TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO, BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CHO THANH THIẾU NHI

2179

Một số luận điểm của Hồ Chí Minh về chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu nhi

Trong Hồ Chí Minh toàn tập, có 1298 chữ “thanh niên”, 80 chữ “thiếu niên”, 380 chữ “nhi đồng”, thể hiện tư tưởng, sự quan tâm, chăm lo của Người nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu nhi. Trong bản Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn nhiều điều về thanh niên ngay sau khi nói về Đảng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với đoàn viên thanh niên – những người chủ tương lai của đất nước.

Có thể nhấn mạnh một số điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu nhi sau đây:

Một là, luôn nhìn nhận, đánh giá cao về vai trò, vị trí của thanh thiếu nhi đối với sự nghiệp cách mạng, với tương lai, tiền đồ của dân tộc.

Người luôn khẳng định tiềm năng to lớn của thanh thiếu nhi, tin tưởng và nhìn nhận về thanh thiếu nhi theo quan điểm phát triển, lớp đi sau kế tiếp lớp đi trước gánh vác trọng trách của dân tộc mà lịch sử giao phó. Ngay từ khi đất nước còn chìm trong đêm trường nô lệ, Người đã nêu lên tư tưởng phải thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó” .

Khi nhấn mạnh vai trò của thanh thiếu nhi đối với tương lai tươi sáng của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc, Hồ Chí Minh căn dặn: “Thanh niên chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà” . Để có được nhìn nhận về sự tiếp nối giữa các thế hệ thanh niên – thiếu niên – nhi đồng, Người cũng chỉ ra mối quan hệ đó rằng: “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng” . 
Hai là, Đảng, Nhà nước, các cấp ngành, đoàn thể phải quan tâm tổ chức, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh thiếu nhi về mọi mặt, phải chú ý quan tâm từ các cháu nhi đồng.

Quan tâm tổ chức, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh thiếu nhi về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng – sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện để họ kế tiếp nhau cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn có được các thế hệ thanh niên tốt, phải chăm lo từ các cháu thiếu niên, nhi đồng, “vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc” .

Gia đình, nhà trường và xã hội phải chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh thiếu nhi trở thành lực lượng nối tiếp thanh niên, đều là công dân tốt, thành các đội xung kích cách mạng, là lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng, phục vụ đắc lực cho lý tưởng cộng sản. Bởi nếu không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức, có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người chỉ rõ: “Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam” ; “thế hệ thanh niên hiện nay, gái cũng như trai rất tốt và gan dạ; cần tích cực giáo dục họ và kết nạp những người có đủ tiêu chuẩn vào Đảng để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”.

Đó cũng là thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà…” . Bởi vậy, trước lúc đi xa, Người căn dặn trong Di chúc: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Ba là, nhiệm vụ chăm lo cho thanh thiếu nhi là của toàn Đảng, toàn dân, trong đó cán bộ, đảng viên, người đi trước phải là những tấm gương sáng.

Người căn dặn các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quan tâm chăm sóc thanh thiếu nhi, đẩy mạnh công tác thanh thiếu: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ…, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực. Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt. Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt.”

Theo Người, “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc” . Bác dạy giáo dục thiếu nhi “phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người già sớm”; việc dạy chữ phải luôn đi đôi với việc dạy các em làm người; việc chăm sóc luôn phải đi đôi với việc bảo vệ thiếu nhi, giáo dục trong tổ chức Đội…

Để làm tốt công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Bác đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ và các thế hệ cha, anh, những người đi trước. Theo Bác, thế hệ đi sau phải tiến bộ hơn thế hệ đi trước mới tốt, nếu thế hệ đi sau không bằng thế hệ đi trước, như thế là thụt lùi, là đáng phê bình, đó cũng là khuyết điểm của người lớn tuổi, thế hệ cha anh.

Bốn là, phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ với thanh thiếu nhi và phải độ lượng, dìu dắt và đặc biệt quan tâm đến công tác thanh thiếu nhi.

Theo Hồ Chí Minh, thanh thiếu nhi sống trong điều kiện mới, tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với thế hệ trước. Vì vậy, không nên xem xét, đánh giá thanh thiếu nhi theo quan điểm “trước sao nay vậy”, “Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực” . Cần chú trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt; đặc biệt là cán bộ đảng viên, các thế hệ đi trước phải là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên lâu năm không nên có thái độ gia trưởng đối với thế hệ trẻ, mà ngược lại, càng nên quan tâm giúp đỡ đào tạo họ, để họ làm việc tốt hơn mình. Người từng dạy: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ” . “Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm…” .

Năm là, xây dựng Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi vững mạnh.

Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng.

Công tác thanh thiếu nhi được đặc biệt coi trọng. Nội dung bao quát trong toàn bộ công tác này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình thành lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên. “Hồng” theo tư tưởng của Người là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”; còn “chuyên” có thể hiểu là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự . Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương sẽ săn sóc hơn nữa đến công tác của Đoàn, để phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt” .

