Cô học trò đam mê sáng chế

672
Lương Tiểu Nguyên đang giới thiệu chiếc gậy thông minh tại cuộc thi.
Bằng kiến thức học được cùng các tài liệu tự nghiên cứu, Lương Tiểu Nguyên – học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã tìm tòi, chế tạo gậy thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị.
 
Cây gậy thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị của Nguyên ngoài chức năng phát hiện vật cản, giúp người khiếm thị có thể di chuyển dễ dàng hơn còn có thể dùng để liên lạc với người thân, kiểm tra sức khỏe, định vị…
 

Chiếc gậy thông minh được gắn thêm một đầu dò cảm biến 40kHz, khi phát hiện vật cản trong bán kính 2m, thiết bị này sẽ phát ra âm thanh cảnh báo bằng tiếng “beep” to dần khi càng gần vật cản, giúp người khiếm thị nhận biết được chướng ngại vật. Gậy còn được tích hợp mạch điện tử đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu, giúp người thân tiếp nhận thông tin về sức khỏe của người khiếm thị. “Ở đây, em đã cài đặt sẵn các thông số chuẩn theo chỉ số đề ra của Bộ Y tế. Khi cần, người thân của người khiếm thị chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp em cài đặt là có thể nhận được tin nhắn phản hồi về thông tin nhịp tim, nồng độ oxy trong máu của người khiếm thị. Hoặc khi các chỉ số vượt ngưỡng an toàn, hệ thống cũng sẽ tự động thông báo cho người thân biết qua tin nhắn điện thoại, đồng thời đưa tín hiệu cảnh báo cho người khiếm thị biết”, Nguyên cho hay.

Anh Nguyễn Khắc Duy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên tỉnh đánh giá: Dự án gậy thông minh hỗ trợ người khiếm thị của em Lương Tiểu Nguyên mang ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Trên thực tế cũng đã có nhiều ý tưởng sáng tạo tương tự, nhưng đây là lần đầu có một thí sinh còn ở độ tuổi học sinh phổ thông có sáng chế ở lĩnh vực này. Ban tổ chức đã hướng dẫn, định hướng cho chủ dự án có hướng phát triển cụ thể hơn để có thể đưa vào sử dụng hiệu quả trong thực tế.

Một chức năng khác được cô học sinh tích hợp vào gậy thông minh là hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống này được gắn trên thân gậy cùng với một sim điện thoại, bất kỳ địa điểm nào người khiếm thị di chuyển đến, chỉ cần người thân nhắn tin theo cú pháp đến số điện thoại có trên gậy sẽ lập tức nhận được phản hồi về địa điểm. Để khai thác có hiệu quả các công nghệ được lắp đặt, trên gậy thông minh của Nguyên làm ra còn có 2 nút để thực hiện nghe, gọi điện thoại với người thân. Khi người thân gọi đến số điện thoại được lắp đặt trên gậy, người khiếm thị chỉ cần nhấn nút sẽ kết nối liên lạc được; hoặc bằng nút gọi khẩn cấp, người khiếm thị sẽ liên lạc được ngay với số điện thoại người thân được lập trình sẵn.

 
Trao đổi với chúng tôi, Nguyên cho biết, sản phẩm em làm ra dựa trên nền tảng các công nghệ trước đây đã có người từng làm. Tuy nhiên, Nguyên đã phát triển thêm nhiều chức năng mới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người khiếm thị, có thể kể đến là chức năng nghe, gọi, định vị GPS. Sản phẩm gậy thông minh của Nguyên đã xuất sắc vượt qua hơn 280 sản phẩm sáng tạo dự thi tại cuộc thi Ý tưởng, sáng tạo do Tỉnh đoàn vừa tổ chức và đạt giải ba cuộc thi.
 
Được biết, sản phẩm hiện đang được nghiên cứu để nâng cấp bộ định vị GPS, vừa có chức năng định vị, vừa có chức năng chỉ đường qua giao tiếp với người khiếm thị bằng âm thanh. “Như trên ô tô, người ta thường định vị đường đi bằng GPS, hiện em đang nghiên cứu để tích hợp dữ liệu bản đồ vào gậy thông minh, sau đó chuyển đổi thành tương tác bằng giọng nói, phương án này là khả thi. Nếu làm thành công, gậy thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ rất tốt cho người khiếm thị”, Tiểu Nguyên chia sẻ.
Báo Khánh Hòa

PHÓNG SỰ: “Gậy thông minh dành cho người khiếm thị: Sáng chế của học sinh Khánh Hòa” – KTV