Không thể bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm đánh tráo, biện minh, cổ xúy cho hành vi cố tình coi thường kỷ cương phép nước

168

Sau khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), trên một số trang mạng xã hội và đài báo nước ngoài đã xuất hiện nhiều ý kiến, quan điểm sai lệch, cố tình bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen, lợi dụng sự việc để gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân. Họ không chỉ biện minh, cổ xúy cho những hành vi vô thiên vô pháp, coi thường kỷ cương phép nước mà còn muốn kích động, thổi phồng sự việc, lôi kéo để tiếp tục làm phức tạp tình hình, thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, LLVT và nhân dân.

Những luận điệu đổi trắng thay đen

Vừa qua, chúng tôi đã tới xã Đồng Tâm để tìm hiểu, phân tích sự việc suốt từ những ngày đầu năm 2017 đến nay, càng hiểu rõ bản chất và thấy cần thiết phải phản bác các luận điệu đổi trắng thay đen nguy hại ấy.

Trong các bài viết trên mạng xã hội và trả lời đài báo nước ngoài, có người đã sử dụng nhiều cụm từ như “cưỡng chế thu hồi đất”, chính quyền “cướp đất” của dân để cố tình thổi phồng sự việc. Một số người còn viện dẫn một số điều khoản, quy định của pháp luật về việc không tổ chức cưỡng chế thu hồi đất vào dịp lễ, tết để cho rằng chính quyền và cơ quan chức năng đã vi phạm pháp luật; thậm chí xuyên tạc rằng thu hồi đất để làm… sân gôn.

Họ cố tình đổi trắng thay đen, lập lờ, tiếm danh lòng yêu nước, tiếm danh nhân dân. Họ gọi số đối tượng hung hãn, tấn công người thi hành công vụ một cách dã man là “người dân chỉ tự vệ chính đáng” và đưa ra những luận điệu dân túy, cho rằng việc sử dụng lực lượng công an như vậy là không cần thiết, xuyên tạc rằng chính quyền các cấp đã không thực hiện đối thoại, sử dụng bạo lực “đối đầu với dân”, “coi dân như kẻ thù”. Tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân còn ca ngợi những kẻ vi phạm pháp luật nghiêm trọng là “anh hùng dân tộc”, cố tình khoét sâu mâu thuẫn bằng cách đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì mới giải quyết tận gốc vấn đề đất đai.

“Té nước theo mưa”, một số đài báo nước ngoài như BBC tiếng Việt còn kích động rằng phải dùng đến từ “chiến tranh”. Như thường lệ, Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) lại ra thông cáo “kêu gọi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ giữa người dân và công an khiến ít nhất 4 người chết”. Hùa theo, nhóm của những cái gọi là các nhà dân chủ và tổ chức xã hội dân sự đã đưa ra cái gọi là “Tuyên bố Đồng Tâm” với nhiều lời vu cáo, bịa đặt, như “các LLVT lên đến hàng nghìn người vào bao vây, tấn công bằng lựu đạn cao su, hơi cay, dùi cui đánh từ người già đến trẻ nhỏ, không từ một ai”. Họ đòi “chấm dứt dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam”; “phải thay đổi từ gốc rễ ở Hiến pháp và Luật Đất đai, phải trả lại quyền tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam”.

Tột cùng của sự xuyên tạc bỉ ổi là một số cá nhân trên mạng còn rêu rao thông tin 3 đồng chí công an không hề hy sinh, mà đây chỉ là thông tin được dựng lên, rằng vẫn gặp các đồng chí được coi là hy sinh còn sống mạnh khỏe, và có đồng chí công an đã bị “cho chết đi chết lại mấy lần”. Các thông tin xuyên tạc bỉ ổi như vậy chỉ vạch trần bản chất xấu xa của chính những người rêu rao.

Không thể bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm đánh tráo, biện minh, cổ xúy cho hành vi cố tình coi thường kỷ cương phép nước
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn.

Cố tình đánh tráo khái niệm

Xung quanh sự việc ở Đồng Tâm, những chiêu trò xuyên tạc, đổi trắng thay đen nổi lên một số vấn đề cần làm rõ như sau:

