‘Sức mạnh của chúng ta là dám đánh, biết đánh và biết thắng’

112

“Quân đội phải cập nhật tốt tình hình, dự báo đúng đối tác, đối tượng để ra đối sách chủ động và kịp thời, không bị bất ngờ. Thời bình nhưng phải quan tâm rèn binh, chỉnh cán cho tốt, sẵn sàng quyết chiến và quyết thắng” Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ nhân dịp Xuân Quý Tỵ.

Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh:TTXVN.

– Thưa Chủ tịch nước, dấu ấn của năm 2012 là tính cởi mở và dân chủ, thể hiện rõ qua hàng loạt vấn đề nóng bỏng của đất nước đều được thảo luận công khai. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về điều này?

– Tôi nghĩ rằng đó là một nhìn nhận đúng đắn và phù hợp. Thực tế, tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan Trung ương đã ngày càng được thể hiện rõ hơn.

Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi cũng được nghe nhiều ý kiến tâm huyết, đánh giá cao tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong các hoạt động tại Quốc hội, đặc biệt là trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã thảo luận công khai, làm rõ những vấn đề quan trọng của đời sống đất nước mà người dân quan tâm. Tôi nghĩ, với tư cách là cơ quan lập pháp và là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, Quốc hội sẽ tiếp tục thể hiện rõ xu hướng này.

– Nhiều người cho rằng, trong các hoạt động công quyền cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lắng nghe. Đối với cá nhân Chủ tịch nước, khi nhận được những ý kiến bày tỏ quan điểm, nguyện vọng thì thái độ “lắng nghe” của ông ra sao?

– Một câu hỏi rất thú vị! Cùng với nhiều nguồn thông tin khác, hằng ngày, tôi còn nhận được rất nhiều thư của nhân dân phản ánh hết sức phong phú mọi mặt của đời sống xã hội, cả về đối nội và đối ngoại, cả những góp ý về giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, cả những thắc mắc, khiếu nại về chế độ, chính sách… Trong thư, có những vụ việc cụ thể hằng ngày, cũng có những vấn đề lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh; có những thông tin làm tôi phấn khởi, nhưng cũng có những tâm sự làm tôi trăn trở, nghĩ suy… Nhiều góp ý giúp tôi hiểu rõ thêm đời sống người dân để cùng với các cơ quan chức năng giải quyết công việc tốt hơn.

Dù với tâm trạng, cung bậc cảm xúc nào thì tôi vẫn ghi nhận với thái độ cầu thị nghiêm túc và mong sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Bởi vì, những trao đổi, tâm sự, bày tỏ nỗi niềm ấy đã gửi gắm nhiều ý tưởng tốt, xây dựng, góp phần giúp cho cá nhân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm thông tin, có thêm tư duy mới. Đó thực sự là kho tàng to lớn về trí tuệ, kinh nghiệm, vốn sống và tôi luôn trân trọng.

– Vậy năm 2013, những vấn đề gì Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo giải quyết để giải tỏa những bức xúc chính đáng của dân?

– Nhiều nội dung nhưng tựu trung lại có mấy vấn đề lớn. Đó là phải cố gắng giải quyết những vấn đề dân sinh, kinh tế cho tốt hơn. Trước mắt và cấp bách là giải quyết vốn và khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thu hút thêm nguồn vốn FDI và vốn đầu tư trong nước; giải quyết hợp lý những khiếu nại, khiếu kiện của dân, nhất là về lĩnh vực đất đai… Đặc biệt là giải quyết tốt hơn, triệt để hơn nạn tham nhũng, lãng phí, trong đó có những vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm nhưng lại kéo dài, từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Có thể nói, tham nhũng thực sự là vấn đề nhức nhối mà chúng tôi thấy còn rất “nặng nợ” với dân. Về đối ngoại, phải quan tâm giải quyết tốt hơn những tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, để ngư dân, doanh nghiệp và đối tác yên tâm làm ăn lâu dài… Tôi hiểu rằng, còn rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội mà nhân dân mong mỏi, kỳ vọng vào sự đổi thay tích cực, tiến bộ. Đó cũng là điều mà cá nhân tôi có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Quân đội phải tích cực tham gia vào phát triển KT-XH đất nước phù hợp với điều kiện và khả năng của mình”. Ảnh: Trọng Hải.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Quân đội phải tích cực tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước phù hợp với điều kiện và khả năng của mình”. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

– Nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong bài viết “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” đăng trên báo Quân đội nhân dân và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác, Chủ tịch nước có đề cập đến vấn đề: Chúng ta luôn củng cố sức mạnh quốc phòng đủ để tự vệ. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

