Về các xã cánh Tây huyện Khánh Vĩnh, hỏi bác sĩ Hà Thúy – Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Lê, hầu như ai cũng biết. Anh là người T’rin đầu tiên ở huyện miền núi này có bằng bác sĩ, rất tích cực trong việc khám, chữa bệnh cho đồng bào…
Những năm đầu thập niên 90, việc một học sinh dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh học hết phổ thông là rất hiếm. Vì thế, khi Hà Thúy vừa tốt nghiệp Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, lãnh đạo huyện gợi ý cho anh đi học lâm nghiệp để về làm tại lâm trường, nhưng anh lại muốn học nghề y. Ông Cao Nguyên Tự – Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh khi ấy đã chấp nhận cho Hà Thúy đi học Trường Trung học Y tế Khánh Hòa. Anh chia sẻ, bố dượng anh làm y tá, nhiều lần anh chứng kiến cảnh người dân hớt hải ôm con bị bệnh nặng chạy đến nhà mình, nhưng bố dượng chỉ biết thở dài vì không làm gì được…Vì thế, từ nhỏ, anh đã nuôi ước mơ trở thành thầy thuốc, chữa bệnh cho dân bản.
Năm 1994, tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Khánh Hòa (nay là Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa), y sĩ Hà Thúy được cử làm Phó Phòng khám Đa khoa ở Khánh Lê, kiêm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Sang. Thời ấy, bản làng còn heo hút, đường đi lại rất khó khăn. Cứ đầu tuần, anh lại đi nhờ xe chở gỗ từ nhà (xã Cầu Bà) lên Liên Sang và ở lại Phòng khám làm việc đến hết tuần mới về nhà. Lúc bấy giờ, các xã chưa có trạm y tế nên Hà Thúy và túi thuốc trở thành “trạm y tế di động”. Không quản mưa nắng, suối sâu, dốc cao, bước chân của anh đã trải khắp các buôn làng ở 4 xã cánh Tây huyện gồm: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang để khám bệnh cho đồng bào; anh còn kiêm luôn công tác phòng, chống dịch. Lúc này, do nhận thức của người dân còn thấp nên công tác phòng dịch bệnh rất khó khăn, nhất là tiêm chủng cho trẻ em. “Thiếu cái ăn, cái mặc nên đồng bào không quan tâm đến việc phòng bệnh. Mình phải đến từng nhà, có khi vào rẫy để vận động”, anh Hà Thúy nhớ lại. Nhiều lần, vì đường đi lại còn khó khăn, gọi xe cứu thương không có, y sĩ Hà Thúy bất đắc dĩ phải cùng người nhà chở bệnh nhân đến Bệnh viện huyện. Những lần chuyển bệnh nhân vào ban đêm, anh phải ở lại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, đợi đến tờ mờ sáng mới về nhà.
Bác sĩ Trần Văn Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh: Bác sĩ Hà Thúy có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực chuyên môn và quản lý điều hành. Đặc biệt, anh có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong công tác, anh rất tích cực, có nhiều đóng góp cho đơn vị… |
Sự nhiệt tình của người thầy thuốc đã giúp anh có được lòng tin của đồng bào. Nhiều cháu bé đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay thô ráp của anh. Trong quá trình đi khám bệnh, anh lại phải làm công tác tư tưởng cho dân. Do người bệnh hay xin thuốc cho cả nhà nên anh và đồng nghiệp phải lựa lời khuyên giải: phải tùy người, tùy bệnh mà dùng thuốc, nếu không bệnh sẽ nặng hơn…
Tuy vậy, mỗi lần thấy đồng bào bị bệnh nặng không qua khỏi, anh lại tự vấn: Giá như điều kiện tốt hơn, tay nghề mình cao hơn… có lẽ mọi sự đã khác. Cũng vì nỗi trăn trở đó, không ngại khó khăn, từ năm 2002 đến 2004, anh khăn gói ra Huế học đại học tại chức y khoa và trở thành bác sĩ người dân tộc T’rin đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. Những năm gần đây, khi đảm nhận vị trí Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Lê, anh rất tích cực trong công tác. Cuối tuần, anh thường ghé thăm những bệnh nhân ngoại trú, tranh thủ tuyên truyền thêm cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh, phòng, chống sốt rét… Hỏi về bác sĩ Hà Thúy, đồng bào ở các xã: Liên Sang, Sơn Thái… đều rất tin tưởng. Ông Cao Ba Đính (thôn Chà Liên, xã Liên Sang) nói: “Bác sĩ Hà Thúy là người đồng bào mình, lại có học nên biết “bắt” con bệnh”. Có lẽ, lòng yêu mến của đồng bào chính là động lực để bác sĩ Hà Thúy tiếp tục theo học bác sĩ chuyên khoa I do Đại học Y khoa Huế mở tại Khánh Hòa.
Báo Khánh Hòa