TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC TÌNH YÊU NƯỚC CHO THANH NIÊN

2494

Tháng 1 năm 1946, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Bác Hồ kính yêu đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(4 – 167). Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Bác thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của tầng lớp thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Để phát huy vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ thì phải tiến hành giáo dục thanh niên một cách toàn diện và chu đáo. Do ý thức một cách sâu sắc về vấn đề này nên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ, dành cho họ một sự quan tâm thích đáng. Trong đó, việc giáo dục tinh thần, truyền thống yêu nước là điều mà Người đặc biệt chú ý. Ngay từ những ngày đầu bôn ba cứu nước, để giáo dục, thuyết phục và tập hợp thanh niên, Người đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng. Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người còn ân cần căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. 
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”( 12 – 510).

Trong số những vấn đề cần giáo dục thanh niên, Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước. Trong năm điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng thì điều thứ nhất là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”(10 – 356). Đối với thanh niên Bác yêu cầu: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”(7 – 455). Tinh thần yêu nước, như Bác đã khẳng định, là vốn quý, là sức mạnh tuyệt vời đã bao lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Người viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(6 – 171). Tinh thần yêu nước được hun đúc từ bao đời đã trở thành sức mạnh Việt Nam, biểu tượng Việt Nam. Ngày nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, tinh thần ấy cần được khơi dậy một cách mạnh mẽ, cần được đề cao và phải tiếp tục tỏa sáng để đưa chúng ta bước qua đói nghèo, tụt hậu. Việc nghiên cứu, tìm hiểu những tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên là việc làm đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi lẽ nó sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thức tỉnh một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên đang sống một cuộc sống thiếu lý tưởng, thiếu niềm tin, thiếu lòng tự hào và kiêu hãnh dân tộc. Mặt khác, việc nghiên cứu này sẽ chắp cánh, tiếp thêm nguồn sức mạnh, trí sáng tạo dạt dào cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm chiến đấu, lao động, cống hiến trên mọi lĩnh vực cho sự vững bền của đất nước, cho sự thăng hoa của dân tộc, cho dáng đứng Việt Nam tạc sâu vào thiên niên kỷ.

Từ nỗi đau của một người thanh niên mất nước, Nguyễn ái Quốc đã sớm nhận ra rằng nền giáo dục mà chế độ thực dân đế quốc dành cho thế hệ thanh niên bản xứ chỉ là một nền giáo dục đồi bại, chỉ nhằm hướng tới và phục vụ cho lợi ích chính quốc. “Trường học lập ra không phải để giáo dục thanh niên An Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ, mà trái lại càng làm cho họ đần độn thêm”(1 – 399). Mục đích của nền giáo dục thực dân phong kiến ở nước ta trong nửa đầu thế kỷ 20 chỉ là nhằm đào tạo ra những kẻ tay sai giúp việc đắc lực cho chế độ cai trị. Nền giáo dục đó đặc biệt tránh xa những tư tưởng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc, dân chủ. Không những thế, nền giáo dục đó còn mang tính chất xảo trá, lừa bịp, đánh lạc hướng thanh niên Việt Nam. Hồ Chí Minh là người đầu tiên vạch trần điều đó một cách sâu sắc, Người viết: “Người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một tổ quốc không phải tổ quốc mình và đang áp bức mình”(1 – 399). Có lẽ từ nỗi đau đó mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng loạt bài báo, tài liệu ra sức tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc của thanh niên Việt Nam. Trong những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người hiểu rõ tinh thần yêu nước và ý chí, tinh thần dân tộc của thanh niên Trung Quốc và nhiều nước khác. Người đã lấy những chi tiết, những mẩu chuyện sống động về thanh niên nước ngoài để thức tỉnh thanh niên Việt Nam, thức tỉnh những người đang đắm chìm trong cuộc sống hưởng lạc mà quên đi nỗi nhục mất nước, quên đi sự đau khổ của đồng bào đang chịu cảnh áp bức bót lột nặng nề. Trong “Gửi thanh niên An Nam”, Người chỉ rõ: “Thanh niên ta cũng cần biết là hiện nay có hơn hai nghìn thanh niên Trung Quốc trên đất Pháp và độ năm vạn ở châu Âu và châu Mỹ. Hầu hết những thanh niên ấy đều đã tốt nghiệp Hán văn và tất cả đang là sinh viên – công nhân. Còn chúng ta thì chúng ta có những sinh viên có học bổng và những sinh viên thường, nhờ ơn nhà nước hay tiền của cha mẹ (hại thay hai cái nguồn ấy lại không bao giờ cạn cả) mà đang dành một nửa thời gian vào các việc chơi …bi-a, một nửa của nửa thì giờ còn lại để đến các chốn ăn chơi; số thì giờ còn lại, mà ít khi còn lắm thì để vào các trường đại học hoặc trường trung học. Những sinh viên – công nhân Trung quốc thì lại không có mục đích nào khác hơn là nhằm thực sự chấn hưng nền kinh tế nước nhà…”(2 – 131). Những dòng tâm huyết này được Bác viết ra hồi đầu thế kỷ 20 nhưng cho đến nay vẫn còn tươi nguyên giá trị và mang những ý nghĩa thời sự nóng hổi. Chúng ta tuy đã giành được độc lập tự do, đất nước hòa bình thống nhất song vẫn còn biết bao khó khăn thử thách. Nghèo đói, tụt hậu đang là những nguy cơ lớn. Sự nghiệp chấn hưng đất nước, đưa nền kinh tế nước ta phát triển ngang với những cường quốc lớn đang đòi hỏi thế hệ trẻ ngày hôm nay những cống hiến, những hy sinh lớn lao mà nếu như không có tình yêu quê hương đất nước thiết tha, không có lý tưởng sống cao đẹp thì không thể nào làm được. Bên cạnh đó vấn đề tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, những thói hư tật xấu nảy sinh trong nền kinh tế thị trường cũng đòi hỏi người thanh niên phải biết tôi luyện, giữ mình trong mọi hoàn cảnh. Họ phải trở thành những con người có ý chí bền vững, có lòng dũng cảm gan dạ để vượt qua những cám dỗ thấp kém. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, vì vậy sự chuẩn bị cho vai trò làm chủ này phải hết sức cẩn thận, chu đáo: “Nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa chủ nghĩa cá nhân…”(9 – 310 ).

