Nhiều thí sinh muốn thành chiến sĩ

161

Tuổi Trẻ tổ chức ở Khánh Hòa đều mong muốn nối nghiệp cha.

Thí sinh được các thầy tư vấn trực tiếp về nhóm ngành tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2011 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: MINH ĐỨC

Hơn 2.000 học sinh Khánh Hòa đã đến Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2011 do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp tổ chức chiều 16-1.

Trước giờ khai mạc, trong nhóm học sinh đến tham dự chương trình, chúng tôi tình cờ gặp bạn Nguyễn Hà Ái Huyền. Huyền cho biết trong những ngày này cha bạn đang theo tàu cung cấp nhu yếu phẩm cho quần đảo Trường Sa. Huyền nói đây là một trong những chuyến công tác dài ngày của ba mà Huyền đã quen thuộc từ khi còn nhỏ. “Đó là công việc của ba và em biết mình phải cố gắng nhiều hơn khi không có ba ở bên cạnh” – Huyền bộc bạch. Không chỉ có Huyền, chương trình chiều 16-1 đã đón và tư vấn cho gần 100 học sinh là con em chiến sĩ, cán bộ các đơn vị hải quân đang phục vụ tại quần đảo Trường Sa.

Muốn nối nghiệp cha

Vũ Thái Trung – học sinh giỏi lớp 12A2 Trường THPT Ngô Gia Tự – có cha công tác trong hải quân thỉnh thoảng mới về nhà, nên những tâm tư của chàng trai tuổi mới lớn đôi khi mới được thổ lộ cùng ba. “Lúc nhỏ cái gì cũng có thể nói với mẹ, nhưng lớn rồi có những cái không thể nói với mẹ được, phải chờ ba về. Em tính thi vào một ngành kỹ thuật bởi ba em là thợ sửa chữa máy. Đó là sở thích và cũng là định hướng của ba, em muốn theo ba làm những việc mà ba đã làm lâu nay. Đó là niềm tự hào của em” – Trung tự tin cho hay.

Trong khi đó, Khổng Thị Phương Thảo – học sinh tiên tiến lớp 12A2 Trường THPT Ngô Gia Tự – có ba phục vụ ở lữ đoàn 957 Vùng 4 hải quân. Ngay từ nhỏ, ba chị em Thảo đã quen với cuộc sống thiếu vắng ba mẹ hằng ngày. Ba đi công tác vài tháng mới về một lần, mẹ cũng phục vụ trong quân đội nên đi từ sáng tới tối mới về.

Mọi chuyện ở nhà ba chị em phải tự xoay xở. “Cuộc sống không có ba mẹ hằng ngày nên có nhiều khó khăn so với các bạn khác. Ít được gặp bố mẹ nên các chị em phải tự lập hơn, tự biết chuyện gì đúng – sai mà làm. Cuộc sống vắng ba mẹ đôi khi cảm thấy thiếu thốn và trống vắng, nhưng nghĩ lại ba mẹ đang phục vụ quân đội, bảo vệ Tổ quốc nên mấy chị em rất tự hào và cố gắng nhiều hơn” – Thảo chia sẻ.

Năm nay Thảo dự tính thi vào Trường ĐH Ngoại thương khối D. “Em có năng khiếu về môn văn nên dự định thi khối D. Ba mẹ cũng góp ý chứ không buộc em thi trường nào. Học sinh tiên tiến nên việc chọn trường cũng khó, vì thế em nhờ thầy cô tư vấn trường thi cho phù hợp” – Thảo nói thêm.

 

Cơ hội cho thí sinh nghèo

Quá nhiều câu hỏi dành cho ban tư vấn nhóm ngành kinh tế. Trong đó câu hỏi “Cơ hội thành công ngành quản trị kinh doanh của học sinh nghèo có ít hơn học sinh giàu?” của một thí sinh khiến ban tư vấn phải dành nhiều thời gian để tư vấn, chia sẻ. Th.S Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ: cơ hội nghề nghiệp không phân biệt xuất thân nghèo hay giàu. Cơ hội việc làm phụ thuộc vào kiến thức, khi ra trường doanh nghiệp không hỏi em nghèo hay giàu, chỉ cần chứng minh mình đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp ở mức nào. Nhiều thành viên ban tư vấn cho biết thí sinh nếu trúng tuyển nhưng không đủ tiền vẫn có rất nhiều cơ hội để đi học, chẳng hạn vay tín dụng, xin học bổng của các trường, tổ chức… Trong đó một trong những chương trình hỗ trợ rất lớn hiện nay là chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Chương trình này sẽ không để thí sinh nào đậu ĐH mà không có tiền đi học.