– Như tôi đã đề cập, bản chất và động lực phát triển của Việt Nam không dựa trên những nhân tố bạo lực, mà đòi hỏi ở Đảng và Nhà nước ta một sự lãnh đạo sáng suốt, mềm dẻo, khai thác hợp lý những cơ hội trong bối cảnh hiện tại để tìm cách phát triển. Đồng thời, đối với chúng ta, đầu tư cho quân sự, cho quốc phòng là nhằm tự vệ, nâng cao tiềm lực bảo vệ Tổ quốc, không gây lo ngại về an ninh cho các nước khác. Chúng ta xây dựng quân đội trong khả năng có thể, bao gồm cả tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học – công nghệ và quân sự.

Tôi nghĩ rằng, sức mạnh của chúng ta phải là ở sức mạnh của chính nghĩa, được thế giới ủng hộ; là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết, nhất trí toàn dân tộc; là ở truyền thống quật cường đã được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử. Sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh của nghệ thuật quân sự, dám đánh, biết đánh và biết thắng…

Quân đội phải cập nhật tốt tình hình, dự báo đúng đối tác, đối tượng, hiểu rõ những mối liên hệ có liên quan đến Việt Nam, đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi nắm rõ, hiểu sâu sẽ giúp chúng ta đề ra đối sách chủ động và kịp thời, không bị bất ngờ. Thời bình nhưng phải quan tâm rèn binh, chỉnh cán cho tốt, sẵn sàng quyết chiến và quyết thắng.

– Với tư cách là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh hiện nay Quân đội Nhân dân Việt Nam cần làm tốt những vấn đề gì?

– Hơn ai hết, Quân đội Nhân dân Việt Nam cần quán triệt tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trực tiếp, hàng đầu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Bất cứ tình huống nào chúng ta cũng phải giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và những thành quả mà đất nước đã đạt được. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, là nhiệm vụ thiêng liêng, là truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Quân đội phải ý thức rất sâu sắc vấn đề này. Điều đó càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh hiện nay trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, ở khu vực và thế giới.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ hết sức quan trọng này, quân đội phải xây dựng, rèn luyện để trở thành quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phải nghiên cứu, đánh giá tình hình một cách đầy đủ, chính xác, dự báo kịp thời những tình huống có thể xảy ra, chủ động đối phó, không để bị bất ngờ. Đồng thời, quân đội phải tích cực tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Tôi mong các lực lượng vũ trang ta tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao ý chí chiến đấu, quan tâm rèn binh, chỉnh cán cho tốt, sẵn sàng quyết chiến và quyết thắng.

– Chúng ta vừa kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, theo Chủ tịch nước, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam cần được phát huy như thế nào trong giai đoạn xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay?

– Câu hỏi này mà dành cho các nhà nghiên cứu chiến lược về chiến tranh cách mạng thì họ sẽ nói rất hay. Tôi nghĩ thế này, trận chiến 12 ngày đêm năm 1972 thực sự là cuộc đụng đầu lịch sử, trong đó đã thể hiện sâu sắc, cao độ bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và sự chịu đựng tuyệt vời của nhân dân Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã sử dụng đến những loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ, trong đó có máy bay ném bom chiến lược B-52 được coi là “bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, họ đã thất bại thảm hại. Vượt qua muôn vàn đau thương mất mát, hy sinh, quân và dân ta đã lập nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng, ít có trong lịch sử chiến tranh.

Hơn 40 năm đã qua đi, những trang sử vẻ vang đó cần được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ, phát huy, tiếp tục thực hiện tốt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 không chỉ mang ý nghĩa chính trị tức thời, quyết định tới thắng lợi Hiệp định Paris, mà chính là đã thể hiện bản lĩnh sáng ngời và truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của dân tộc ta. Trong giai đoạn xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta phải tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp đó, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa những mặt thuận lợi, đồng thời cũng ý thức đầy đủ những nhân tố không thuận lợi để phòng tránh, khắc phục, lập nên những chiến công mới trong công cuộc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

– Nhân dịp đón Tết Quý Tỵ 2013, Chủ tịch nước có lời căn dặn gì tới các cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên khắp mọi miền Tổ quốc?

– Nhân dịp Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc, qua Báo Quân đội Nhân dân, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi nói riêng, những lời chúc tốt đẹp và tình cảm thân thiết nhất. Mong các đồng chí vui Xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Theo Quân đội Nhân dân