Báo điện tử Al-Ahram của Ai Cập vừa có bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ Việt Nam – Ai Cập.
Nhân các hoạt động kỷ niệm 55 thành lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập, nhà báo người Ai Cập Kamal Gaballah đã đăng bài viết với nhan đề “Theo dấu chân Bác Hồ Chí Minh” trên chuyên mục bình luận của tờ báo điện tử Al-Ahram phát hành ngày 14/10 nhằm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ Việt Nam – Ai Cập.
Tác giả bày tỏ sự ngạc nhiên khi được Tiến sĩ Đỗ Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập chia sẻ ‘Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã đến thăm Ai Cập ba lần vào các năm 1911 và năm 1946’.
Trong bài báo, tác giả Kamal nêu ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở những lần Người tới thăm Ai Cập mà còn là tài năng lãnh đạo dân tộc Việt Nam chiến thắng sự xâm lược và chiếm đóng của đế quốc Pháp và Mỹ. Hồ Chí Minh, người anh hùng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên và đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam thoát khỏi áp bức của quân xâm lược và đi đến thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình yêu đặc biệt đối với Ai Cập và Người được hàng triệu người dân thế giới và người dân Ai Cập yêu mến, ngưỡng mộ và gọi bằng hai chữ thân thương “Bác Hồ”.
Ai Cập là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam vào năm 1963. Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và hai nhà lãnh Gamal Abdel Nasser và Hồ Chí Minh được kết nối với nhau bằng mối quan hệ tình bạn thắm thiết.
Trên nền tảng đó, mối quan hệ song phương Việt Nam – Ai Cập là mối quan hệ lịch sử tích cực, đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong các năm 2017 và 2018; trao đổi các chuyến thăm của cấp cao và các thỏa thuận để tăng thương mại đạt một tỷ USD vào năm 2020. Nhiều công ty Việt Nam cam kết đầu tư vào Ai Cập trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu, cũng như thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch, giáo dục và văn hóa.
Tác giả bài viết nhấn mạnh, trong một bài phân tích có tên ‘Động lực và lợi ích chung trong phát triển quan hệ Ai Cập – Việt Nam’ đăng trên Tạp chí Chính trị quốc tế phát hành vào tháng 9/2017, Tiến sĩ Heidi Wajih chỉ ra mô hình Việt Nam trong việc xây dựng nhà nước và Ai Cập có thể học hỏi từ kinh nghiệm phát triển hàng đầu của Việt Nam nhằm xây dựng đất nước và khôi phục vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Tiến sĩ Heidi cho rằng Việt Nam theo đuổi phương châm “thêm bạn bớt thù” và đã tăng cường thu hút dòng chảy của các khoản đầu tư từ tất cả các nước trên thế giới; góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước nghèo nhất, được công nhận bởi Ngân hàng Thế giới với tỷ lệ thất nghiệp gần 2,6%, Việt Nam được xếp hạng thứ 55 trong Báo cáo cạnh tranh quốc tế 2017/2018.
Bài viết dẫn lời của Tiến sĩ Heidi cho rằng Ai Cập đang quan tâm đến việc học hỏi kinh nghiệm cải cách hành chính do Việt Nam thực hiện trong giai đoạn năm 2001 đến năm 2010. Tác giả cũng chỉ ra nhiều động lực khác nhau cho sự phát triển của quan hệ song phương Việt Nam và Ai Cập, trong đó Việt Nam đang muốn mở rộng sang Châu Phi và tìm kiếm sự ủng hộ để của Ai Cập để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai bên đều mong muốn mở rộng thương mại và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và văn hóa./.
Theo VOV