Người viết hơn 40.000 lá thư báo tin cho thân nhân Liệt sĩ

590
Tròn 10 năm từ khi về hưu, cựu chiến binh Đào Thiện Sính, sinh năm 1947, ở trị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn trăn trở nỗi niềm khôn nguôi đó là nhiều đồng đội của ông còn ở đâu đó trong lòng đất mẹ, chưa được về an nghỉ nơi quê nhà.

Vì lẽ ấy, ông ngày đêm rong ruổi trên mọi nẻo đường, tìm đến các nghĩa trang liệt sỹ từ Quảng Trị vào Nam để ghi chép, viết và gửi hơn 40 nghìn lá thư cho thân nhân liệt sỹ.

Ông Đào Thiện Sính đọc thư hồi âm của gia đình thân nhân liệt sỹ.
Ông Đào Thiện Sính đọc thư hồi âm của gia đình thân nhân liệt sỹ.

Trong căn phòng chưa tới 10 m2 ở nhà riêng, cựu chiến binh Đào Thiện Sính kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng bên đồng đội và hơn hết là câu chuyện hơn 40 nghìn lá thư báo tin cho thân nhân liệt sỹ.

Căn phòng không nhiều đồ đạc, điểm duy nhất thu hút ánh nhìn của chúng tôi là hàng trăm lá thư được xếp gọn gàng trên bàn làm việc và tủ thờ anh ruột ông – liệt sỹ Đào Chí Nguyện.

Hồi tưởng lại ngày nhận giấy báo tử của anh trai, cựu chiến binh Đào Thiện Sính nghẹn ngào nói: “Từ ngày biết anh trai mất, cứ chiều chiều mẹ tôi lại mong thư ai đó, báo tin anh tôi được chôn cất ở đâu”. Thấu hiểu nỗi đau của mẹ mình, đồng cảm với biết bao người đang ngóng trông tin con nên ông đã có những việc làm thầm lặng mà cao đẹp như vậy.

Năm 20 tuổi, ông Sính nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó ông chuyển sang công tác ở ngành bưu điện. Năm 1979, ông tái ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Trở về địa phương, ông tiếp tục làm việc tại bưu điện huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình công tác, tranh thủ thời gian rảnh, ông lại lên đường đến các nghĩa trang gần với tỉnh Khánh Hòa để tìm phần mộ của anh trai, đồng thời viết thư báo tin các phần mộ tới thân nhân liệt sỹ.

Năm 2007, ông nghỉ hưu. Từ khi nghỉ hưu, ông dành toàn bộ quỹ thời gian để đi xa hơn, ghi chép và chuyển nhiều thư đi nhằm thông báo cho gia đình liệt sỹ ở khắp cả nước về phần mộ liệt sỹ đang an nghỉ ở các nghĩa trang.

Cựu chiến binh Đào Thiện Sính cho biết, ông đã đến hơn 200 nghĩa trang liệt sỹ từ Quảng Trị tới các tỉnh miền Tây Nam bộ, cẩn thận ghi chép tên, tuổi, quê quán… các liệt sỹ.

Nhiều trường hợp có đủ thông tin thôn, xã, ông gửi thư đến tận gia đình. Các trường hợp chỉ có tên huyện, thị xã, ông gửi về Phòng, Ban Thương binh – Xã hội của tỉnh, huyện đó.

Từ năm 1976 đến nay, ước tính ông đã gửi hơn 40 ngàn bức thư đi, trong đó hàng ngàn bức thư đến tận tay gia đình, thân nhân liệt sỹ, qua đó, giúp nhiều gia đình tìm được phần mộ người thân.

“Nhận được thư tôi, gia đình nào có điều kiện và được chính quyền, cơ quan chức năng cho phép, họ liên hệ với tôi để cùng đưa hài cốt liệt sỹ về yên nghỉ tại quê hương. Ngoài gọi điện, gửi thư cảm ơn, một số người còn có nhã ý gửi tiền nhưng tôi từ chối. Tôi khuyên họ dùng số tiền đó để mua ghế đá hay làm các công trình tái tạo cảnh quan ở khu nghĩa trang liệt sỹ”, cựu chiến binh Sính chia sẻ.

Ông Đào Thiện Sính với gia đình thân nhân liệt sỹ.
Ông Đào Thiện Sính với gia đình thân nhân liệt sỹ.

Điều ông ấn tượng nhất là lần viết thư tìm thân nhân cho phần mộ liệt sỹ Bùi Văn Tế (Hòa Bình). Trên bia mộ, ghi rõ họ tên liệt sỹ, nguyên quán Hà Nam Ninh. Vì vậy, ông đã gửi hàng trăm bức thư tới tới cơ quan chức năng tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nhưng cũng không thấy hồi âm. Thời gian sau, ông tự nhận thấy điều bất thường và như có linh tính mách bảo, ông Đào Thiện Sính chuyển sang viết thư, tìm kiếm thân nhân liệt sỹ này tại tỉnh Hòa Bình. Sau đó, ông nhận được thư hồi âm, cảm ơn của gia đình liệt sỹ Bùi Văn Tế.

Ngoài ghi chép, viết thư, cựu chiến binh này còn tham gia cùng các gia đình trong việc đưa phần mộ liệt sỹ về quê hương. “Mỗi lần đưa các anh về quê hương, tôi vui mừng khôn xiết. Chỉ cần đồng đội được yên nghỉ nơi quê nhà, tôi quyết tâm làm việc này đến khi không còn sức khỏe”, cựu chiến binh Đào Thiện Sính bộc bạch.

Khi được hỏi về chi phí đi lại, ăn ở, bì và tem thư… ông mỉm cười nói: “Ban đầu, tôi cứ âm thầm viết tay rồi bỏ tiền túi ra gửi thư. Về sau này, tôi chỉ cần viết một bản bằng tay, có người giúp đánh máy lại và in. Ngành bưu điện cũng hỗ trợ tôi chuyển thư báo tin liệt sỹ miễn phí… Cứ như vậy, gần 10 nghìn điểm bưu điện văn hóa cấp xã trên cả nước nhận thư tôi gửi đi”.

Ông Ngô Mậu Chiến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho hay, cựu chiến binh Đào Thiện Sính là người rất tâm huyết với các hoạt động nghĩa tình đồng đội, đặc biệt là việc viết thư báo tin cho thân nhân gia đình liệt sỹ. Ông cũng thường xuyên trao đổi những thuận lợi, khó khăn để các thành viên trong Hội cùng chia sẻ, giúp đỡ.

Với những hoạt động nổi bật đó, ông Đào Thiện Sính được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa nhiều lần tặng Bằng khen, Giấy khen. Ông là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

TTXVN