Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc

604

GS.TS Hoàng Chí Bảo (nguyên ủy viên Hội đồng lý luận trung ương) – người có hơn 40 năm nghiên cứu và 27 năm chia sẻ các câu chuyện về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ – nói nếu tính từ ngày Bác viết bản di chúc đầu tiên, “số tuổi” Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã là 54.

* 2 lần sửa và 3 bản di chúc

Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, Bác đã tự tay đánh máy bản di chúc đầu tiên vào ngày 10-5-1965. Khi hoàn thành bản di chúc, Bác đề cuối dòng ngày 15-5-1965. Năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mừng sinh nhật 75 tuổi.

Dẫn câu Nhân sinh thất thập cổ lai hy của nhà thơ đời Đường (Trung Quốc) Đỗ Phủ, Bác nói mình thuộc vào lớp người “xưa nay hiếm”. Dù tự nhận “tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, Bác tự đặt câu hỏi: “Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?”.

Thế nên, “Tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” như một lý do Bác giải thích cho việc bắt tay viết di chúc.

Lần sửa thứ nhất năm 1968, Bác viết bổ sung một số đoạn. Người viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn khác.

Đó là các đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Trong đó đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc đối với thương binh, Bác viết rồi lại gạch chéo. Đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, chuẩn bị thống nhất đất nước, Bác gạch dọc ở bên trái ngoài lề.

Lần thứ hai, Bác sửa di chúc vào ngày 10-5-1969, bốn năm sau khi tự đánh máy bản đầu tiên. Thời điểm này vào khoảng bốn tháng trước khi Bác đi xa mãi mãi. Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu của di chúc.

* Bản Di chúc chính thức được công bố

Ngày 2-9-1969, Bác qua đời. Bộ Chính trị quyết định công bố Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965. Trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Người viết năm 1968 và 1969.

Bản chính thức này lấy nguyên văn đoạn mở đầu Bác viết năm 1969. Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào Cộng sản thế giới, là nguyên văn bản Bác viết năm 1965.

Trong đoạn “về việc riêng”, năm 1965 Bác dặn dò việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro xương cho miền Nam. Đến năm 1968, Bác viết lại đoạn này, dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp. Ngoài ra Bác bổ sung một đoạn nói về cuộc đời của bản thân.

Đoạn Bác viết về bản thân năm 1968 được giữ nguyên văn trong bản công bố, trừ đoạn nói về hỏa táng. Đoạn cuối cùng trong Di chúc được Bác viết từ năm 1965 và cả hai lần sửa sau đó Người đều không sửa lại hoặc viết thêm.

Bộ Chính trị (khóa XI) khẳng định bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc. Và việc chọn bản di chúc Bác viết năm 1965 để công bố là đúng đắn vì là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc đó.

Trong bản đã công bố, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ sửa lại một câu. Đó là năm 1965 Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa” thì bản công bố chính thức sửa lại thành: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng. Bộ Chính trị (khóa III) cho rằng cần thiết phải giữ gìn thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm với Người.

Vì lẽ đó, chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn. Đó cũng là thể theo nguyện vọng, tình cảm của nhân dân.

* Đọc từng chữ, soi rọi bản thân

Giữa những ngày cả nước có nhiều hoạt động đợt 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), hẳn mỗi người sẽ có cho mình cách riêng để đọc, ngẫm về những lời dặn dò ấy.

Chị Phùng Thị Diệu Hương (Trường Đại học Kinh tế – luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói mỗi lời trong Di chúc là từng lời dặn cô đọng mà chị cảm nhận được tâm nguyện, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

“Tôi thấm thía khi Người nói về đoàn viên, thanh niên, những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bác nhấn mạnh bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”” – chị Diệu Hương chia sẻ.

Anh Lâm Thanh Minh (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng Di chúc của Bác là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách.

Từ góc nhìn của một đảng viên trẻ, anh Minh bày tỏ: “Điều Bác nói về Đảng đến hôm nay vẹn nguyên giá trị. Trong xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta phải thẳng thắn phê phán, đấu tranh kiên quyết với những hạn chế, khuyết điểm, những tư tưởng, hành vi không đúng, nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất… của một bộ phận cán bộ, đảng viên”.

* Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Trò chuyện với các bạn trẻ TP.HCM mới đây, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhắn rằng không chỉ hơn nghìn chữ trong Di chúc mà từng câu, từng chữ trong mỗi tác phẩm Bác viết ra đều rất giản dị, dễ hiểu, luôn hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Dẫn Di chúc của Bác khi nói về Đảng, GS Bảo chỉ ra Bác dặn Đảng không chỉ cần đoàn kết, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên phê bình và tự phê bình, giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

“Điều quan trọng Bác nhấn mạnh chính là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bác không bao giờ nặng lời khi góp ý, phê bình. Bác dặn phê bình việc chứ không phê bình người.

Nên học Bác phải nhớ rằng Bác xa lạ với chủ nghĩa lãnh tụ, chủ nghĩa quyền uy vì Bác coi mình là người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra trận” – GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

(Theo Báo Tuổi trẻ.vn)