Nêu gương là một nguyên tắc thực hành đạo đức theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Người thường xuyên căn dặn: Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Theo Người, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Dân gian có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn” và hầu như ai cũng biết câu “cán bộ nào, phong trào nấy”, điều đó nói lên ảnh hưởng to lớn của người đứng đầu. Trong thực tế, sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là mệnh lệnh không lời thuyết phục cấp dưới làm theo bởi họ có chức, có quyền. Với quyền lực được giao, người đứng đầu có khả năng chi phối, dẫn dắt các thành viên của tổ chức, cơ quan, đơn vị đi theo hướng tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực của mình và tùy thuộc vào cơ chế kiểm soát quyền lực đó. Sức cảm hóa, lôi cuốn quần chúng bằng tấm gương nói và làm của người đứng đầu rất lớn, quyết định sự phát triển của một tập thể. Nơi nào người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, trực tiếp là bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình gương mẫu làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thì ở nơi đó nền nếp, hiệu quả, phát triển tốt. Người đứng đầu nghiêm thì cấp dưới không thể làm bừa, làm ẩu, giữ được kỷ cương, kỷ luật của tổ chức, cơ quan, đơn vị, không thể lộng hành, tự tung, tự tác. Ngược lại, mọi lời giáo huấn của người đứng đầu sẽ trở nên vô ích, nếu bản thân không gương mẫu, nói không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo.
Việc đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tập trung vào 3 nội dung cơ bản là: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt, công tác.
Về tư tưởng chính trị, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tự giác, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của Nhà nước và Nhân dân.
Về đạo đức, lối sống, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của BCH Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức. Đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vụ lợi, thực dụng, cơ hội, ích kỷ, lợi ích nhóm. Bản thân không tham nhũng và đi đầu trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời kiên quyết sửa chữa.
Về tác phong sinh hoạt và công tác, tự giác nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cấp dưới, nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho nhân dân.
Người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm và tận tụy với công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, cục bộ. Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ, chăm lo sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội. Là tấm gương tự phê bình và phê bình, cầu thị, tự giác, trung thực, tránh xa nịnh bợ của cấp dưới. Chủ động tự giác nghiêm túc nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa. Không chạy theo thành tích, tranh công, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác, che giấu khuyết điểm. Trong phê bình không né tránh, “dĩ hòa vi quý”, phải chân thành, công tâm, có lý, có tình trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội. Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kiên quyết chống chia rẽ, bè phái, lợi dụng phê bình gây mất đoàn kết.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định, khi coi việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cần được làm ngay ở tất cả các cấp. Đây là giải pháp không tốn kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, nhưng mang lại hiệu quả to lớn, bền vững, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.