Các học sinh đến tham dự chương trình từ rất sớm. Học sinh các trường THPT tại TP Cam Ranh và các huyện lân cận đã đến tham gia, nhưng không phải tất cả học sinh đều có cơ hội đến với chương trình. Anh Võ Khánh Hưng – bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Cam Lâm) – cho biết do điều kiện đi lại xa xôi nên trường chỉ chọn 250 học sinh tiêu biểu tham gia chương trình.

Các em đi về sẽ truyền đạt lại cho những bạn không được đi. Thầy Nguyễn Quang Đường – hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự – chia sẻ: “Đây là chương trình rất ý nghĩa giúp học sinh phần nào hiểu và định hướng tương lai cho mình. Không phải học sinh nào cũng có điều kiện vào Internet hay mua báo chí, hơn nữa việc được gặp gỡ, tư vấn trực tiếp với các thầy cô sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Trường công an chỉ xét tuyển NV1

Nhóm ngành khoa học xã hội – luật – ngoại ngữ – báo chí nóng với quá nhiều câu hỏi liên quan đến hệ thống trường quân đội – công an. Ngành khảo cổ học, các ngành học khối C cũng được quan tâm đặc biệt. Muốn thi công an phải qua sơ tuyển ra sao? Điều kiện dự thi với nữ như thế nào? Nếu bị loại khi sơ tuyển có được thi trường khác hay không?

Các câu hỏi này đã được TS Phạm Tấn Hạ – phó trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM – giải đáp: vòng sơ tuyển vào các trường ngành công an yêu cầu các tiêu chí: học lực trung bình, điểm trung bình các môn thi ĐH từ 6 trở lên (đối với nam). Đối với nữ học lực phải khá trở lên và điểm trung bình các môn thi ĐH phải từ 7 trở lên.

Ngoài ra về chính trị: thí sinh có lý lịch rõ ràng, phải trung thực về bản thân và gia đình. Phải khai thật kỹ để cơ quan sơ tuyển xét. Về đạo đức, bậc phổ thông có hạnh kiểm khá tốt, phải là đoàn viên. Về sức khỏe: nam cao 1,64m trở lên (nặng từ 48kg trở lên), nữ từ 1,58m trở lên (nặng từ 45kg trở lên).

Hai mắt bình thường, không nói lắp, nói ngọng; các ngón tay, ngón chân bình thường, không mắc bệnh về khớp, không được nhuộm tóc, không xăm mình, không nghiện các chất ma túy… Các bạn phải liên hệ công an quận huyện nơi thường trú để nắm thông tin thời gian sơ tuyển. Thường chỉ tiêu tuyển nữ của các trường không quá 10%. Chỉ tiêu bao nhiêu do công an địa phương đề xuất để Bộ Công an duyệt.

Tuy nhiên, học những ngành khác cũng có thể làm trong ngành công an, an ninh. Sơ tuyển không đạt vẫn có thể dự thi vào các trường ĐH khác ngoài khối ngành công an. Để chắc ăn, các bạn nên nộp nhiều hồ sơ vào các trường ngoài công an, để nếu không qua được vòng sơ tuyển chúng ta cũng có thể dự thi ĐH.

TS Lê Thị Thanh Mai, phó trưởng ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM, bổ sung: nếu rớt NV1 vào các trường quân đội, công an có thể dùng kết quả này xét tuyển NV2 vào các trường ĐH khác ngoài ngành công an. Các trường khối ngành công an hầu như chỉ xét NV1, không xét NV2.

Giải tỏa nỗi băn khoăn về cơ hội việc làm những ngành học khối C, thầy Hạ phân tích: ngành nghề khối C ít hơn các khối khác, tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì cơ hội việc làm các ngành khối C là rất lớn. Vấn đề là các bạn có đậu hay không và học tốt hay không. Hiện nay các bạn thường chọn khối thi theo phong trào, nên nhiều bạn học khá khối C hơn nhưng vẫn chọn khối A theo bạn bè. Đừng bao giờ lựa chọn ngành theo số đông mà phải dựa vào sở trường của mình.

Chiều cao khiêm tốn có thể theo ngành du lịch được không? Học tiếng Anh du lịch có thể theo ngành này? Nỗi ưu tư này đã được TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: vấn đề không phải là chiều cao mà là năng lực mỗi người. Tiếng Anh du lịch có thể làm trong ngành du lịch. Tuy nhiên để làm tốt về du lịch như quản trị lữ hành, hướng dẫn thì phải được đào tạo về chuyên môn. Một số ngành yêu cầu về ngoại hình nhưng nếu chúng ta không có ngoại hình có thể bổ sung bằng kiến thức, kỹ năng của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Theo Tuổi Trẻ Online