Sau khi đề nghị và được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, mùa Đông năm 1938, Bác Hồ đến Trung Quốc với tên là Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá, tìm cách về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 2-1940, mang bí danh “ông Trần”, Bác đến nhà ông bà Tống Minh Phương, Việt kiều ở 76 đường Kim Bính trong nội thành Côn Minh và Người đã chắp được mối liên hệ với Đảng và phong trào cách mạng trong nước qua Ban Công tác Hải ngoại của Đảng.
Ngày 15-6-1940, Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22-6-1940, Pháp đầu hàng Đức vô điều kiện. Trước tình hình mới, Bác Hồ (lúc này với một tên mới là đồng chí Vương) đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại và Người đã phân tích “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Lịch sử mãi mãi nhớ ghi: Ngày 28-1-1941, đất nước đón một người con của dân tộc, trước đó 30 năm đi tìm chân lý để về giúp đồng bào trong tình cảm:
Bác đã về đây Tổ quốc ơi,
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người.
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
(Tố Hữu)
Được sự giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, ngày 8-2-1941, với tên gọi mới là Già Thu, Bác vào ở và làm việc tại hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo của dãy núi hùng vĩ. Tại hang Cốc Bó, Bác đã tạc trên phiến nhũ đá bức tượng Các Mác, nên Bác đặt tên là núi Các Mác, ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Đồ đạc không có gì ngoài chiếc va li mây đựng tài liệu, cái máy chữ và chiếc sàn nằm bằng tấm gỗ. Ban ngày, Bác ra bờ suối nơi đầu nguồn (mà Bác đặt tên là suối Lênin), những người giúp việc Bác đã tạo ra cho Bác một cái bàn và một cái ghế bằng những tảng đá ghép lại để Bác làm việc. Và “sáng ra bờ suối, tối vào hang”, Người bắt đầu chăm lo sự nghiệp lớn “hai tay gây dựng một sơn hà”.
Tháng 5-1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó). Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Lúc này Mặt trận Việt Minh là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng:
“Chúng ta có hội Việt Minh. Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh” (10 chính sách của Việt Minh).
Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng 8 và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn, người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do.
Hai năm 1941, 1942 ở Cao Bằng, Bác viết rất nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu Tổ quốc, như: Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập (1-8-1941); Mười chính sách của Việt Minh (1941); Dân cày (22-8-1941); Phụ nữ (1-9-1941); Công nhân (11-10-1941); Ca đội tự vệ (1-2-1942); Hòn đá (21-4-1942); Lịch sử nước ta (2-1942). Với tác phẩm này, Bác đã đưa ra một dự đoán thời gian nước nhà độc lập “Việt Nam độc lập: 1945”. Và thực tế lịch sử đã chứng minh đúng sự thiên tài này của Người 2-9-1945, nước Việt Nam mới của ta đã ra đời; Kính cáo đồng bào (6-6-1941) – thể hiện rất rõ tư tưởng về giải phóng dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”…
Về việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng, Bác viết tác phẩm “Cách đánh du kích” (1941). Tác phẩm đã góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu cho đảng viên và quần chúng cách mạng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm lịch sử và bước đầu nêu lên một số vấn đề về đường lối quân sự, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang.
Cùng với việc chuẩn bị tài liệu cho huấn luyện, Bác cho mở lớp quân sự đầu tiên tại Pác Bó. Bác gọi đây là lớp tổ du kích Pác Bó và giao cho đồng chí Đinh Sửu (tức đồng chí Trương Thiết Hùng – sau này là vị tướng trong quân đội) phụ trách lớp. Những học viên của lớp có kể lại chuyện Bác dạy cho bài về sự thượng tôn dân tộc: Hôm đó đến môn bồng súng chào, cả lớp đang bí không biết chào theo kiểu gì, thì được Bác đến thăm. Bác hỏi:
– Có gì khó không?
Sau khi đồng chí Đinh Sửu báo cáo, Bác hỏi:
– Tây chào kiểu nào?
Đồng chí Đinh Sửu làm mẫu. Bác lại hỏi:
– Tàu chào kiểu nào?
Đồng chí Đinh Sửu lại cầm súng làm mẫu. Bác nói:
– Thế theo kiểu không Tây, không Tàu được không?
Và Bác bày cho cả lớp làm: Nâng súng lên, hơi ngả mũi súng về phía trước, cho báng súng áp sát vào đùi, súng và người tạo thành chữ V. Nhìn các đồng chí học viên của lớp làm một lượt, Bác bảo:
– Được đấy, chào theo kiểu Việt Minh.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, mang bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”: “Trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, góp sức cùng với dân tộc bách chiến, bách thắng.
Bác đã dạy: “Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chiến thắng”, nên khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai chuyển biến có lợi cho phe Đồng Minh, Bác đã xác định nhiệm vụ cho cách mạng nước ta “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng Minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm, hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”;
Đêm 9-3-1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình mới, để có điều kiện kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước, từ đầu tháng 5-1945, Bác cho chuyển “đại bản doanh” của cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng – hình ảnh một nước Việt Nam mới cho thế trận tổng khởi nghĩa. Tháng 8-1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào. Bác đã ra chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi, Đại hội Quốc dân Tân Trào cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đã hoàn thành nhiệm vụ như của một Quốc hội dân cử. Đại hội đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, biểu thị ý chí và quyết tâm đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn vào 19-8-1945 và 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Qua những dẫn chứng trên đây, rõ ràng là Pác Bó – Cao Bằng, trong đó Cốc Bó, Khuổi Nậm là điểm khởi nguồn sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Đảng, của Bác Hồ, đảm bảo chắc chắn cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới thành công, như Bác Hồ đã khẳng định trong lần về thăm lại nơi đây (2-1961):
Hai mươi năm trước ở hang này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật – Tây.
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Rõ ràng những sự kiện lịch sử, những sự chuẩn bị trên đây là cơ sở chắc chắn cho sự thắng lợi tất yếu của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, là cả “một kho lịch sử bằng vàng” về ngày độc lập dân tộc mà Bác Hồ đã viết nên từ 73 năm trước.
TS. Trần Viết Hoàn – Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
(Theo Công an nhân dân)