Một em bé căm ghét bố. Một cô gái nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Và rất nhiều thiếu nữ bị xâm hại tình dục… Những bi kịch ấy được chuyên gia tâm lý Hồng Phương Lan hóa giải bằng câu chuyện của tình yêu thương.
Với nhiều người, đi làm, tiếp xúc với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác… ít ra cũng có được vài chuyện vui bỏ túi, nhặt nhạnh để mỗi ngày là một niềm vui. Nhưng cái nghề đặc thù của chuyên gia tâm lý Hồng Phương Lan lại khác. Với bà, mỗi ngày là nhiều câu chuyện buồn và rất buồn.
“Tôi vẫn nhớ đó là một cậu bé 4 tuổi, mặt mũi khôi ngô. Mẹ bé nói với tôi là bé chỉ thích game, nếu tách chiếc điện thoại khỏi bé, bé sẽ uể oải, cáu gắt. Bé có những biểu hiện kỳ lạ như luôn căm ghét bố, thù ghét bà ngoại. Thậm chí mỗi lần đi chùa, bé luôn cầu nguyện sao cho mình sau này đừng có con”, chuyên gia tâm lý Hồng Phương Lan kể. “Tôi đã trò chuyện cùng bé, những ác cảm về bố bắt đầu từ việc bố từng mặc quần đùi và áo ba lỗ vào chùa, trong khi đó, bà ngoại thì nói quá nhiều. Tôi đã lần lượt tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bé về người thân, bồi đắp cho em tình yêu thương về gia đình của mình”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà bà Lan đã tháo gỡ vướng mắc để giúp họ vượt qua bi kịch.
Từ sự tuyệt vọng cùng cực
Mỗi người tìm đến chuyên gia tâm lý Lan, hiện sống và làm việc tại TP.HCM, “mang” đến cho bà mỗi câu chuyện khác nhau, mỗi thử thách khác nhau trong cuộc đời để tìm lời giải đá
p và để tìm thấy lối thoát sau những bế tắc và tuyệt vọng.
Bằng nhiều cách khéo léo, bà Lan dẫn dắt họ quay trở lại tuổi thơ, tìm về những ký ức ngọt ngào với người thân yêu, để hiểu những rạn nứt, đổ vỡ trong hiện tại là nguyên do từ những khúc mắc, chướng ngại trong quá khứ. Dần dần, bà Lan hàn gắn, xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn của mỗi người để họ thấy trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.
Bà Hồng Phương Lan tình cờ đến với công việc của một nhà tâm lý rồi trở nên yêu nghề lúc nào không hay. Cho đến hôm nay, bà đã có hơn 10 năm “chữa bệnh” tâm hồn cho hàng trăm người. Nhiều người trong số này sau đó đã trở thành bạn bè thân thiết của bà.
“Tuổi thơ, ký ức là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Nó sẽ ảnh hưởng tới tâm hồn, nhân cách, sự phát triển của mỗi người mãi mãi sau này”, bà Lan nói.
Bà dẫn chứng câu chuyện một cô bé 15 tuổi, cha mẹ ly thân, sống với bà nội. Sau khi chia tay với bạn trai, cô bé bị trầm cảm và thường xuyên có những hành vi như lấy tàn thuốc lá đâm vào cánh tay tạo thành những vết thâm loang lổ. Cô bé tìm đến chuyên gia tâm lý Lan khi rơi vào cảnh tuyệt vọng hoàn toàn và nhiều lần nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát.
“Gia đình ly tán, cha mẹ mỗi người mỗi nơi, cô bé đã thiếu thốn tình yêu thương. Trong khi đó, bà nội hay mắng bé là đồ con chó. Cô bé lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp sợ bị bỏ rơi và chỉ mong ngóng trông đợi vào người bạn trai, nhưng một ngày người bạn trai cũng chia tay khi thấy cô bé quá nhõng nhẽo. Cô bé đã tuyệt vọng vô cùng”, bà Lan kể lại
“Tôi dần dần cùng bé quay trở lại quá khứ và được biết, cha của bé cũng từng rất sợ bỏ rơi khi mẹ bé liên tục dọa ly hôn. Người đàn ông nhiều lần ôm cô con gái còn ẵm ngửa trên tay và gào thét, dọa là sẽ ném con bé ra đường nếu như vợ vẫn quyết định bỏ ông, đến với người đàn ông khác. Nỗi sợ hãi hằn sâu trong tiềm thức của một bé gái từ lúc mới lọt lòng như thế, dần dần nó lớn hơn, cộng hưởng với nhiều biến động tâm lý khác đã khiến bé gái ngày nào trở thành người trầm cảm ở tuổi 15”, bà Lan phân tích.
