Giáo dục thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” theo Di chúc Hồ Chí Minh

692

Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội.

Ảnh tư liệu

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Thấu triệt tư tưởng đó của Người, Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X đã xác định mục tiêu chung về phát triển thanh niên: “Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước…”. Thực chất, đó là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” theo tinh thần Di chúc của Hồ Chí Minh. Luận giải những vấn đề cơ bản về giáo dục thanh niên Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên” theo di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề có tính cấp bách hiện nay.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Nói đến bản Di chúc thì trước hết phải nói đến Người viết ra nó. Ðó là một con người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp bậc nhất trong thời đại ngày nay mà Lê-nin đánh giá rất đúng rằng đó là trí tuệ, lương tri và vinh dự của thời đại”. Di chúc được Bác viết vào dịp sinh nhật của mình và được hoàn thiện trong 5 năm, khi Người còn rất minh mẫn, sáng suốt. Năm năm Bác trăn trở, suy nghĩ kỹ càng, viết đi, viết lại, sửa chữa, bổ sung… Do vậy, bản Di chúc tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng hầu như đã chứa đựng toàn vẹn: không thiếu việc gì, không sót một ai, thực sự là bản “Tổng kết lịch sử, định hướng tương lai”, trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”.Giáo dục thanh niên vừa “hồng vừa “chuyên” là quan điểm nhất quán trong tư tưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Về tính tất yếu phải giáo dục thanh niên vừa “hồng vừa “chuyên” 

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong Di chúc về xây dựng, bồi dưỡng nguồn lực con người cho sự phát triển bền vững của đất nước mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc. Người hiểu rằng việc chăm lo, bồi dưỡng, phát triển con người không chỉ có vai trò quan trọng trong công cuộc giữ vững nền độc lập mà còn góp phần vào công cuộc xây dựng nước nhà. Là nhà giáo dục vĩ đại, Người cho rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “trồng người” không chỉ giới hạn ở việc bồi dưỡng, giáo dục những người giữ vị trí lãnh đạo, mà còn được “mở rộng đối với toàn thể nhân dân lao động”, trong đó có thanh niên.

Thanh niên trong bất cứ thời đại nào cũng là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của các quốc gia dân tộc trên thế giới; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhận những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Kế thừa những di sản tư tưởng quý báu của C.Mác, Ph.Ăngghen, và V.I. Lênin về thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một cách sáng tạo những luận điểm của các nhà kinh điển mácxít về vị trí vai trò của thanh niên. Trong Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17 tháng 8 năm 1947, nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam, Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới thế hệ trẻ, thấy rõ vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử và có niềm tin sâu sắc vào khả năng cách mạng của thanh niên. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người dành tình cảm lớn thứ hai cho “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN” sau “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”, Người căn dặn và khẳng định tính cấp thiết phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau : “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đề hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết”.

* Về mục tiêu giáo dục cho thanh niên

Theo Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thanh niên thành những công dân có ích cho xã hội, phải làm cho người học phát triển hoàn toàn những năng lực có sẵn trong bản thân, Người tóm tắt đó là những người: vừa “hồng vừa “chuyên”. Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Mục tiêu giáo dục mà Hồ Chí Minh xác định là: “Để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam ta”.

* Về nội dung giáo dục cho thanh niên

Từ việc đánh giá cao vị trí vai trò của thế hệ trẻ, đánh giá cao vai trò của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thanh niên một cách toàn diện. Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31/8/1960, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”.

Thứ nhất, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trong nhiều bài nói, bài viết và chỉ dẫn của mình, Người cho rằng, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là giúp thanh niên trở thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của đất nước. Việc rèn luyện phẩm chất đạo đức phải luôn gắn bó chặt chẽ với năng lực. Tin tưởng vào thanh niên và đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của thanh niên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài”. Vì vậy, hai mặt đức và tài, “hồng” và “chuyên”, phẩm chất và năng lực phải kết hợp chặt chẽ với nhau mới làm cho thanh niên kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân giao cho. Trong giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Hồ Chí Minh luôn quan niệm đức và tài là hai nội dung không thể thiếu được, trong đó đức là gốc. Người xem đạo đức như ngọn nguồn của sông, như gốc của cây, như sức mạnh của con người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Thứ hai, giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên. Trong giáo dục cho thanh niên, theo Hồ Chí Minh còn quan tâm đến nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho họ: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. Bởi theo Người: “Tương lai thuộc về thanh niên. Tương lai là cách mạng luôn luôn tiến lên. Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng cao cả. Vì vậy thanh niên phải có cuộc sống chính trị tích cực và cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho thanh niên là giáo dục sự nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Người cho rằng, Đảng và Nhà nước phải quan tâm, chăm lo giáo dục thanh niên  toàn diện: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự

Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. Ảnh tư liệu

* Về phương thức giáo dục thanh niên 

Thứ nhất, học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, học phải đi đôi với hành, học để hành, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Ngày 21/10/1964 trong Bài nói chuyện tại trường đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Ngoài ra, Người còn nhấn mạnh giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải gắn với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hóa độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh, v.v. để làm cho thanh niên hư hỏng, truỵ lạc. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên”.

Thứ hai, phải phối, kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong đào tạo, giáo dục thanh niên. Tại lễ khai trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”.

Thứ ba, phải đề cao và phát huy tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên, “xây” phải đi đôi với “chống”. Theo Người, kết hợp việc giáo dục của nhà trường, của xã hội và của gia đình là hết sức quan trọng: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”. Đồng thời, Người cũng chỉ ra cho thanh niên “Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”.

Thứ tư, giáo dục thế hệ trẻ thông qua gương người tốt, việc tốt. Đồng thời với việc yêu cầu tinh thần tự rèn luyện của thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm việc giáo dục, đào tao, bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua những gương người tốt việc tốt: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin thiết thực nhất”.

Thứ năm, phải tập hợp thế hệ trẻ trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục thanh niên. Ý thức đầy đủ về vai trò của các đoàn thể trong tập hợp, giáo dục thế hệ trẻ, sau khi tìm được con đường cứu dân, cứu nước và nhận thức sâu sắc về vai trò của thế hệ trẻ, năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thế hệ trẻ. Sau này, nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp thế hệ trẻ Việt Nam, (1956) Người một lần nữa khẳng định vai trò của tổ chức trong việc tập hợp và giáo dục thế hệ trẻ: “Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng và Đoàn, nhiều chiến sĩ, anh hùng thanh niên đã nảy nở trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong việc xây dựng nước nhà hiện nay”.

Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và giáo dục thanh niên, Đảng ta khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên”. Để tiếp tục giáo dục thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chúng tôi cần tập trung những nội dung cơ bản sau đây:

Một là, vận dụng tư tưởng giáo dục thanh niên vừa “hồng vừa “chuyên” theo Di chúc hiện nay phải quán triệt và vận dụng sáng tạo, đầy đủ, toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục thanh niên theo tinh thần Chỉ thị số 42- CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030”.

Hai là, chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên; làm cho thế hệ trẻ hôm nay biết yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái, kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, ứng xử văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; bày tỏ chính kiến, đấu tranh với cái xấu. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, từng bước bài trừ các tệ nạn xã hội.

Ba là, tăng cường giáo dục thanh niên thông qua những tấm gương điển hình tiên tiến, cá nhân có thành tích vượt trội.

Bốn là, tăng cường định hướng giá trị thông qua các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với xây dựng chuyên trang, chuyên mục về nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; nêu gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống để định hướng cho thanh niên phát triển loại hình văn hoá hiện đại mang tính khoa học và nhân văn, tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa; tổ chức các điểm văn hóa thanh niên theo cụm dân cư; tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa dân gian; tổ chức các cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho thanh niên.

Năm là, nâng cao khả năng phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội với các đoàn thể quần chúng nhân dân và các chủ thể xã hội khác nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Nghiên cứu đánh giá công tác phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội với các đoàn thể quần chúng và các chủ thể xã hội khác trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Tăng cường ký kết các chương trình, kế hoạch liên tịch của Đoàn, Hội, Đội với các chủ thể xã hội khác chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên.

Nguồn: hochiminh.vn