Trang chủ Theo dấu chân Bác Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sáng mãi trong...

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng dân tộc

310

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, nhà hoạt động cách mạng rất chuyên nghiệp. Bác đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn sáng mãi trong lòng dân tộc.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với phong trào giải phóng dân tộc, áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam để giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; sáng lập các lực lượng vũ trang nhân dân.

Người đã dành trọn cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người là linh hồn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân…“Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta2.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng dân tộc
Tại Đại hội lần thứ 3 những người viết báo Việt Nam (tháng 9-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Ảnh Tư liệu.

2. Đạo đức Hồ Chí Minh là biểu hiện của ý thức xã hội và thực tiễn xã hội, là một trong những biểu hiện của sự thống nhất tư tưởng, chính trị và đạo đức của xã hội mới.

Đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện bởi tấm gương và hiện thân đạo đức của Người, thể hiện bởi tình yêu đất nước, tình yêu nhân dân vô bờ bến, thể hiện trong mối quan hệ giữa người với người, của tinh thần nhân đạo cao cả, ở sự hài hòa giữa đạo đức và cái đẹp, giữa văn hóa và văn minh cao cả.

Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ở tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Ngày 25-4-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai về vấn đề đại đoàn kết. Người nói: “Năm 1951, cuộc kháng chiến của chúng ta tuy gặp những điều kiện cực kỳ gay go, nhưng trong cuộc Đại hội hợp nhất Việt Minh-Liên Việt, tôi có nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Những thắng lợi chúng ta giành được trong mấy năm qua đã chứng thực điều đó. Ngày nay, đồng bào miền Bắc thì hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng bào miền Nam ruột thịt thì anh dũng phấn đấu giành dân chủ tự do, vậy để kết luận, tôi xin phép nhắc lại: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”1.

Một chiếc đũa có thể bẻ gãy, nhưng một bó đũa thì không thể bẻ gãy. “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả2. Đó cũng chính là sức mạnh của tư tưởng và đạo đức về đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ở nếp sống trong sạch, giản dị, tác phong gần dân, thân dân, quan tâm đến đời sống nhân dân, là người bạn thân thiết của nhân dân lao động.

Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ở việc chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức: “Đảng là đạo đức, là văn minh. Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no3.

Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, nhóm lợi ích tiêu cực, một lòng một dạ phấn đấu vì sự nghiệp chung. Theo Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân3.

3. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện ở lối sống, nếp sống, cách hành động, sinh hoạt, xử sự của Người đối với mọi người trong xã hội và đối với bầu bạn quốc tế; những đặc điểm có tính chất hệ thống về tư duy; cách lãnh đạo; cách làm việc, chỉ đạo công việc; cách viết, cách nói sao cho ngắn gọn, đầy đủ, gắn được lý luận và thực tiễn.

Phong cách tư duy của Người là cách suy nghĩ, tầm nhìn xa trông rộng, nhìn toàn cục để giải quyết những vấn đề cục bộ; cách đối nhân xử thế, cách vận dụng của Người đối với con người và công việc. Tư duy của Người bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển của xã hội, tồn tại trong một mối liên hệ không thể tách rời giữa xã hội và con người, giữa lời nói và việc làm, đề xuất vấn đề và giải quyết vấn đề một cách khoa học. Kết quả của một quá trình tư duy bao giờ cũng là một ý nghĩ nào đó, khả năng phản ánh thực tại, tập trung những tri thức của Người để đi đến những kết luận mang tính lý luận và tính thực tiễn sâu sắc.

Phong cách lãnh đạo của Người thể hiện nguyên tắc dân chủ và tập trung; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo Người, để có quyết định đúng cho mọi trường hợp, trước hết, phải có sự bàn bạc dân chủ thấu đáo trước khi đi đến quyết định thống nhất, đó là tập trung. Không có dân chủ không thể có tập trung và tập trung phải trên cơ sở dân chủ.

Tùy theo từng đặc điểm của mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng phong cách lãnh đạo khác nhau, sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, để rồi có những quyết sách đúng.

Phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bám sát thực tiễn để không rơi vào tình trạng lý luận suông. Theo Người, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nên phải đi đúng đường lối quần chúng, mọi chính sách phải phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, xa rời nhân dân là phạm sai lầm về phong cách của người lãnh đạo.

Phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự kiểm tra,  thanh tra cán bộ, đảng viên và kiểm tra, thanh tra công việc; theo dõi chặt chẽ việc làm của cán bộ, đảng viên cũng là cách để kiểm tra, thanh tra công việc của mỗi người.

Phong cách làm việc và chỉ đạo công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát ở sự sâu sát đối với từng công việc; dám nghĩ, dám làm, điều tra, nắm tình hình thật chắc trước khi đưa ra những quyết sách phù hợp, có như vậy, quyết sách đưa ra mới đúng và hợp lòng dân.

Về thời gian, phong cách Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, phải bảo đảm đúng thời gian, biết tiết kiệm thời gian, dành thời gian để lo những công việc trọng đại của đất nước. Trong tất cả các loại tiết kiệm, thì tiết kiệm thời gian là quý giá nhất.

Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở cách viết, cách nói sao cho ngắn gọn, đầy đủ, gắn được lý luận và thực tiễn, tránh viển vông dông dài. Người căn dặn: “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”1.

Phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với tác phong Hồ Chí Minh. Đó là cách thức thực hiện một chủ trương, ý định nào đó mang dấu ấn riêng của Người là linh hoạt trong nguyên tắc một khi xử sự những vấn đề nào đó; là sự kết hợp giữa lý và tình, giữa cái chung và cái riêng, giữa nội dung và hình thức, giữa bản chất và hiện tượng.

Đó là những vấn đề cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách, tác phong Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách, tác phong Hồ Chí Minh là sự hội tụ tinh hoa văn hóa thiêng liêng nhất, luôn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 21.

1 Báo “Nhân Dân, số 2593, ngày 26-4-1961 – Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 10t, tr. 349, 350.

2 Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 78-93 – Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 12, tr. 549.

3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 403.

3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 12, tr. 557, 558..

1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996,, tập 12, tr. 559.