Khánh Hòa được đánh giá là địa phương có đội ngũ giáo viên tổng phụ trách (TPT) đội có nghiệp vụ, kỹ năng cao, giúp phong trào của đội đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đội ngũ kế cận trong những năm tới để duy trì chất lượng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khó khăn
Toàn tỉnh hiện có 306 giáo viên TPT đội công tác tại 187 trường tiểu học, 111 trường THCS, 8 trường cấp tiểu học và THCS. Trong đó, có 123 giáo viên có thời gian làm TPT đội 5 năm trở lên. Theo đánh giá, đội ngũ giáo viên TPT đội hiện nay trên địa bàn tỉnh có chất lượng chuyên môn cao, đa số được đào tạo bài bản, 40% trong đó đã có thời gian công tác hơn 10 năm. Nhờ đó, những năm qua, công tác đội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tích tốt, là một trong những địa phương mạnh trên toàn quốc.
Tuy nhiên, dự báo những năm tới, việc duy trì chất lượng hoạt động đội sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn giáo viên TPT đội kế cận có kiến thức chuyên môn. Anh Trương Tấn Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, trước đây, khi còn Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, chuyên ngành công tác đội được duy trì đào tạo. Đây là nguồn cung cấp đội ngũ giáo viên TPT đội dồi dào, có nghiệp vụ, kỹ năng bài bản cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Vì thế, những năm qua, vấn đề về nghiệp vụ giáo viên TPT đội không đáng lo ngại. Tuy nhiên, sau khi trường này sáp nhập cùng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang thành Trường Đại học Khánh Hòa, chuyên ngành này không còn được duy trì nữa, khiến những năm gần đây không còn giáo viên có nghiệp vụ TPT đội để bổ sung, làm đội ngũ kế cận thay thế người đi trước. Phần lớn giáo viên trẻ đảm nhận công việc TPT đội sau này sẽ thiếu chuyên môn về công tác đội, trong khi công tác này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ngoài lòng say mê thì phải biết điều khiển và tổ chức các trò chơi, biết giáo dục, giúp đỡ những học sinh cá biệt, biết các nghi thức đội, có kỹ năng nói, điều khiển các hoạt động, chương trình của nhà trường…
Hướng khắc phục
Theo anh Hùng, hiện nay, giáo viên TPT đội được các trường chỉ định người có khả năng nhất sau khi xét tuyển giáo viên vào trường để đảm nhiệm, tiếp đó mới cho tham gia các lớp tập huấn do Hội đồng Đội tỉnh tổ chức. Sau khi công tác được 5 năm, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo và phân công giáo viên khác thay thế vị trí này. Tuy nhiên, thực tế, việc bố trí cho các giáo viên TPT đội sau khi công tác đủ 5 năm quay lại giảng dạy đúng chuyên ngành còn khó khăn, không bố trí được, dẫn đến tâm lý hiện nay của nhiều giáo viên TPT đội là không muốn tiếp tục làm TPT đội nữa, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng.
Từ thực trạng trên, Hội đồng Đội tỉnh đã có kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên TPT đội trong những năm tới. Theo đó, nghiên cứu phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn chuyên ngành công tác đội trước mỗi năm học cho các giáo viên TPT đội, các giáo viên lớp kế cận; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ TPT đội trẻ, mới nhận nhiệm vụ để nắm nghiệp vụ, kỹ năng, các vấn đề liên quan tới trẻ em.
“Trước nhiều áp lực công việc, áp lực về thời gian, giáo viên TPT đội rất khó phát huy các hoạt động phong trào của nhà trường nếu không được tạo điều kiện, có nghiệp vụ chuyên môn bài bản. Chính vì vậy, thời gian tới, để duy trì được chất lượng, Hội đồng Đội tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa việc đào tạo nghiệp vụ cho các giáo viên, không chỉ dừng lại ở tập huấn mà mở các khóa học bài bản. Có như vậy, mới củng cố và duy trì được phong trào thiếu nhi trong những năm tới”, anh Hùng nói.