Bác Hồ với “Tết trồng cây” và “Tết trồng người”

2009

Sinh thời, Bác Hồ thường nói: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trồng cây và “trồng người”, theo nghĩa rộng, là chủ đề nhiều bài viết và bài nói của Bác trong nhiều năm. Mừng Xuân Kỷ Hợi năm nay, 2019, chúng ta lại nhớ đến Xuân Kỷ Dậu 50 năm về trước, 1969.

Xuân năm ấy, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Bác Hồ viết bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên Báo Nhân Dân, đúng vào ngày 3-2. Cũng xuân năm ấy, Bác Hồ viết bài Tết trồng cây đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 5-2, đúng hai ngày sau bài báo trước.
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là tuyệt phẩm báo chí của Bác viết về đề tài xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức, xây dựng con người.

Tết trồng cây tuy đề cập một vấn đề kinh tế cụ thể nhưng phía sau nó lại hàm chứa một ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, một phong trào nhân dân đại đoàn kết phấn đấu vì thắng lợi của cách mạng.

Cả hai bài báo đó đều ra đời trước Tết Nguyên đán Kỷ Dậu hơn 10 hôm. Đó là lý do vì sao tôi lựa chọn đầu đề cho bài viết này của mình: Bác Hồ với “Tết trồng cây” và “Tết trồng người”.

Thật ra, không phải đến năm 1969, mà trước đó 10 năm, Bác Hồ, dưới bút danh Trần Lực, đã viết bài báo nhan đề Tết trồng cây đăng Báo Nhân Dân ngày 28-11-1959.

Bác viết:

“Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp,v.v., đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi.

Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều.

Bác nêu lên những việc cụ thể cần làm.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó trở đi, mỗi khi mùa xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác. Không ai quên được lời thơ của Bác:

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân

Trong bài báo Tết trồng cây viết năm 1969 mà chúng ta đang nói, Bác Hồ lại nêu bật những thành tựu và ý nghĩa to lớn của loại “Tết” đặc biệt này. Bác viết: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”. Và kêu gọi: “Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược””.

Ngày 2-9-1969, Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng.

Sau khi nước nhà thống nhất, đồng bào cả nước ta vẫn giữ vững truyền thống, mỗi khi Tết đến Xuân về lại tổ chức “Tết trồng cây làm theo lời Bác” hay “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”.

Về “Tết trồng người”

Trong lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ chưa một lần dùng khái niệm “Tết trồng người”, nhưng “trồng người” với ý nghĩa là xây dựng con người tốt đẹp nói chung và xây dựng cán bộ, đảng viên xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng chân chính, thì đó là việc suốt đời Người chăm lo. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Bác viết: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”.

Bác đặc biệt biểu dương những tấm gương: Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích vẻ vang. Nhưng Bác cũng chỉ rõ: Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Sau khi nêu lên những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Bác viết: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng… Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng…”.

Với Bác, đạo đức cách mạng cũng là đạo đức xã hội, đạo đức làm người.

Trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính viết năm 1949, Bác chỉ rõ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc.

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người.

Thiếu một đức đã không thành người, thì thiếu cả bốn đức, sao có thể thành cán bộ, đảng viên tốt được?

Nửa thế kỷ đã qua, tư tưởng về xây dựng đạo đức của Bác Hồ trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm ấy của Bác cũng như tác phẩm đặc sắc Đạo đức cách mạng Bác viết đăng Tạp chí Học tập tháng 12-1958 được coi như những sách gối đầu giường. Không phải kinh nhật tụng mà là chiếc gương soi để toàn Đảng và mỗi người chúng ta nhìn vào đó mà tự soi, tự sửa.

Trong quá trình hơn ba thập niên đổi mới, với việc xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng ta thường xuyên coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Ba Đại hội X, XI và XII của Đảng còn nhấn mạnh thêm nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa và lối sống và đặt nhiệm vụ này lên ngang hàng với các nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ.

Các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII đặc biệt đề cao việc “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đáng chú ý hơn nữa là các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng này đều gắn liền mật thiết với các phong trào “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nay là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chúng ta vui mừng về những kết quả quan trọng bước đầu đạt được. Nhưng để có được nền tảng đạo đức cách mạng như Bác Hồ mong muốn thì chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, nhiều hơn nữa với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa.

Báo Nhân Dân