Bồi dưỡng thế hệ trẻ là việc quan trọng

504

THẾ HỆ TRẺ LÀ LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH, TƯƠNG LAI CỦA NƯỚC NHÀ

Nhận thức sâu sắc rằng, “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”(2), từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ – những người mang trong mình bầu nhiệt huyết, sức sống tràn trề, năng lực sáng tạo, v.v.. đối với sự trường tồn của đất nước. Vì vậy, xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí Minh không chỉ cuốn hút họ bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của mình mà còn kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ họ tham gia cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến… 

Hướng vào tuổi trẻ, đưa họ đến với cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ để họ phát huy vai trò của mình, góp sức vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng; đó là thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (6-1925) mà nòng cốt là Cộng sản đoàn; ra báo Thanh niên; mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và của phong trào cách mạng cả nước. Người cũng gửi thư cho Ủy ban Trung ương thiếu nhi Liên Xô và đại diện đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản (7-1926) đề nghị giúp đỡ, để gửi một số thiếu niên Việt Nam do Người nuôi ở Quảng Châu sang Liên Xô học tập, “để trở thành những chiến sĩ Lêninnít tí hon chân chính”, làm hạt nhân cho Đoàn Thanh niên cộng sản sau này. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vấn đề thanh niên, bồi dưỡng lực lượng thanh niên đã được đặc biệt quan tâm khi thông qua Án nghị quyết của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) về việc tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản theo đề nghị của Hồ Chí Minh…

 Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự nhiệt tình, gan dạ và những tấm gương hy sinh dũng cảm của tuổi trẻ nước nhà (thông qua Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đội Thiếu nhi cứu quốc, Đội Nhi đồng cứu quốc) đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trang sử mới, một kỷ nguyên mới đã mở ra khi nước nhà giành được độc lập và cùng với đó là một tiền đồ rực rỡ gắn liền với những nhiệm vụ nặng nề của thế hệ trẻ. Khi ấy, tràn đầy niềm tin tưởng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã không chỉ khích lệ học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(3) mà còn khẳng định thế hệ trẻ, trước hết là thanh niên chính là đội dự bị, lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng, những người chủ tương lai của nước nhà. 

Theo Người, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên – những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình. Do đó, nhất định thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc; phải là những người không chỉ gánh vác mà phải còn vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn nhưng chưa thực hiện được do những hạn chế, những điều kiện lịch sử quy định… Để hoàn thành sứ mệnh đó, muốn trở thành những con người đủ đức, đủ tài, có thể gánh vác được những trọng trách mà cách mạng giao phó và làm chủ tương lai một cách xứng đáng, mỗi người ngay từ khi còn trẻ đã luôn phải tự giác rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải tích cực làm việc để chuẩn bị cho tương lai. Đó là, phải ra sức học tập trong nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và trau dồi tri thức từ chính thực tiễn cuộc sống và khắc phục những nhược điểm: nóng vội, thiếu thực tế, hình thức, chủ quan…; phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp theo phương châm học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”(5). Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên phải xung phong trong mọi công tác, đi trước, làm trước, phải có tinh thần sẵn sàng dấn thân “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”; “phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh, khỏe mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”, phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất…, để góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như chỉ dẫn của Người tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đoàn (1956). 

Thấm nhuần và thực hiện những chỉ dẫn của Người, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu xứng đáng với niềm tin yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của cha anh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là rường cột, đội hậu bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thế hệ trẻ Việt Nam – thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng mọc trưởng thành từ những Đội Cứu quốc, Tổng hội sinh viên, Hội truyền bá quốc ngữ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đoàn quân Nam tiến đến phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Năm xung phong”,v.v.. đã góp sức mình vào chiến thắng chung của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Đội Thanh niên xung kích trường Đại học Quy Nhơn ra quân Chiến dịch hè
Đội Thanh niên xung kích trường Đại học Quy Nhơn ra quân Chiến dịch hè

