Giáo dục thanh niên qua mạng xã hội

177

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ đến thanh niên (TN). Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cần phải có những thay đổi, đặc biệt là việc tương tác với mạng xã hội.

Đây là một trong những nội dung được các thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam thảo luận sôi nổi tại hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên tổ chức ngày 20.8 tại Hà Nội.
thanh niên và mạng xã hội
Thanh niên tham gia vào mạng xã hội ngày càng nhiều, đây cũng là môi trường giúp họ thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần có hơi thở thời đại

Góp ý dự thảo văn kiện, anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đánh giá một trong những hạn chế của Đoàn là sự thiếu vắng những hình thức tương tác đa phương tiện để giáo dục TN, đặc biệt là qua mạng xã hội.

Theo anh Thông, nếu vào Facebook gõ chữ “Đoàn thanh niên” có thể thấy trên dưới 20 địa chỉ, trong đó có các trường ĐH, Đoàn TN các sở, công ty nhà nước và một số Đoàn cấp phường xã. Còn gõ chữ “Hội LHTN” thì được chưa tới 10 kết quả. “Cả nước hiện có 5,6 triệu thành viên tham gia mạng Facebook và theo dự đoán của các nhà chuyên môn con số này có thể tăng 18 triệu người trẻ vào cuối năm sau. Chúng tôi kiến nghị dự thảo sắp tới, phần đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn nên bổ sung việc tăng cường chia sẻ, tương tác qua mạng xã hội. Đây là việc làm rất phù hợp với xu thế toàn cầu hóa”, anh Thông nói.

Ủng hộ sử dụng mạng xã hội làm công cụ giáo dục, định hướng TN, TS Bùi Trường Giang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước, bày tỏ: “Công tác Đoàn trong vài năm trở lại đây, có rất ít sự tương tác với TN thông qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, sự phát triển của mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số đã làm cho phương thức tập hợp TN thay đổi về bản chất. Mỗi bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội, nghĩa là họ đang từng bước tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của thời đại. TN tham gia vào mạng xã hội ngày càng nhiều, đây cũng là môi trường giúp họ thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội”. Để văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc cần có hơi thở thời đại, anh Giang kiến nghị sử dụng công nghệ kỹ thuật số tác động và định hướng TN thực hiện trách nhiệm xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đoàn nhiệm kỳ tới.

Điều hành công việc bằng công nghệ thông tin

Theo chị Nguyễn Thị Lan Anh, Ủy viên thường trực Ban Vận động thành lập Hội TN khuyết tật Việt Nam, mạng xã hội nếu được ứng dụng rộng rãi trong công tác Đoàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc tập hợp TN. Hiện tại, TN khuyết tật đã tự xây dựng và hình thành nhiều mạng xã hội tạo ra môi trường cập nhật kiến thức, chia sẻ thông tin về cơ hội học tập, tìm việc làm thậm chí tham gia hoạt động từ thiện…

Chỉ ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn, PGS-TS Bùi Thế Duy, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thẳng thắn góp ý về đổi mới công tác thông tin trong hệ thống Đoàn. Anh Duy chia sẻ: “Đổi mới công tác thông tin là câu chuyện chắc chắn phải làm và lẽ ra phải làm cách đây 10 năm. Chúng ta là TN. Đoàn là đội ngũ xung kích nhưng chúng ta đi sau các bộ,  ngành từ 5 – 10 năm. Chưa có một đánh giá nào về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, nếu không chúng ta đứng ở vị trí rất sâu. Trong nhiệm kỳ tới, phải đặt mục tiêu, đổi mới mạnh mẽ hơn, điều hành công việc bằng công nghệ thông tin chứ không đơn thuần chỉ là ứng dụng”.

Không phủ nhận những giá trị mà các mạng xã hội đem đến, song nhiều ý kiến cũng băn khoăn trước những mặt trái của mạng xã hội. Anh Bùi Thế Duy nhận định: “Trên thế giới có cái gì mới Việt Nam có ngay, nhưng chuyển hóa về mặt xã hội chúng ta chưa theo kịp, gây ra những tác động xấu. Với thời đại công nghệ thông tin, trẻ em rơi vào môi trường sống cực kỳ nguy hiểm – chỉ với 30 phút lên mạng các em có thể giao lưu với khủng bố, các thế lực thù địch, đối tượng lừa đảo”.

Nhìn nhận Facebook là thế giới ảo của những người thật, anh Nguyễn Quang Thông nhấn mạnh: “Vấn đề của Đoàn, Hội là tham gia để hiểu biết, để tương tác với cái thật. Có những cách chia sẻ hỗ trợ, để cái thật ngày càng phát triển tốt, thông qua những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để định hướng, giáo dục TN”.