Bác muốn biết sự thật kia

204

Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân.
Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa, anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác.

Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, chúng tôi yên trí chờ đợi… Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy, một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

– Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

Bác quay lại nói ngay:

– Đông gì? Các chú bố trí đấy! – Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng… Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm, nên nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về nhà, Bác bảo chúng tôi: “Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh “nông dân” mặt quần ka ki đi gặt).

Bác nói tiếp:

– Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!.