Sức sống nơi đảo xa

332

Lần đầu tiên đặt chân đến huyện đảo Trường Sa (năm 2010), cảm xúc của chúng tôi là sự hãnh diện, hào hứng và khâm phục trước hình ảnh những người lính đảo vượt qua khó khăn, thiếu thốn để xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Giờ đây, khi trở lại, cảm xúc ấy là niềm tự hào về sức sống mãnh liệt, những đổi thay từ cơ sở vật chất đến chất lượng cuộc sống của quân và dân trên các đảo.

Đảo xanh giữa biển

Con tàu 571 vừa thả neo ở điểm đảo Song Tử Tây cũng là lúc mọi người háo hức chạy lên boong để được tận mắt ngắm nhìn đảo. Trong ánh nắng bình minh, phóng tầm mắt về phía đảo Song Tử Tây, anh Nguyễn Minh Thành, phóng viên đến từ Tiền Giang chia sẻ: “Trước khi nhìn thấy đảo, qua lời kể, tôi mường tượng Trường Sa là vùng biển đảo chỉ có đất, sỏi, san hô với cái nắng cháy da, gió rát mặt. Nhưng khi nhìn thấy màu xanh ngắt của cây lá bao quanh đảo Song Tử Tây, tôi thật sự ngạc nhiên về vẻ đẹp nơi đây. Song Tử Tây như một thiên đường giữa biển”.

 

Một góc xanh trên đảo Song Tử Tây
Một góc xanh trên đảo Song Tử Tây

Vào buổi trưa, từ khu vực cầu cảng, dù trời nắng gắt nhưng trên những con đường dẫn vào đảo vẫn rợp bóng mát bởi những tán cây bàng vuông, phong ba khá to. Thượng tá Trương Sỹ Nam – Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Bên cạnh công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, hàng tuần, hàng tháng, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều có kế hoạch tăng gia sản xuất để trồng, chăm sóc cây xanh, các loại rau, củ quả và xem đây như một nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, trên đảo có hàng chục loài cây khác nhau như: bàng vuông, phong ba, tùng, trà, mù u; các loại rau như: muống, mướp, bí đỏ, cải…, song nhiều nhất vẫn là cây phong ba. Đây là loài cây dễ trồng, dễ sống, có tán rộng, có khả năng giữ đất nên được trồng xung quanh để bảo vệ đảo”.

 

Các chiến sĩ tăng gia sản xuất
Các chiến sĩ tăng gia sản xuất

Tương tự các đảo nổi khác, đảo Sơn Ca cũng được bao phủ bởi sự đa dạng, phong phú của các loài thực vật từ những loại cây thân gỗ đến cây rau, quả. Khi đoàn công tác chúng tôi đặt chân lên đảo thì ngay tại khuôn viên công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn đảo đang tổ chức Tết trồng cây. Trong buổi lễ này, đã có hơn 300 cây các loại như: bàng vuông, bàng, tùng bách, tra, phi lao, mù u, phong ba được trồng xung quanh công viên, trong đó có không ít cây do chính cán bộ, chiến sĩ trên đảo tự tay chiết cành, nhân giống. Thượng tá Vũ Duy Khánh – Chính trị viên đảo cho biết: “Hàng năm, đảo tổ chức hoạt động này vừa là cách giáo dục cán bộ, chiến sĩ biết quý trọng, chăm sóc cây xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường cho đảo”.

 

Các công dân nhí được giáo dục trong môi trường tốt
Các công dân nhí được giáo dục trong môi trường tốt

Ở các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, do thiếu thốn về đất đai, nước ngọt để trồng cây nên sức sống của đảo được thể hiện qua hoạt động tăng gia sản xuất rau trong những khu vườn được dựng bằng ván gỗ, bên trong là các loại thùng xốp, nhựa treo lơ lửng với các loại rau như: rau muống, cải xanh, cải mầm, giá đỗ, mồng tơi. Chính từ thực tế khó khăn ấy, Thiếu úy chuyên nghiệp Lê Văn Trường đã thí điểm mô hình trồng hành trong các chai, lọ nước. Theo Thiếu úy Trường, cái lợi của mô hình này là cây hành dễ trồng, nhanh cho lá (mỗi đợt trồng thu hoạch 4 – 5 lần, cách nhau 5 – 7 ngày), các chậu hành còn có thể dùng làm vật trang trí trên cửa sổ tạo vẻ đẹp cho đảo. Hiện nay, mô hình trồng hành của Thiếu úy Trường được lãnh đạo đảo, Vùng 4 Hải quân đánh giá là sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong hoạt động tăng gia sản xuất cũng như cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo.