Để làm tốt vai trò là người chủ nước nhà trong tương lai, rõ ràng là thế hệ trẻ phải có tình yêu đất nước nồng nàn. Hơn ai hết, họ phải ý thức được một cách sâu sắc vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối Tổ quốc, với đồng bào. Là những người đang độ sức xuân, là mùa xuân của xã hội, nhiệm vụ của thanh thiếu niên không chỉ là học tập, rèn luyện mà còn phải biết cống hiến và hy sinh. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Đại học nhân dân Việt Nam, Bác đã ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào…”(7 – 455) . Lời nói của Bác tuy giản dị mà thật sâu sắc biết bao. Ngày nay còn nhiều bạn trẻ đang mải mê theo đuổi những giá trị vật chất thấp kém, tầm thường mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Thói quen đua đòi, hưởng lạc, chạy theo những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội đang làm hư hỏng không ít một bộ phận thanh thiếu niên trong cuộc sống hôm nay. Không những thế có những bạn trẻ còn cho rằng tình yêu non sông đất nước là một cái gì đó quá trừu tượng, xa vời, không có ý nghĩa thiết thực. Họ đang sa vào một cuộc sống thiếu lý tưởng, không có niềm tin, không có sự định hướng một cách đúng đắn. Không có lý tưởng cao cả để phấn đấu, cuộc sống con người sẽ trở nên tẻ nhạt, tầm thường, thậm chí vô nghĩa. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng những hiện tượng rất đáng lo ngại trong giới trẻ ngày nay như đua xe máy, nghiện ngập ma túy…

