Học sinh Nguyễn Hoàng Khang và Nguyễn Đức Thắng giới thiệu sản phẩm rô bốt thám hiểm

Sau gần 4 tháng miệt mài, Khang và Thắng đã hoàn thành dự án “Rô-bốt thám hiểm điều khiển từ xa có camera hành trình”. Sản phẩm hoàn thiện là một rô-bốt được kết nối với máy điều khiển, truyền được hình ảnh và số liệu đo đạc thông qua các lệnh đã được lập trình. Camera hành trình gắn trên rô-bốt được kết nối trực tiếp với máy điều khiển, hoặc một máy nhận thông tin khác qua mạng không dây. Sản phẩm có thể thu thập thông tin được ở những nơi con người không tới được. Đây cũng là dự án tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh vừa qua và được ban giám khảo đánh giá cao.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, các dự án trên là 3 trong số 6 dự án sẽ tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, tổ chức vào tháng 3 tới. Đây là những ý tưởng sáng tạo thể hiện sự đầu tư, suy nghĩ nghiêm túc của học sinh và sự chuẩn bị chu đáo, công phu, bài bản, nhiều sáng tạo. Phần lớn các dự án đều xuất phát từ sự quan sát trong cuộc sống, được các em vận dụng những kiến thức lý thuyết của các môn học trong nhà trường để giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Ở lứa tuổi và điều kiện nghiên cứu của các em, có thể kết quả nghiên cứu của các dự án dự thi còn có những hạn chế nhất định, song các em đã có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, khẳng định tiềm năng và triển vọng của các em trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Các em rất cần được tạo điều kiện để có cơ hội thỏa sức sáng tạo và phát huy hết những tiềm năng của mình, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho cuộc sống.

Theo BaoKhanhHoa.com.vn