Phía sau trang sử Gạc Ma

235

Trong trận hải chiến ở Trường Sa 1988, ngoài 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh, có 9 người bị Trung Quốc bắt giữ. Trở về Việt Nam sau 3 năm bị giam giữ, những người lính năm xưa mỗi người một ngã rẽ cuộc đời. Thế nhưng, ở họ vẫn vẹn nguyên nghĩa tình đồng đội.

Hơn 3 năm bị giam giữ…

Những ngày tháng 3, chúng tôi may mắn được gặp những người lính Gạc Ma năm xưa trong buổi gặp mặt cựu binh Trường Sa được tổ chức tại TP. Cam Ranh. Cùng với niềm vui hội ngộ của những người đồng đội xưa, các cựu binh như được sống lại những hồi ức về một thời hào hùng và cả nỗi bi thương. Năm 1988, ở tuổi 21, ông Trương Văn Hiền (quê Hà Tĩnh) – Tiểu đoàn 6 đo đạc hải đồ, thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân được điều động ra Gạc Ma xây dựng đảo. “Khoảng 16 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ 604 chở công binh cập đảo Gạc Ma. Đến 6 giờ sáng 14-3-1988, khi một số anh em đang khảo sát đảo thì lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, xả đạn vào nhóm công binh Việt Nam. Tàu HQ 604 bị bắn chìm, buộc tôi và một số anh em nhảy ra khỏi tàu”, ông Hiền nhớ lại.

Các cựu binh Trường Sa thăm Tượng đài Gạc Ma
Các cựu binh Trường Sa thăm Tượng đài Gạc Ma

Ông Hiền và đồng đội trôi dạt trên biển, đến chiều cùng ngày thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt giữ. Theo ông Hiền, có 9 chiến sĩ Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ. “Từ Gạc Ma, tàu Trung Quốc chở chúng tôi tới đảo Hải Nam, sau đó chuyển về nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Quốc). Suốt 3 tháng liền, mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một ổ bánh mì. Hàng ngày, chúng tôi bị gọi lên hỏi cung về các vấn đề liên quan đến Trường Sa, tuy nhiên không ai khai báo gì”, ông Hiền kể.
Cũng bị bắt trong trận chiến ở Gạc Ma, cựu binh Lê Minh Thoa (quê Bình Định) kể: “Thời gian đầu bị bắt giam, mọi người phải lao động rất cực khổ, làm toàn công việc nặng nhọc. Khoảng một năm, khi tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm, chúng tôi mới được đối xử tốt hơn. Những công việc nặng nhọc được thay bằng những việc nhẹ nhàng như trồng rau, nuôi gà. Họ nói rằng, có họ đến chúng tôi chắc chắn sẽ sống, còn chuyện có được thả về hay không thì tùy thuộc vào phía Trung Quốc. Mỗi người  được trao một mảnh giấy và viết 24 chữ gửi về nhà. Hầu hết anh em đều báo về nhà là còn sống và khỏe mạnh. Thế nhưng, sau này khi về mới biết gia đình cũng không nhận được thư”.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ( giữa, hàng đầu ) và các chiến sỹ tàu HQ 505 đã dũng cảm  chiến đấu  bảo vệ đảo Gạc Ma, Trường Sa (Ảnh chụp tháng 5-1988)
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (giữa, hàng đầu ) và các chiến sỹ tàu HQ 505 đã dũng cảm  chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, Trường Sa (Ảnh chụp tháng 5-1988)

Năm 1991, sau khi bị giam cầm hơn 3 năm, những người lính bị bắt trong trận chiến ở Gạc Ma được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). “Khi về đến biên giới, Bộ Quốc phòng cho anh em an dưỡng tại Bắc Giang 1 tháng và hỏi nguyện vọng của mỗi người. Ngày tôi trở về, tất cả gia đình đều bất ngờ, bởi ở nhà đã nhận giấy báo tử và lập bàn thờ để hương khói. Bố mẹ già ôm tôi khóc và suốt những ngày sau đó họ hàng và người thân, xóm làng đến hỏi thăm”, ông Thoa nói.

Những ngã rẽ cuộc đời
Trở về sau ngày bị bắt, cựu binh Lê Minh Thoa (thương tật 11%) quay lại công tác tại Lữ đoàn 125 (TP. Hồ Chí Minh). Đến tháng 11-1996, ông ra quân với quân hàm trung úy, tiếp tục bươn chải mưu sinh. “Những ngày tháng sau này thực sự rất khó khăn với bản thân tôi. Không có nghề nghiệp ổn định, tôi lang thang ở Sài Gòn làm đủ nghề, từ phụ hồ, xe ôm… Sau đó, tôi trở lại quê nhà bán phở và đặt tên quán là phở Trường Sa”, ông Thoa chia sẻ. Gần đây, một đồng đội cũ và mạnh thường quân đã tặng anh bảng hiệu Phở Gạc Ma – Trường Sa, cùng tấm ảnh của những người lính hải quân được ông trịnh trọng treo lên cao. Gần đây, khi ông đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người. Ông mong thời gian tới được công nhận thương binh.

Anh Hiền (bên phải) gặp lại đồng đội năm xưa
Anh Hiền (bên phải) gặp lại đồng đội năm xưa

Cuộc sống của cựu binh Trương Văn Hiền cũng cơ cực không kém. Sau ngày trở về, với ước muốn tìm phương kế sinh nhai, ông rời quê vào Đắk Lắk làm ăn. Thế nhưng, di chứng những vết thương đã không cho phép ông và gia đình làm được những điều như mong đợi. Ông bị pháo bắn thương ở mặt, gãy một xương sườn bên phải và gãy tay trái. Trên người ông chằng chịt những vết sẹo. Suốt 29 năm qua, những vết thương này không thôi hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời. Mắt trái của ông nhòa dần, giờ chỉ còn thấy lờ mờ; cánh tay trái cũng teo dần, nhưng ông chẳng dám nghĩ đến việc điều trị bởi những khó khăn về kinh tế. Mọi khó khăn vất vả có lẽ cũng chưa hết với ông Hiền bởi bà Bùi Thị Phượng – vợ ông bị bệnh gai cột sống chèn dây thần kinh, làm bà bị liệt chân bên phải nhưng hàng chục năm nay không có điều kiện để chữa trị. Bởi với 150.000 đồng/ngày từ công việc phụ hồ của ông chỉ đủ cho gia đình sống qua ngày.

Sau ngày trở về, 9 cựu binh Gạc Ma đều có một ngã rẽ cuộc đời khác nhau. Mới đây, những người lính Gạc Ma được chứng nhận là cựu tù chính trị và được hưởng chế độ bị tù đày mỗi tháng 791.000 đồng. Dẫu những vết thương về thể xác và tinh thần còn đó, nhưng ở họ vẫn luôn có một niềm tin sống, tình đồng đội và tình yêu với Trường Sa. Hàng năm, họ vẫn tổ chức gặp mặt để cùng nhau ôn lại truyền thống.

THÀNH NAM – NHẬT LỆ


Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm các đảo: Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhận định Trung Quốc có ý đồ chiếm thêm các đảo: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, quân ta đã điều lực lượng ra giữ đảo. Thế nhưng, bất chấp tất cả, Trung Quốc đã dùng pháo bắn vào các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605, bắn vào những người đang giữ cờ trên bãi Gạc Ma để quyết chiếm đảo. Trong cuộc chiến đấu ấy, 64 người lính hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, 2 tàu HQ 605 và HQ 604 bị bắn chìm. Ngoài ra, còn có 9 người lính bị Trung Quốc bắt giữ.

Nguồn: Báo Khánh Hòa