Thực ra, tinh thần yêu nước, ý thức về vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc không phải là những điều gì đó quá xa xôi, trừu tượng mà ngược lại chúng thật gần gũi, thật cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn một cách tự nhiên, giản dị từ tình yêu làng xóm, quê hương. Từ những xúc cảm bồi hồi với cây đa, bến nước, sân đình, từ những rung động thiết tha với lũy tre làng, với những mái nhà đơn sơ, với những con đường thân thuộc, tâm hồn mỗi một chúng ta được nuôi dưỡng và hun đúc để rồi chúng ta nhận ra một cách thật tự nhiên và chân thành rằng tất cả những điều đó chính là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đối với non sông, đất nước. Như trăm sông đổ về biển cả, tình yêu đó ngày càng vững bền, đằm thắm. Trước đây, khi đất nước còn chiến tranh, người thanh niên yêu nước là người có ý chí căm thù quân cướp nước, biết cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, góp phần hy sinh xương máu cho đất nước sạch bóng quân thù. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, người thanh niên yêu nước là người thanh niên biết đi đầu gương mẫu trong mọi việc. Theo Bác Hồ: “Thanh niên phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng”(7 – 455). Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thanh niên yêu nước cũng phải sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa hiện nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và những thử thách lớn lao, hơn bao giờ hết, vai trò và trách nhiệm của thanh niên, của tuổi trẻ lại càng vinh dự và nặng nề. Tương lai của đất nước, của dân tộc đang nằm trong tay thế hệ trẻ. Chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không? Chúng ta có thể đi tắt, đón đầu thời đại được hay không? Chúng ta có thể vượt ra khỏi đói nghèo, tụt hậu để trở thành một quốc gia giàu có vững mạnh, phát triển về mọi mặt được hay không? Tất cả đang trông chờ vào ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, tất cả đang được quyết định bởi những việc làm, những hành động cụ thể của tuổi trẻ hôm nay. Chúng ta không thể quên lời căn dặn thiết tha của Bác Hồ: “Thanh niên ta có vinh dự to thì càng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(10 – 489).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thanh niên yêu nước là người thanh niên sống có ý chí, bản lĩnh cao, biết vượt qua mọi khó khăn thử thách để luôn xung phong, gương mẫu trong mọi công việc, mọi nhiệm vụ. Không những thế, người thanh niên yêu nước phải biết rèn luyện, xây dựng cho mình những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, luôn biết sống hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Người kêu gọi: “Thanh niên ta tích cực xung phong cố làm tròn nhiệm vụ đầu tàu trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa, quốc phòng, thực hiện khẩu hiệu đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”(11 – 225). 
Để giáo dục tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ, Bác Hồ rất chú trọng tới vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục – đào tạo. Có thể nói trường học là nơi thuận lợi nhất để giáo dục thanh niên trên mọi phương diện. Nhà trường là nơi tuổi trẻ tiếp thu những tri thức, những kinh nghiệm để chuẩn bị bước vào đời. Nhà trường là môi trường để tuổi trẻ trau dồi đạo đức, ý chí, luyện rèn những phẩm chất cần thiết cho một tương lai tươi sáng. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong chế độ mới: “Cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước, thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(5 – 102).

Bên cạnh trường học, tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có vai trò quan trọng không kém. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chính là một tổ chức cách mạng do Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, rèn luyện. Đây là đội ngũ của những người thanh niên Việt Nam ưu tú. Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có những đóng góp lớn lao, đã góp phần cùng dân tộc lập nên những chiến công chói lọi, vang dội địa cầu. Đây vừa là tổ chức, vừa là môi trường cho người thanh niên yêu nước rèn luyện và cống hiến. Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ kính yêu đã dành cho tổ chức này những tình cảm đặc biệt quý mến. Đoàn là tổ chức của thanh niên, của tuổi trẻ, vì vậy “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”(11 – 318). Trong bối cảnh ngày nay, lời nhắc nhủ đó của Bác lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. 
Những thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh biết bao xương máu cho độc lập tự do, cho Tổ quốc được hòa bình thống nhất, cho lãnh thổ Việt Nam được vẹn toàn. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh trường kỳ chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam, thanh niên Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng chứ nhất định không chịu làm người dân mất nước, nhất định không chịu sống cuộc đời nô lệ. Con người Việt Nam vĩ đại nhất, tiêu biểu nhất cho tinh thần đó, cho ý chí đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là nhà ái quốc vĩ đại, cuộc đời cao cả của Bác chính là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo và học tập. Ngay từ khi còn là thanh niên, Bác đã bôn ba tìm đường cứu nước. Chính tinh thần yêu nước sáng ngời đã tôi luyện nên ý chí sắt thép giúp cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt lên tất cả mọi khó khăn thử thách, mọi mất mát hy sinh để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, để lãnh đạo nhân dân ta đi đến những thắng lợi vinh quang. Việc giáo dục tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ thông qua những tấm gương cách mạng sáng ngời là một vấn đề hết sức quan trọng. Hồ Chí Minh là người rất thấu hiểu điều này và Người đã từng nhắc nhở: “Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên”(10 – 468). Đối với những tấm gương anh hùng cách mạng, với những chiến công của các anh hùng dũng sỹ đã lập nên trong công cuộc cứu nước và giữ nước, Bác căn dặn: “Chúng ta phải ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy…. để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một ý chí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc”(7 – 387). Người thanh niên yêu nước phải là con người uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đạo lý này đã trở nên một lẽ sống quý báu của dân tộc ta và đã được lưu giữ từ nghìn đời nay. Với những anh hùng liệt sỹ đã cống hiến máu xương mình cho Tổ quốc chúng ta phải đời đời ghi nhớ công ơn của họ. Trong “Di chúc” để lại cho đồng bào cả nước, Bác ghi rõ: “Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(12 – 503).

Những tư tưởng quý báu trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi tỏa sáng trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh thời đại và quốc tế ngày nay, những tư tưởng đó lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Học tập, thấm nhuần và quán triệt một cách sâu sắc những chân lý đó sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin và sức mạnh để sống, lao động, chiến đấu, và cống hiến theo gương Bác Hồ vĩ đại./.

Trang Thông tin điện tử Trường Chính trị Nghệ An