Một là, họ xuyên tạc bản chất vấn đề đất đai ở Đồng Tâm, quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, người dân bị lấy đất canh tác “cha ông để lại”, thậm chí là đất có sổ đỏ, đất ruộng đồng đã canh tác hàng chục năm, khiếu kiện mà không được giải quyết nên bị đẩy đến bước đường cùng. Họ bất chấp thực tế toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh rõ hiện trạng, không hề có sự mập mờ, khuất tất. Các thế lực thù địch, phản động còn gắn sự việc này với các sự việc từng xảy ra ở Tiên Lãng (TP Hải Phòng), Dương Nội (TP Hà Nội), vườn rau Lộc Hưng (TP Hồ Chí Minh)… để đổ lỗi cho chính quyền có sai sót trong “cưỡng chế thu hồi đất”. Ở đây, cần khẳng định rằng không có chuyện cưỡng chế nào hết mà chỉ có việc một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thuộc đất quốc phòng theo kế hoạch từ ngày 31-12-2019. Khi các lực lượng chức năng triển khai những biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các mục tiêu tại khu vực thi công tường rào, thì các đối tượng đã manh động ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng; song lực lượng chức năng vẫn kiên trì phát loa tuyên truyền, kêu gọi trước khi phải tiến hành các biện pháp khống chế, bắt giữ… Và chính hành vi manh động, chống người thi hành công vụ một cách vô cùng liều lĩnh, dã man của các đối tượng đã dẫn đến hậu quả xấu.

Cần phân biệt rõ việc thu hồi đất của các dự án kinh tế-xã hội với việc quân đội triển khai xây dựng công trình quân sự, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng vì lợi ích an ninh quốc gia. Đây cũng không phải là việc thu hồi đất quốc phòng để chuyển đổi mục đích, thực hiện dự án kinh tế-xã hội nên không thể nói có tiêu cực, lợi ích nhóm như các thông tin bịa đặt. Đây là đất quốc phòng, là “công thổ quốc gia” nên càng không thể gắn cho hành vi cố tình xâm chiếm đòi trục lợi trên đất quốc phòng của một số đối tượng là “bảo vệ đất đai hương hỏa cha ông” hay “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực” được.

Vu khống chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng

Hai là, xung quanh việc chỉ trích giải quyết khiếu kiện của người dân không thỏa đáng, chính quyền không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân mà lại “đối đầu”, “trấn áp”. Gần đây, nhiều người còn so sánh sự việc với cách hành xử mà họ cho rằng là “kiên nhẫn”, “an dân” mà chúng ta đã từng giải quyết thành công ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), Quỳnh Phụ (Thái Bình), Văn Giang (Hưng Yên)… để từ đó chỉ trích vụ việc ở xã Đồng Tâm là “sai lầm về chủ trương giải quyết”, tiếp tục chỉ trích, phê phán chính quyền và Đảng, Nhà nước ta.

Đây là sự suy diễn, so sánh không đúng thực tế. Như chúng tôi từng phân tích trong các bài viết gần đây, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã xử lý kiên trì, có lý, có tình nhằm tạo sự đồng thuận để giải quyết sự việc tốt nhất. Ngay cả khi một số người coi thường kỷ cương phép nước, bắt giữ 38 người bao gồm cả công an, cán bộ chính quyền, nhà báo; chính quyền TP Hà Nội và các lực lượng chức năng đã thể hiện sự kiên nhẫn, mềm mỏng để xử lý tình hình. Sự việc đã được giải quyết kiên trì, kéo dài suốt hơn hai năm với tinh thần dân chủ, nhân văn.

Nhưng sự kiên trì không đồng nghĩa với việc nương nhẹ, né tránh. Không thể vì các kiến nghị, đòi hỏi không hợp pháp, không hợp lý của một số ít người mà du di, nương nhẹ, chà đạp lên lợi ích quốc gia, làm trái pháp luật, biến đất quốc phòng, công thổ quốc gia thành tài sản cho một nhóm người tự ý đòi hỏi, tư hữu.

Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng đã có ý kiến khẳng định rằng: “Nói là đất tranh chấp rồi quy trách nhiệm và bôi xấu chính quyền là không được. Đây là lấn chiếm đất công. Ở Đồng Tâm, các thế lực chống đối lợi dụng và kích động làm cho những kẻ tham lam nghĩ rằng mình có thể thắng, từ đó có thể chiếm được đất và chuyển thành tiền. Chúng ta hãy tỉnh táo đừng để những kẻ mị dân hay dân túy làm nhòa tầm nhìn của mình, còn những ai lợi dụng việc này để kích động thêm sẽ là có tội với dân, với nước”.

Là chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Vụ việc chống đối lại chính quyền như tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội là sai hoàn toàn, không thể chấp nhận được! Phân tích thêm về những ý kiến hô hào “cần phải tư hữu hóa đất đai”, GS, TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, không có lý do gì cần thiết phải tư hữu hóa đất đai. Có tư hữu hóa đất đai hay không thì cũng không ảnh hưởng đến việc đưa đất đai vào thị trường. Trong khi đó, nếu thực hiện tư hữu đất đai có thể trở thành vấn đề xã hội nhức nhối, dẫn đến những mâu thuẫn khốc liệt khác. Tư hữu đất đai chỉ là khẩu hiệu gây nên bất đồng xã hội nặng nề hơn. Đối với việc đưa chế độ công hữu đất đai vào thị trường, chúng ta đã thực hiện đưa quyền sử dụng đất vào thị trường. Điều này cho đến nay không gặp vướng mắc gì.

