LTS: Đảm nhận không chỉ một mà nhiều vai trò trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã vượt qua những rào cản vô hình lẫn hữu hình để ghi dấu ấn của họ trong các lĩnh vực. Thanh Niên Online xin khắc họa một vài chân dung của các bóng hồng Việt từ: thể thao, văn hóa đến giáo dục, kinh doanh…
Không riêng gì Dương Thúy Vi, Bùi Thị Thu Thảo hay Tạ Thanh Huyền mà còn nhiều nhiều nữa những cô gái dành cả thanh xuân để tập luyện và thi đấu. Họ đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh, sau vài phút được reo hò, ngợi ca, họ trở về với cuộc sống đời thường và cũng bộn bề nhiều trăn trở, thậm chí còn hơn cả người bình thường.
“Thế là em có thêm tiền mua sữa cho con rồi”
Trong số những chương trình cầu truyền hình trực tiếp của Báo Thanh Niên tại ASIAD 2018, buổi gặp gỡ 4 cô gái vàng của chèo thuyền rowing với tôi có lẽ đáng nhớ hơn cả. Tôi được gặp trực tiếp 4 cô gái mang tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Đó là Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo. Qua màn hình ti vi, những tiếng nói mộc mạc, chân quê chất phác khiến khán giả rưng rưng cảm động. “Với nhiều người như vận động viên chúng em, thể thao là đam mê, nhưng thể thao cũng là nghề để kiếm sống, khi có HCV là chúng em có tiền thưởng, tiền đó thể mua thêm cho con hộp sữa”, tôi nghẹn ngào trước lời chia sẻ thật tình như thế của Tạ Thanh Huyền, một nữ VĐV có nước da sạm đen vì nắng cháy.
Từng gặt lúa, trồng khoai ở các miền quê nghèo trước khi bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp, những cô gái chèo thuyền rowing ngày ngày tiếp xúc với sóng gió và mưa nắng. Trong số 4 cô gái vàng, Tạ Thanh Huyền, sinh năm 1994, có khuôn mặt già dặn hơn tuổi và là VĐV trưởng thành từ bộ môn bơi lội…
Năm 2009, khi đang là học sinh Trường năng khiếu thể dục thể thao Thái Bình, Huyền được gọi sang môn chèo thuyền rowing và được các huấn luyện viên chú ý sau các thành tích ở SEA Games và các giải châu Á.
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Thái Bình có 3 anh chị em, Huyền là người duy nhất theo thể thao. Huyền nói, cô biết những gì phía trước còn rất nhiều chông gai, nhưng thể thao đã là một đam mê không thể từ bỏ.
So với VĐV của các môn thể thao khác, cơ hội được thi đấu trong một năm của chèo thuyền rowing hiếm hoi hơn, nên tiền thưởng cũng… ít hơn. Nếu chẳng may bị chấn thương phải giã từ sự nghiệp giữa chừng thì phần nhiều VĐV không biết sẽ bắt đầu lại từ đâu bởi những năm tháng đẹp nhất cuộc đời đã “để lại” cho những buổi tập luyện và thi đấu trên sông nước… “Tôi không hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tôi muốn nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại những thành tích vẻ vang hơn”, Huyền tâm sự.
Sau ASIAD 2018, Huyền và các cô gái rowing lại bắt đầu những ngày tập luyện tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Miền Bắc lúc này vẫn chưa hết những ngày nắng rát, một ngày chúng tôi gọi điện hỏi thăm lúc trưa, Huyền nói vội vàng một vài câu rồi xin lỗi phải cúp máy và đi ngủ vì buổi chiều tập sớm. “Cuối năm nay sẽ là đại hội thể dục thể thao toàn quốc, chúng tôi sẽ tạm quên những huy chương vàng mình đã có để hướng tới giải đấu này”, Huyền bộc bạch.
Vi ‘tỏi’ mê chocolate
Một chiều giáp tết 3 năm trước, trời mưa phùn, rét căm căm, trong một lớp học ở Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Dương Thúy Vi đang chăm chú với một bài kiểm tra hết môn. Cô bé lí lắc thấy có người cầm máy quay từ cửa sổ đã nháy mắt cười và ra dấu, ý là “chị đợi em vài phút nữa”. Đó là một Dương Thúy Vi rất khác với những gì người ta thấy trên sàn đấu wushu: quyết liệt, sắc sảo, thần thái toát ra từ ánh mắt.
Cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã mang về tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên và duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội ASIAD 2014 có thời gian thường xuyên búi tóc củ tỏi, nên được mọi người đặt cho biệt danh Vi “tỏi” đáng yêu như vậy.
Tại ASIAD 2018 ở Indonesia, cô gái 25 tuổi nhỏ bé này chỉ giành được tấm huy chương đồng (HCĐ). Dù đây không phải là một kết quả như ý muốn nhưng nó cũng ghi nhận những nỗ lực khủng khiếp của cô gái khi phải nén đau vì chấn thương để bước lên sàn đấu.
Đồng nghiệp của chúng tôi tác nghiệp tại Indonesia thường kể lại câu chuyện đằng sau tấm HCĐ wushu mà Dương Thúy Vi nhận được, đâu đó xen lẫn nỗi buồn và sự hụt hẫng nhưng Vi “tỏi” vẫn lạc quan. Trước giờ phỏng vấn của một đài truyền hình, cô còn nhí nhảnh khoe với phóng viên một viên kẹo chocolate ngậm dở trong miệng, “liều thuốc” quen thuộc của cô trước giờ thi đấu quan trọng để cân bằng và lấy lại bình tĩnh.