Theo người phụ nữ theo đuổi con đường của một chuyên gia tâm lý nhiều năm, nỗi sợ hãi lớn nhất và luôn thường trực trong mỗi con người, dù đàn ông hay phụ nữ, dù trẻ em hay người trưởng thành, chính là nỗi sợ bị bỏ rơi.
“Gia đình phải là cái nôi của tình yêu thương, là nơi cha mẹ – con cái yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ buồn vui, san sẻ những gánh nặng. Ông bà con cháu quấn quýt… Nhiều gia đình hiện đại, cha mẹ mải mê kiếm tiền, bỏ bê con cho điện thoại, cho game, luôn áp đặt con phải làm cái này cái kia, chỉ khiến con ngày càng chìm sâu vào những trò chơi đó, bởi chỉ trong game, con mới có bạn bè, có người hiểu mình, được quyền quyết định xem tấn công ra sao…”, bà Lan chia sẻ.
Đến nỗi đau bị xâm hại tình dục
Bà Lan không nhớ hết những trường hợp trẻ em gái, thiếu nữ bị xâm hại tình dục mà bà đã từng tư vấn. Họ tìm đến bà trong sự hoảng loạn, sợ hãi và chỉ muốn… chết. Như một người bạn, người thân của những nạn nhân, bà từ từ “tháo gỡ” những khủng hoảng họ đang gặp phải và trao cho họ niềm tin rằng họ xứng đáng được yêu thương và trân trọng.
Cách đây không lâu, một thiếu nữ kể với bà về nỗi ám ảnh khi bị chính thầy giáo của mình sờ ngực. Hay một phụ nữ bị hãm hiếp, cho đến khi lấy chồng vẫn luôn sợ hãi chuyện phải ngủ cùng chồng vì khi đó cơn ác mộng năm xưa “sống lại”…
“Mới đây một thiếu nữ tìm đến tôi sau khi bị xâm hại tình dục. Cô luôn muốn chết vì thấy mọi cánh cửa đến tương lai bị bít lối. Những cô gái bị xâm hại tình dục nói chung đều dần dần thấy sợ hãi đàn ông. Người đàn ông nào đến bên cạnh, ngỏ ý muốn tìm hiểu họ đều bị từ chối và khước từ, xuất phát từ tâm lý họ thấy mình tồi tệ và không xứng đáng với bất kỳ ai. Họ tự cho rằng mình chỉ phù hợp với những người đàn ông tồi tệ”, bà Lan trầm ngâm. “Những cánh cửa sáng bước vào tương lai với họ dần khép lại. Tôi muốn cứu họ khỏi những suy nghĩ sai lầm đó”.
Theo chuyên gia tâm lý Lan, một trong những nguyên nhân khiến số người bị trầm cảm mỗi năm đều tăng và ngày càng “trẻ hóa” là sự thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình. Con cái thiếu thốn tình yêu thương của mẹ cha; vợ chồng thiếu yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau; cha mẹ quá cô đơn khi con cái mải mê với guồng xoay của cuộc sống mà quên đi sự hiện diện của họ… Có những người bị đẩy vào con đường tù tội cũng bởi nguyên nhân sâu xa là họ bị bỏ rơi.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng chỉ ra, mỗi người cần phải trân trọng chính bản thân mình. Hiện nay vẫn còn nhiều phụ nữ lúc nào cũng gắn với hai chữ “hi sinh”, đầu tắt mặt tối lo cho chồng con còn bản thân thì ăn uống qua loa, mặc đồ xuềnh xoàng.
Gặp gỡ, giúp đỡ cho nhiều phụ nữ Việt bị trầm cảm vì áp lực công việc, vì biến cố tuổi thơ… bà Lan cho rằng phụ nữ là nhân tố quan trọng để đảm bảo sự an yên, hạnh phúc của mỗi mái nhà. Do đó, phụ nữ cần biết yêu thương chính bản thân mình, cần chăm chút sức khỏe, vóc dáng, nhan sắc để luôn thấy tự tin, lạc quan, vui vẻ, từ đó có thể lan truyền những cảm xúc tích cực sang những người bên cạnh.
Thanhnien.vn