Đổi thay trên quê hương Trường Sa

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đời sống còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm, hỗ trợ của cả nước, diện mạo Trường Sa hôm nay đã có nhiều đổi khác. Nhiều công trình dân sinh như: nhà ở, trường học, bệnh xá, chùa, công viên, tượng đài, khu vui chơi giải trí… được tôn tạo, xây mới khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo. Đại tá Bùi Đình Dương – Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho biết: “Hiện nay, hầu hết các đảo ở Trường Sa đều được phủ hệ thống điện năng lượng sạch (năng lượng gió, mặt trời), một số nơi còn có hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho quân và dân trên đảo”.

 

Trong số các đảo chúng tôi đến, nhiều công trình mới được xây dựng, trong đó ấn tượng nhất là 2 công trình khu công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp tọa lạc trên đảo Sơn Ca và khu nhà truyền thống 3 tầng tọa lạc trên đảo Nam Yết. Trung tá Phạm Thế Nhượng – Phó Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca cho biết: “Khánh thành vào tháng 5-2016, khu công viên tượng đài Đại tướng có diện tích hơn 400m2. Trung tâm công viên là tượng đài Đại tướng được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối, phía sau là bức tường hình vòng cung, bên trên có gắn hàng trăm bức ảnh tư liệu bằng gốm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy giới thiệu về các giai đoạn lịch sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng cũng như của lực lượng Hải quân, quân đội nhân dân Việt Nam”. Từ khi đưa vào sử dụng, hầu hết các hoạt động sinh hoạt, chính trị lớn của đảo đều được tổ chức nơi đây, đó là cách để các cán bộ, chiến sĩ bày tỏ sự trân trọng, tri ân sâu sắc đối với vị tướng tài của dân tộc, đồng thời rèn luyện ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đối với công trình nhà truyền thống trên đảo Nam Yết, theo Trung tá Nguyễn Văn Ký – Chính trị viên đảo, hiện nay, ở Trường Sa, đây là công trình nhà truyền thống khang trang, hiện đại, chính quy bậc nhất. Nơi đây lưu trữ đầy đủ các tư liệu, hiện vật quý về lịch sử từ thế kỷ thứ IX đến nay, thể hiện quyền thực thi chủ quyền thường xuyên, liên tục của dân tộc ta trên các đảo. Thông qua nhà truyền thống này, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo nắm vững kiến thức, nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng đập tan các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù đối với quyền chủ quyền biển đảo của nước ta.   

 

Hộ dân trên đảo Sinh Tồn tự trồng rau ăn
Hộ dân trên đảo Sinh Tồn tự trồng rau ăn

 
Đưa chúng tôi tham quan khu nhà ở của người dân trên các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đại tá Dương cho hay, so với trước, cuộc sống của người dân Trường Sa được cải thiện đáng kể. Những khu nhà ở được xây dựng kiên cố, tường gạch bao quanh, mái ngói; hệ thống điện, nước sinh hoạt, ti vi, tủ lạnh, điện thoại liên lạc… khá đầy đủ, thuận tiện cho người dân trong việc liên lạc cũng như nắm bắt tình hình cuộc sống nơi đất liền. Các hệ thống trường học, bệnh xá, khu vui chơi giải trí cho trẻ em dần được nâng cấp, xây mới với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy học, vui chơi, khám chữa bệnh của người dân và con em họ trên đảo. Ông Nguyễn Thành Trung (người dân đảo Song Tử Tây) chia sẻ: “Tuy không thể so với sự nhộn nhịp ở đất liền, song cuộc sống trên đảo khá tốt. Các gia đình sống hòa thuận, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm; con trẻ được dạy dỗ, chăm sóc trong môi trường lành mạnh nên rất an tâm”.   

Trong thời gian đoàn công tác chúng tôi lưu lại Trường Sa, cứ mỗi buổi sáng, trong lớp học của các trường tiểu học ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, các em học sinh lại bắt đầu ngày mới bằng bài đồng dao: “Nu na nu nống/Đánh trống phất cờ/Huyện đảo xa bờ/Có 2 quần đảo/Hoàng Sa Trường Sa/Tên gọi thiết tha/Trong lòng dân Việt/Bao nhiêu đời qua/Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/Nước Việt mãi gọi/Hoàng Sa Trường Sa”. Lời bài hát ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ như một lời từ biển cả gửi về đất liền nhắc mọi người nhớ đến 2 vùng biển, đảo của quê hương đất nước.

AN NHIÊN