Còn nhớ, khi sự việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) xảy ra, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội có chia sẻ vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa hai xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An năm 1992. Trong vụ này, lãnh đạo địa phương không kiên quyết giải quyết triệt để, dẫn đến tình trạng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND hai xã huy động lực lượng dân quân vũ trang do hai xã đội trưởng chỉ huy, xây dựng công sự, chướng ngại vật, hầm hào để bảo vệ vùng đất tranh chấp; thậm chí xảy ra đấu súng giữa hai bên, chính quyền không thể vào tiếp cận được, cán bộ vào bị bắt giữ, tắc nghẽn, tê liệt giao thông Quốc lộ 1. Khi đó, cán bộ quân đội được giao nhiệm vụ đã vào đối thoại cùng người dân, sau đó các xã đội trưởng nguyên là chiến sĩ đơn vị thuộc quân khu đã thu súng, lui quân, giải quyết được “ngòi nổ”. Điểm nóng năm xưa nay là Khu công nghiệp Hoàng Mai đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng về chính trị và kinh tế của tỉnh Nghệ An.

Thật khó so sánh bởi ở huyện Quỳnh Lưu, việc chỉ kéo dài trong thời gian tính bằng tháng, hai xã đội trưởng đã biết lắng nghe; song như vụ việc ở Đồng Tâm, sự giải thích, đối thoại đã kéo dài tới hai năm mà vẫn không hiệu quả.

Hay như vụ việc gây rối, phức tạp ở Thái Bình năm 1997, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, lúc đó là Trưởng ban Dân vận Trung ương được giao nhiệm vụ về tháo gỡ, sau này đã kể lại việc tổ công tác gồm 11 người về tận nơi và trực tiếp nói chuyện với người dân. Có xã 500-600 người kéo đến, tổ công tác yêu cầu bà con cử 10 người đại diện vào nói chuyện. Khi được phân tích, làm rõ sự tình, bà con ra thông tin lại thì người dân hoan nghênh, vỗ tay ầm ầm. Lúc đoàn công tác ra về, người dân còn nói theo: “Chúng tôi đã hiểu, Trung ương đừng bảo chúng tôi cực đoan nhé!”. Như vậy rõ ràng trong sự việc này, người dân dù có vướng mắc, thậm chí mâu thuẫn nhưng không đến mức cực đoan, đối địch với chính quyền và không có những hành vi hung hãn, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước đến mức không thể vận động, thuyết phục.

Đừng tiếm danh hai chữ “nhân dân”

Ba là, cần phân biệt giữa người dân chân chính với những kẻ coi thường kỷ cương phép nước, chà đạp lên luật pháp để trục lợi.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao cùng thực hiện chính sách đất đai giống nhau liên quan đến đất sân bay Miếu Môn nhưng 3 xã bên cạnh là Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc đã thực hiện nghiêm chỉnh mà ở xã Đồng Tâm lại có một số người bất chấp việc đối thoại, giải thích của cơ quan chức năng, ngày càng leo thang sự việc, kích động chống đối, bắt giữ cán bộ, thậm chí công khai chuẩn bị, tàng trữ vũ khí, phương án và đe dọa tấn công lực lượng chức năng.

Theo các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra đã thu giữ được các tài liệu cho thấy có cả việc chia tiền quyên góp, trục lợi từ “Tổ đồng thuận”, thậm chí có nguồn tài trợ từ tổ chức phản động nước ngoài. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, nguy cơ biến địa bàn từ những mâu thuẫn kinh tế-xã hội đơn thuần có thể trở thành điểm nóng chính trị-xã hội phức tạp. Trong số người vi phạm, có cả người là cán bộ, đảng viên lâu năm. Với các hành vi sai trái như vậy, xét cho cùng, họ đã bước qua ranh giới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí vô hình trung đã tiếp tay cho thế lực thù địch chống phá đất nước.

Rõ ràng rằng: Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hung hãn, dã man của những đối tượng giết người thi hành công vụ thì phải gọi là tội phạm. Những người có lương tri và tôn trọng đạo lý không thể không bất bình, lên án, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh; càng không thể biện minh, bao biện, tiếm danh nhân dân, gọi họ là dân lành được!

