Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

37120

Những quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam được nêu trong NQ ĐH Đảng XII thể hiện tính cách mạng, khoa học, phù hợp tình hình quốc tế và điều kiện thực tiễn của nước ta; Phù hợp ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Như vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. 

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu chủ đề của Đại hội: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Vấn đề “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định” là điểm mới và là nội dung lần đầu được đưa vào chủ đề của Đại hội, điều này đã thể hiện bước tiến mới trong tư duy lãnh đạo của Đảng theo hướng toàn diện, sâu sắc hơn, đáp ứng những yêu cầu của việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời biểu thị rõ quyết tâm của Đảng ta xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cần phải thực hiện như sau: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh nước ta hiện nay, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng bảo vệ Tổ quốc là toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố: Chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại; Sức mạnh của toàn bộ nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài; Là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cùng với việc khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây là một trong những kinh nghiệm lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta, nhất là trong điều kiện bối cảnh quốc tế hiện nay.

Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân ta xác định và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Các nhiệm vụ này phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, tác động hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đảng đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu, nhưng không coi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là thứ yếu; Đảng xem việc củng cố quốc phòng, an ninh là cơ sở tạo điều kiện, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ tiền đề vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của quốc gia. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Đây là tư duy mới của Đảng, bảo vệ Tổ quốc là sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh không chỉ trên lĩnh vực phát triển kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược; Nội dung của sự kết hợp trên phải được triển khai tổ chức thực hiện cụ thể ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh được thể hiện trong quy hoạch tổng thể của quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trong nhiệm vụ, trong phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay được thể hiện ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, bao gồm các tuyến đường giao thông, hệ thống các sân bay, bến cảng, kho, hệ thống thông tin…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh, phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điều này cho thấy, trong nhận thức lý luận cũng như trong tổ chức thực tiễn, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng để tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là cơ sở chắc chắn nhất bảo đảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động phức tạp.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao; Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, chủ động chuẩn bị lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống…

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; Làm cho tư duy về bảo vệ Tổ quốc được thể hiện đậm nét, trước hết là trong các chủ trương, chính sách phát triển của các ngành và các địa phương. Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối kết hợp hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Nguồn Infonet