BÁC HỒ TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO TÂY BẮC

437

Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ đã dành thời gian lên thăm nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Ngày 7-5-1959, đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đón Bác về thăm tại Thuận Châu, thủ phủ của khu Tây Bắc.

Được tin Bác Hồ lên thăm, đồng bào các dân tộc ở quanh khu vực Thuận Châu, huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu) và đồng bào từ các bản xa không quản đèo dốc mang theo quà, cờ hoa nô nức đi đón Bác. Tại sân vận động huyện Thuận Châu, gần 10.000 đồng bào, đại diện cho hơn 430.000 nhân dân các dân tộc Tây Bắc lúc bấy giờ đến dự cuộc mít tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đón Bác Hồ.

Khi Bác và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tiến vào lễ đài, tiếng hô: “Pú Hồ, Pú Hồ xen pi” (Hồ Chủ tịch muôn năm), từng đợt, từng đợt vang lên. Bác Hồ giơ tay vẫy chào thân thiết và ra hiệu cho mọi người im lặng. Cả rừng người im phăng phắc, lắng tai nghe. Bác khen ngợi bộ đội, cán bộ và đồng bào Tây Bắc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống phong kiến, truy quét thổ phỉ cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Bác nói: Ngày trước, đồng bào bị giặc Tây áp bức, bây giờ, không còn giặc Tây nữa. Ngày trước, nhân dân không có ruộng, bây giờ, nhờ có Đảng và Chính phủ, nhân dân có ruộng, như thế là đời sống đồng bào có phần sung sướng. Bác mong muốn đồng bào các dân tộc đoàn kết giúp nhau tăng gia sản xuất, đuổi giặc đói, giặc dốt, đoàn kết bảo vệ bản làng, cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ. Nếu đế quốc Mỹ muốn xâm lược nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó.

Bác trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước thưởng cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Người ân cần căn dặn: “Đồng bào, bộ đội, cán bộ Tây Bắc cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa”. Khi nói xong, Bác hỏi một câu bằng tiếng Thái: Pi noọng hụ báu (Đồng bào có hiểu không?). Một phút ngỡ ngàng, rồi chợt hiểu ra, cả rừng người sôi động: “Thưa Bác, hiểu ạ”. Nhiều người chưa kịp trả lời, nghẹn giọng xúc động, nhiều cụ già, em nhỏ thấm vội những giọt nước mắt sung sướng trước sự quan tâm sâu sắc của Bác. Cuộc mít tinh biến thành cuộc diễu hành, biểu dương lực lượng đại diện các giới, các đoàn thể tiến qua lễ đài. Ai cũng hướng về Bác để được khắc sâu hơn hình ảnh Người. Bác lưu luyến vẫy tay chào.

Sáng ngày 8-5-1959, Bác đến Yên Châu. Hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện Yên Châu tổ chức mít tinh đón Bác và đoàn đại biểu Chính phủ tại bản Khoóng, xã Chiếng An. Khi Bác đến, mọi người cùng hướng về phía Bác, những tràng vỗ tay không ngớt, sung sướng trào nước mắt. Phong cách giản dị, lời nói ấm áp của lãnh tụ, thân thiết, gần gũi như ruột thịt đã chinh phục tình cảm của đồng bào. Người khuyên: “Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng vẫn phải anh dũng. Anh dũng trong mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc, bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ…”.

Bác dặn dò cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đầy tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu, cưỡi cổ nhân dân. Tức là, cán bộ phải chăm sóc đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được đời sống, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi”. Bác còn hỏi nhiều về sản xuất và hướng dẫn đồng bào áp dụng cải tiến kỹ thuật, làm thủy lợi, làm phân bón ruộng… một cách cụ thể, dễ hiểu. Thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác, đồng bào Yên Châu kính tặng Bác chiếc khèn. Trước mọi người, Bác đưa chiếc khèn lên thổi. Tấm ảnh Bác thổi khèn được lưu giữ tại kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hiện nay chính là tấm hình ghi lại tấm lòng Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc, đồng bào Yên Châu.

Từ Yên Châu, Bác đến thăm nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Niềm vui, nỗi hồi hộp xen lẫn, ai cũng muốn được thấy Bác đầu tiên, ai cũng muốn gần Bác nhất để được ngắm, được thỏa lòng mong ước bấy lâu. Bác vẫy tay chào, Bác hôn các cháu thiếu nhi. Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống sản xuất của đồng bào, của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 335 đóng trên Mộc Châu. Rồi Bác thăm Nông trường Mộc Châu. Ngày Bác về thăm Mộc Châu cũng là ngày đầu tiên thành lập Nông trường Mộc Châu.

Nguồn: BQL Lăng CT HCM