Xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

171

Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện Đề án ‘Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020’, hệ thống các cơ sở GDTX đã được các địa phương quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng.

Tích cực xây dựng xã hội học tập

Công tác xây dựng XHHT đã được các địa phương chú trọng cụ thể: Phối hợp tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp với nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2013 – 2020 và các Đề án thành phần; Gắn xây dựng XHHT với việc thực hiện Quy hoạch, Đề án, Chương trình phát triển KT-XH của tỉnh.

Các địa phương triển khai các hoạt động từng bước ổn định, đi vào chiều sâu, góp phần tuyên truyền hiệu quả về học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng XHHT để cán bộ, nhân viên, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội.

Việc chủ động phối hợp giữa ngành Giáo dục với Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”; Triển khai xây dựng các mô hình học tập gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT” đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm việc thực hiện Chỉ thị. Từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn tới.

Duy trì, ổn định hoạt động

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị các TTGDTX cấp tỉnh đã được duy trì, ổn định hoạt động. TTGDTX cấp huyện kiện toàn, mở rộng hình thức hoạt động theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ và đang ổn định về quy mô.

Mô hình hoạt động của các TTHTCĐ được duy trì và củng cố. Một số TTHTCĐ đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên. Một số địa phương đã lồng ghép các chương trình dự án với hoạt động của TTHTCĐ, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Mô hình lồng ghép hoạt động của TTHTCĐ với trung tâm văn hóa – thể thao xã ở một số địa phương đã phát huy hiệu quả (hiện có 4.286 TTHTCĐ thực hiện mô hình này, chiếm tỷ lệ 38,67%) góp phần huy động tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đa ngành của địa phương, góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các TTGDTX và TTHTCĐ vẫn còn những tồn tại. Một số lãnh đạo trung tâm chưa chủ động sáng tạo trong việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng để phát triển trung tâm, chưa thu hút được người học.

Một số trung tâm còn thiếu phòng học, phòng thực hành, nhà xưởng. Cơ sở vật chất không tập trung, nên khó khăn cho công tác quản lý. Giáo viên dạy nghề còn thiếu, các đơn vị không được bổ sung và phải tự cân đối trong biên chế đã giao.

Hoạt động thực hành trong các lớp học BTVH kết hợp dạy nghề ở một số đơn vị gặp khó khăn. Các trung tâm cấp huyện chưa phối hợp với Phòng GD&ĐT phân công giáo viên tham gia tư vấn và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các TTHTCĐ ở địa phương.

Số lượng TTHTCĐ tăng đều hàng năm, tuy nhiên theo đánh giá của các địa phương có khoảng 30% TTHTCĐ hoạt động tốt; 50% TTHTCĐ hoạt động trung bình và 20% hoạt động kém hiệu quả.

Đẩy mạnh các giải pháp tăng cường kiểm tra

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả, theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT, ngành sẽ tích cực rà soát kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020” của địa phương, bổ sung những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các mục tiêu của Đề án đến năm 2020.

Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020” tại địa phương; Đánh giá hoạt động của các TTHTCĐ, hoàn thiện mô hình hoạt động của trung tâm theo hướng phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.

Song song với đó, ngành sẽ kiện toàn bộ máy quản lý TTHTCĐ khi có sự thay đổi nhân sự; Phân công nhiệm vụ rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên trong ban giám đốc TTHTCĐ; Tăng cường điều tra nhu cầu học tập của người dân trong cộng đồng để xây dựng kế hoạch hoạt động sát hợp, hiệu quả.

Việc điều tra nhu cầu học tập của người dân với hình thức phát phiếu điều tra, thông qua tổ dân phố, các tổ chức, đoàn thể. Kế hoạch, chương trình hoạt động của trung tâm phải hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của chính quyền, các ban ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn và nhu cầu của người dân.

Tránh chỉ tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của chính quyền, các ban ngành, tổ chức, đoàn thể. Trên cơ sở đó sẽ đa dạng hóa nội dung, hình thức học tập phù hợp tập quán văn hóa, điều kiện sinh sống ở các cộng đồng dân cư khác nhau.

Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ và Ngày sách Việt Nam đã được các địa phương tổ chức đạt hiệu quả, có tác dụng lan tỏa trong xã hội. Các địa phương cũng đã huy động được các sở, ngành, hội, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp ủng hộ; mở được nhiều lớp học chuyên đề; xây dựng được các thư viện, tủ sách, nguồn sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng, tiến tới phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.