Vi “tỏi” đến với wushu năm 8 tuổi từ một cơ duyên hết sức tình cờ. Người anh họ của Vi học wushu tới nhà chơi, thấy Vi nhanh nhẹn bèn bảo cô chụm chân nhảy xa. Cô bé sinh năm 1993 nhảy được tới 1,5 m. Thế là Vi bắt đầu tập wushu, có lúc thành tích học tập bị ảnh hưởng nên mẹ không cho tập nữa. Nhưng được sự động viên của những người thầy trong ban huấn luyện, Vi “tỏi” tiếp tục con đường của mình.
Wushu tôi luyện cho cô gái này sự mạnh mẽ, tính kiên trì, nhẫn nại, tinh thần cầu tiến, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn. Ít ai biết, 8 tuổi, Vi đã tự bắt xe buýt đi học, không cần ai đưa đón. Chấn thương đến như cơm bữa, Vi nén đau để trở lại sàn đấu. Người ta vẫn kể lại câu chuyện của Vi 10 năm trước, đó là khi Vi dự giải trẻ thế giới ở Indonesia với nội dung thương thuật và bị trật cổ chân. Tuy nhiên, Vi vẫn nén đau, hoàn thiện xong bài thi của mình thì nằm bất động, mọi người trong cánh gà phải lao ra bế cô vào.
Năm tháng qua đi, số lần chấn thương nhiều lên, tỉ lệ thuận với những thành tích của cô. Vi giành HCV tại ASIAD 2014 và nhiều lần đoạt HCV tại đại hội thể thao toàn quốc, giải trẻ toàn quốc, giải trẻ thế giới, giải trẻ châu Á, Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới, SEA Games… Bố mẹ Vi, những công chức bình thường của Hà Nội, tự hào mỗi khi khách đến chơi nhà với tủ đựng huy chương của con gái. Họ, trước khoảnh khắc con gái nén đau bước lên sàn đấu và thể hiện thần thái tuyệt nhất cho bài thi, đã khóc thành tiếng vì xót con…
Vi “tỏi” đến giờ vẫn độc thân, tấm bằng đại học lỗi hẹn mấy lần vẫn chưa lấy được vì còn nợ nhiều môn quá, Vi cho biết cô đang cố gắng hoàn tất các môn và quyết tâm sẽ tốt nghiệp vào năm 2019. “Vi sẽ còn thi đấu tiếp chứ?”, chúng tôi hỏi. Cô gái cười: “Sang năm chắc chắn em vẫn là VĐV, còn 4 năm nữa, ASIAD 2022 thì chưa nói trước được điều gì. Em muốn, còn ngày nào gắn bó với thể thao thì đó cũng là những ngày nỗ lực nhất của mình…”.
Từ gặt lúa, phụ hồ tới huy chương vàng
Trong buổi tường thuật trực tiếp của Báo Thanh Niên nối cầu truyền hình với Bùi Thị Thu Thảo, người mang về tấm HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018, tôi đã hỏi: “Thảo, em muốn nhắn điều gì về quê nhà?”. Khẽ khàng, Thảo nói: “Em muốn nói cảm ơn bố em. Bố em đã hi sinh nhiều cho em có được ngày hôm nay. Dù bị bệnh nhưng bố lúc nào cũng động viên để em tập trung luyện tập và thi đấu tốt. Em cũng muốn cảm ơn chồng em, luôn đứng phía sau động viên, nấu cơm, có khi giặt đồ giúp em…”.
Những chia sẻ thật thà, mộc mạc của cô gái quê ở huyện Ba Vì (Hà Nội) khiến những người làm chương trình rưng rưng. Nhìn thấy tấm HCV môn nhảy xa đầy danh giá của Thảo, chúng ta có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc vỡ òa của cô gái khoác lên người lá quốc kỳ Việt Nam giữa trời Indonesia, nhưng có lẽ chưa nhìn thấy được quãng đường Thảo đã đi qua.
Sinh ra trong một gia đình ở huyện nghèo Ba Vì của Hà Tây (cũ), Thảo từng bị bạn bè trêu là “Thảo bò vàng”. Gia đình quá nghèo, bố bị bệnh xương khớp nhiều năm, có lúc chi phí để chữa bệnh cho bố quá nhiều, Thảo 2 lần suýt bỏ điền kinh để ra ngoài làm thuê.
Lần đầu tiên là năm 2008, Thảo bỏ điền kinh để đi làm phụ hồ. Huấn luyện viên Nguyễn Trọng Hổ, sau này là phó đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018, đã động viên Thảo quay trở lại.
Sau đó, năm 2011, bố bệnh nặng hơn, Thảo vẫn chưa có nhiều thành tích cao, cô muốn bỏ hết để đi làm thuê, mong có tiền giúp bố chữa bệnh. Cũng chính thầy Hổ động viên Thảo ráng tập và thi đấu tốt để có nhiều tiền trợ cấp. Thảo xuôi lòng. Bước ngoặt đó giúp cô nỗ lực hơn. Tại ASIAD 2014, Thảo giành HCB nhảy xa và 4 năm sau, cô đã đổi màu huy chương, mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam.
Thanhnien.vn