TIẾP TỤC BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ KẾ CẬN THEO DI CHÚC

Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ nước nhà đã và đang tích cực “xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như mong ước Hồ Chí Minh đã dặn lại trong Di chúc. Những tấm gương, điển hình tiên tiến, xung kích, đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Trên cơ sở quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, các tổ chức cơ sở Đoàn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thi đua thực hiện các nghị quyết của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ trải nghiệm, tự rèn luyện mình, trưởng thành, phấn đấu, bổ sung lực lượng trẻ cho Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Nỗ lực học tập, lao động để trau dồi, nâng cao tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các chương trình hành động: “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi trường”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Tuổi trẻ Việt Nam – Câu chuyện hòa bình”, “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”… trong 10 năm (2008- 2018), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã giới thiệu cho Đảng 2.184.913 đoàn viên ưu tú; trong đó, có 1.207.210 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, chiếm 55,25% tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đoàn đã có 11.380 cán bộ đoàn trúng cử vào cấp ủy đảng các cấp; 9.888 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường, do thiếu bản lĩnh và không nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận thanh niên đã phai nhạt lý tưởng, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thậm chí có người đã vi phạm pháp luật,v.v.. Thực trạng này, một mặt ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, bền vững của đất nước; mặt khác dễ bị các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng để tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, hòng chống phá và ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân càng phải thấm nhuần lời căn dặn đầy tâm huyết của Người trong Di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành nh

ững người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””(6).

Chung kết Hội thi
Chung kết Hội thi ‘Ánh sáng thời đại’ lần VIII năm 2018

Thực hiện di huấn của Người và để thực hiện tốt chiến lược “trồng người”, nhằm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt hiệu quả; đảm bảo xây dựng đội ngũ kế cận tài đức, hoàn thành tốt trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, về “đổi mới nội dung, phương thức chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ… Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(7) theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – Đoàn Thanh niên – xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt; trong đó, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành; xây dựng nguồn cán bộ trẻ, đảm bảo quy hoạch cho trước mắt và lâu dài, “phải khéo léo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ”, “không nên coi thường cán bộ trẻ” như Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Hai là, mỗi cơ quan, đơn vị trong từng kế hoạch, chương trình hành động phải gắn bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tri thức lý luận với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, theo chủ đề hằng năm nói riêng thành nhu cầu tự thân của mỗi người, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đoàn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… Tích cực đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán những thói hư, tật xấu, lối sống vị kỷ và cổ vũ lối sống trong sạch, có chí tiến thủ, tinh thần đoàn kết, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, để tuổi trẻ vững tin thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, kiên định mục tiêu cách mạng. 

Ba là, chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế trong đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, khoa học – kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ, v.v.. và thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể cho thế hệ trẻ, để “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Cụ thể, theo Hồ Chí Minh, ở cấp “- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. – Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. – Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”(8). Bốn là, gắn bồi dưỡng thế hệ trẻ với các phong trào thực tiễn, nhất là tiếp tục triển khai hiệu quả ba phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng và duy trì các phong trào đặc thù. Từ đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong cha mẹ, thầy cô, nhân dân và trong chính thế hệ trẻ để “làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Đồng thời, bản thân mỗi người trẻ cũng phải tự học tập, tự tu dưỡng, phấn đấu ở mọi nơi, mọi lúc và suốt đời, để xây dựng tương lai cho chính mình và đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, bền vững. 
 

Có quá trình chuẩn bị, bồi dưỡng thường xuyên về đức và tài cho thế hệ trẻ; có sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng, chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ như Hồ Chí Minh đã căn dặn, đất nước Việt Nam sẽ có đủ sức mạnh nội lực, trí tuệ, đạo đức để tự tin, kiên định, vững vàng trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

TS. Văn Thị Thanh Mai – Phạm Văn Dương

___________________________________

(1), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.15, tr. 612,612.

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.194, 35.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.298.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.179.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, H, 2016, tr.162.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.186.