Đảng viên trẻ tiên phong thực hiện lời dạy của Bác

313

Ngày nay, việc thực hiện lời dạy của Bác là nội dung đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước…

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.

Tiếp thu lời dạy của Bác, thế hệ đảng viên trẻ hôm nay luôn tích cực tu dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng để đủ phẩm chất, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tại diễn đàn “Đảng viên trẻ tiên phong các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, anh Võ Đặng Hà Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện lời Bác dạy, anh đã đặt mục tiêu, sắp xếp thời gian một cách tiết kiệm nhất, mọi việc phải có lịch trình cụ thể, rõ ràng, để vừa có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa phụ giúp được gia đình.

Diễn đàn “Đảng viên trẻ tiên phong các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. (Ảnh: Cẩm Linh)
Diễn đàn “Đảng viên trẻ tiên phong các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. (Ảnh: Cẩm Linh)

“Phải gương mẫu thì tôi mới có thể nhắc nhở đoàn viên, thanh niên trong xã làm theo, rồi từ đó thuyết phục người dân trong xã thực hành tiết kiệm từ những cử chỉ rất nhỏ như tắt đèn, tắt máy tính, các thiết bị điện khi không sử dụng, vặn nước chỉ đủ dùng… Đoàn xã Phú Hưng cũng đã triển khai mô hình nuôi heo đất, tiết kiệm một ly cafe, một tờ vé số…để góp quỹ giúp 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp bước đến trường”, anh Hà Giang cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, chị Bùi Thị Hải Yến, Phó chánh Văn phòng Tỉnh đoàn Nam Định cho rằng, trong công việc và cuộc sống hằng ngày, đảng viên trẻ cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp. Tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như chơi điện tử, nói chuyện phiếm trên zalo, facebook cả tiếng đồng hồ, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống. Thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm giảm chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải làm ô nhiễm môi trường.

Với Bí thư Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Hoàng Anh Biên, nếu như tính “cần, kiệm” ngày nay thể hiện qua cách làm việc khoa học, hiệu quả, sáng tạo, nỗ lực tăng năng suất lao động, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa quá trình làm việc, cắt giảm các khâu thừa thì chữ “liêm” cần phải đề cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với những cán bộ làm việc ở những ngành, những lĩnh vực nhiều cám dỗ.

Đại biểu nêu ý kiến tại diễn đàn. (Ảnh: Cẩm Linh)
Đại biểu nêu ý kiến tại diễn đàn. (Ảnh: Cẩm Linh)

“Những vụ việc không giữ mình trước cám dỗ của vật chất khiến nhiều cán bộ, công chức trong đó có cán bộ cấp cao sa vào tham nhũng bị xử lý theo quy định của pháp luật là bài học đắt giá cho cán bộ, đảng viên trẻ. Thấm chữ “liêm”, trong công việc, người đảng viên trẻ sẽ có bản lĩnh đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt”. Thực hiện chữ “chính” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải có thái độ rõ ràng trước cái thiện và cái ác, có dũng khí để bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu. Trong công việc, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình để xây dựng tập thể; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong xã hội”, anh Hoàng Anh Biên bày tỏ.

Nhắc đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “chí công vô tư”, Đại úy Đào Thi Sĩ, Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an chỉ rõ, “bệnh tham lam” khiến đảng viên đặc biệt với đối tượng đảng viên là cán bộ, công chức khó có thể “chí công vô tư”.

“Người cán bộ, đảng viên trẻ không đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên, mà chỉ tự tư, tự lợi, dùng của công làm việc tư, dựa vào Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, chỉ vun vén cho quyền lợi của bản thân, không quan tâm xem điều đó có hại cho dân, cho nước hay không, thậm chí còn chà đạp lên lợi ích của dân tộc, của nhân dân khi bị đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân. Tác hại của “bệnh tham lam” rất lớn, nó làm cho công quỹ Nhà nước bị hao mòn, khiến nhân dân căm ghét, mất lòng tin ở cán bộ Đảng, Nhà nước. Vì vậy, người có đạo đức cách mạng phải quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên, người có cương vị giữ các trọng trách càng phải nêu gương chống tham nhũng, lãng phí, biến quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Đảng thành hành động, việc làm thiết thực và cần kíp, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, củng cố sức mạnh đất nước”, Đại úy Đào Thi Sĩ phân tích.

50 năm, khắc sâu lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng tích cực học tập đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành nhu cầu tự thân, là việc làm quan trọng quyết định sự trưởng thành của các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Ngày nay, việc thực hiện lời dạy của Bác là nội dung đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong Di chúc của Người, những điều viết về “cần, kiệm, liêm, chính” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi về sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. “Cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng, mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức. Vì vậy, việc thực hành “tứ đức” sẽ không chỉ giúp người cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình, mà còn tạo ra sức mạnh mềm của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ.”

Theo Dangcongsan.vn