Ở đây, để sự việc bị đẩy đi quá xa, có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh sự vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của một số đối tượng và âm mưu kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, không thể không nói đến việc làm đáng trách của một số người xưng là nhân sĩ, trí thức, luật sư, cán bộ… Có những đối tượng xưng là luật sư “vì dân oan”, đứng ra giúp đỡ nhóm người ở xã Đồng Tâm hỗ trợ pháp lý nhưng thực sự họ tư vấn thì ít, kích động thì nhiều. Còn có những gương mặt quen thuộc trong các phong trào chống phá Đảng, Nhà nước, với nhiều đối tượng tự nhận là “dân oan”, từng “tác oai tác quái” nhiều năm ở Dương Nội, vườn rau Lộc Hưng… Đáng buồn hơn, có cả những người có vị trí trong xã hội, thường xuyên phát biểu trước công luận nhưng trong vụ việc này, chính họ cũng thiếu tỉnh táo, thay vì khách quan, công tâm phân tích giúp người dân thấu tường phải trái, họ lại đổ thêm dầu vào lửa, tiếp tay cho những nhận thức và hành động sai trái.

Yêu cầu tấn công trấn áp tội phạm là cần thiết

Bốn là, cần hiểu đúng về việc xử lý của lực lượng chức năng. Hiện nay, có một số ý kiến không hiểu hay cố tình không hiểu về việc các đối tượng công khai tuyên bố có vũ khí, súng đạn, lựu đạn, thuốc nổ, bom xăng; công khai đe dọa gây nổ phá hoại cơ sở hạ tầng, đe dọa giết cán bộ, không chỉ giết lực lượng công tác mà cả cán bộ địa phương. Thậm chí, chúng còn ngang nhiên livestream và tán phát thông tin để đe dọa trên mạng xã hội. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định rằng, chỉ riêng việc tàng trữ lựu đạn, vũ khí quân dụng đã là vi phạm Bộ luật Hình sự, phải xử lý nghiêm.

Trong các biện pháp thì trấn áp là biện pháp cuối cùng, khi không còn biện pháp nào khác. Suốt nhiều năm, các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách để giải quyết, để đối thoại nhưng những đối tượng chống đối bất chấp, bỏ ngoài tai, cố tình phá hoại. Theo thông tin từ Báo Công an nhân dân, cơ quan công an đã nhiều lần gọi hỏi, răn đe song các đối tượng vẫn cố tình thực hiện đến cùng và gần đây gia tăng các hành vi gây rối, tấn công cán bộ, chuẩn bị rất nhiều vũ khí với mục đích sát hại cán bộ, cho thấy sự manh động, nguy hiểm, ngoan cố, phạm tội có tổ chức tinh vi chứ không còn là sự “đối phó”, “tự vệ” như ai đó đang biện minh cho các đối tượng này.

Việc cơ quan công an áp dụng biện pháp khống chế, bắt giữ các đối tượng phạm tội là biện pháp tuân theo Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm điều tra, làm rõ vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật. Yêu cầu tấn công, trấn áp tội phạm là cần thiết, không thể đánh lận khái niệm dân nói chung với những kẻ phạm tội, gây trọng tội; không thể để các đối tượng nhởn nhơ, chống phá, gây tội ác mà không áp dụng biện pháp mạnh theo luật định.

Cũng chính vì anh dũng hy sinh trong khi bắt các đối tượng phạm tội có hành vi hung hãn, manh động nên 3 đồng chí công an hy sinh tại xã Đồng Tâm được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Việc một số cá nhân, tổ chức cố tình xuyên tạc rằng 3 đồng chí công an này hy sinh khi đi “cưỡng chế đất”, “bắt dân” là hoàn toàn sai bản chất. Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương tấm gương hy sinh của 3 đồng chí công an, khẳng định đây là tấm gương xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và đã có quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 3 liệt sĩ. Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ cần phải xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật.

Người dân chân chính phải là người tôn trọng pháp luật, sống trọng đạo lý, nghĩa tình. Gần 60 năm trước, khi về thăm xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Bác Hồ đã dạy: “Nghĩa Dân là dân có nghĩa, phải làm gương cho các xã khác”. Thiết nghĩ lời dạy ấy còn nguyên ý nghĩa để chúng ta hiểu đúng về nhân dân.

Chúng tôi từng trực tiếp chứng kiến phiên tòa xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn ở TP Hải Phòng hơn 6 năm trước nên ít nhiều đã được chứng kiến những cay đắng, bẽ bàng của các đối tượng vi phạm cũng như đáng tiếc cho một số người trong và sau khi tham dự phiên tòa vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng, bênh vực, bao biện cho những hành vi vô thiên vô pháp. Phải chăng, đó cũng chính là lý do khiến cho các vụ việc manh động có tính tội ác vẫn tái diễn? Nên đây chính là lúc, qua sự việc này và các sự việc tương tự từng xảy ra, chúng ta cần có quan điểm kiên quyết, nghiêm khắc trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

CÔNG MINH – NGUYÊN MINH – TRẦN TUẤN – QUANG PHƯƠNG

Theo qdnd.vn


https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/khong-the-bia-dat-xuyen-tac-su-that-nham-danh-trao-bien-minh-co-xuy-cho-hanh-vi-co-tinh-coi-thuong-ky-cuong-phep-nuoc-607637