 Tấm gương Hồ Chí Minh chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu nhi

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu nhi; dành nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành công dân tốt, tích cực tham gia cách mạng, cống hiến tài năng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tìm hiểu về những năm tháng của Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động vừa học tập để tìm ra được con đường cứu nước, cứu dân đã là cho thấy đó là tấm gương sáng ngời về lý tưởng thanh niên.

Do sớm nhận thức được vị trí, vai trò, sức mạnh to lớn của tuổi trẻ, nên sau khi từ Liên Xô về Quảng Châu – Trung Quốc hoạt động những năm 1924-1927, việc đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc tập hợp lực lượng thanh niên Việt Nam yêu nước để thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; tổ chức huấn luyện chính trị, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho thanh niên, tạo nên những người cán bộ nhiệt huyết, chủ chốt đầu tiên của Đảng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng.

Tiếp đó, Người lựa chọn người thanh niên ưu tú gửi học Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu) như Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Vũ Hồng Anh, Nguyễn Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Thiết Hùng… và chọn người gửi đi học ở Đại học Cộng sản Phương Đông (ở Mátxcơva, Liên Xô) như đồng chí Trần Phú, Phùng Chí Kiên…, còn phần đông được cử về Việt Nam gây dựng tổ chức, phát triển phong trào cách mạng. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn sắp xếp cho 8 cháu tuổi từ 8 đến 15, là con em các gia đình có truyền thống cách mạng ở Việt Nam, gửi vào học tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu), gồm các cháu Trọng, Thông, Đức, Thuận, Chất, Minh, Chử, Đỉnh”, tạo lớp kế cận cho cách mạng nước nhà .

Sau thắng lợi Chiến dịch Biên Giới năm 1950, con đường liên lạc giữa ta với các nước Xã hội Chủ nghĩa được khai thông, quân đội ta giành được thế chủ động trên chiến trường chính, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đào tạo một lớp cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật để phục vụ công cuộc kháng chiến trước mắt và kiến thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Vì điều kiện trong nước khó khăn nên Người đã đề nghị thành lập Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc); cho xây dựng thêm cơ sở tại Thành phố Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) để học sinh của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam đến học tập. Do lúc đầu thành lập tại Lư Sơn, sau chuyển đến Quế Lâm nên thường gọi là Trường Thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm.

Sau này, dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng đối với các cháu thiếu nhi Bác Hồ vẫn thường gửi thư cho các cháu vào dịp khai trường, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi…với lời lẽ ân cần, trìu mến, căn dặn các cháu đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. 
Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước đề ra những chính sách về thanh thiếu nhi phù hợp với tình hình cách mạng qua từng thời kỳ, đặc biệt là về mặt giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên. Ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tháng 9-1945, Bác gửi thư với lời lẽ thật chân tình, đầy xúc động, tin tưởng vào sức mạnh của tuổi trẻ đối với tiền đồ của đất nước.
Tết Trung thu năm 1952, Bác viết thư gửi thiếu nhi, căn dặn: Thi đua học và hành, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình. Ngày 15- 5 – 1961, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong, Bác Hồ gửi thư đến thiếu nhi cả nước. Trong thư Bác viết: thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hăng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc, như Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều cháu khác. Từ ngày hòa bình trở lại, ở miền Bắc có Đảng lãnh đạo, có Đoàn giúp đỡ, các cháu đều chăm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu và đưa ra 5 lời dạy thiêng liêng: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, giữ gìn vệ sinh, thật thà dũng cảm .

Trong “Thư gửi các cháu và các cán bộ các trường miền Nam” (1-6-1955), ngoài việc chúc các cháu Nhi đồng nhân dịp ngày 1/6, Bác Hồ căn dặn cán bộ làm công tác nhi đồng rằng: không có công tác gì vẻ vang bằng việc chǎm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, các cô, các chú phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên “đứng núi này trông núi nọ”, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị. Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy. Trong công tác, trong học tập, các cô, các chú nên cố gắng thi đua, trao đổi kinh nghiệm, để cùng nhau tiến bộ không ngừng…

Xúc động nhất là ngày 1-6-1969, dù sức khỏe của Bác đã kém đi nhiều, nhưng trên Báo Nhân Dân số 5526 ngày 1-6-1969 vẫn có bài viết của Bác về thiếu niên, nhi đồng, có tựa đề: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”, trong đó Bác nêu: “Nói chung trẻ em ta rất tốt. Ở miền Nam các cháu rất dũng cảm, hăng hái giúp đỡ bộ đội, gia đình kháng chiến, nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều thi đua “làm nghìn việc tốt”, hàng trăm cháu được thưởng Huy hiệu Bác Hồ, hơn 2 triệu cháu là “Cháu ngoan Bác Hồ” và Người khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

Trong Di chúc, Bác Hồ hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” .

Không chỉ dành tình yêu thương, quan tâm cho các cháu thiếu nhi Việt Nam, mà tình yêu thương rộng lớn của Hồ Chí Minh còn dành cho cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Người giành cho nhân loại.

Ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu” .

(Nguồn: Trung ương Đoàn)