Cần hiểu đúng về Luật An ninh mạng

624

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, được Quốc Hội thông qua với 86,86% đại biểu có mặt tán thành. Đây là dự luật quan trọng quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo một số chuyên gia, hiện tình hình an ninh mạng phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề mang tính toàn cầu. Thời gian qua, một loạt sự kiện liên quan tới hoạt động của Facebook, Google đã tác động đến kinh tế, chính trị của một số quốc gia như Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu… Tại Việt Nam, mỗi năm, hệ thống thông tin nước ta phải hứng chịu hàng chục nghìn cuộc tấn công. Thông tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm, kích động bạo lực… phổ biến trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của tội phạm và vi phạm pháp luật; tội phạm phạm phát triển nhanh, như lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy…, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan. Riêng năm 2017, Việt Nam bị 10.000 vụ tấn công mạng và đã mất 542,8 triệu USD.

Một câu hỏi đặt ra: Không có Luật An ninh mạng thì đâu là cơ sở luật pháp để giải quyết việc “các doanh nghiệp vẫn đang kêu cứu vì họ bị làm giả thương hiệu trên mạng xã hội, làm giả fanpage, đánh sập trang web, report tài khoản doanh nghiệp, bị đối thủ cạnh tranh tung tin xấu, thao túng…?”.

Chính vì vậy, việc ban hành luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết, tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động. Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng một không gian mạng lành mạnh, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Mục tiêu này được thể hiện ngay tại Điều 1, về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Luật An ninh mạng ban hành nhằm quy định các hoạt động về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về các nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng gồm: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong luật được quy định rõ ràng, theo từng nhóm, lĩnh vực cụ thể, bao gồm các hành vi sử dụng không gian mạng chống Nhà nước, tung tin, tuyên truyền, hoang báo thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, làm nhục, vu khống gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định về an ninh, trật tự (vụ việc gây rối ở Bình Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang… ngày 10/6/2018 là điển hình), bịa đặt trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ… ; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng, chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Còn những ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng ra đời có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận, vi phạm quyền con người,… đây là những ý kiến xuyên tạc không chính xác. Bởi mục đích của luật được ban hành là nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng đã quy định rõ, chỉ khi có xảy ra tội phạm hay cần điều tra hoạt động vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng mới có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tội phạm đó (Điều 26). Vì vậy, nếu cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thì không cần lo việc bị cơ quan chức năng kiểm soát thông tin của mình trên mạng internet.

Hiện nay, trên mạng xã hội có ý kiến cho rằng khi Luật An ninh mạng được ban hành, cơ quan an ninh có thể giám sát tất cả các tài khoản của người dùng trên không gian mạng ?,.. tuy nhiên, điều này không đúng với nội dung của Luật An ninh mạng.

Bởi theo quy định, cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ có thể giám sát trong trường hợp người sử dụng không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, Luật An ninh mạng cũng không ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, vì luật quy định rất chi tiết, tạo mọi điều kiện cho người sử dụng không gian mạng ở bất cứ loại hình dịch vụ nào như internet, viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng.

Như vậy, mọi công dân có thể tự do sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram,… và bày tỏ quan điểm cá nhân trên không gian mạng nếu không vi phạm vào các điều cấm theo quy định của luật, kể cả việc trao đổi trong hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa.

Có thể thấy, mục tiêu lớn nhất mà Luật An ninh mạng hướng tới là bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, hướng đến các lợi ích cao hơn vì sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, chỉ có những kẻ muốn sử dụng không gian mạng với mưu đồ xấu, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xuyên tạc, chống phá Nhà nước mới e ngại và phản đối luật này.
Trước tình hình trên, rút kinh nghiệm từ vụ tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong ngày 10/6/2018 do các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động thông qua mạng xã hội, chúng ta cần phải tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai trái trong việc sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc chống phá chế độ, kích động bạo lực… Phát huy vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình, không để bọn xấu lợi dụng, lôi kéo, xúi giục tham gia, tụ tập đông người, đốt phá, gây rối… Vận động con em mình thể hiện lòng yêu nước bằng hành động tích cực là “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

NQN