Tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân cường, Quốc thịnh

135

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân cường, Quốc thịnh - Ảnh 1.

Bác Hồ tập tạ. Ảnh tư liệu

 74 năm trước (27/3/1946), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn dân tập thể dục, Người nhắn nhủ: “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Đó cũng là một nội dung quan trọng trong Tư tưởng, Đạo đức và Phong cách Hồ Chí Minh với nguyên lý “Dân cường thì quốc thịnh”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, thù trong giặc ngoài. Ngay trong thời kỳ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ vẫn quan tâm đến việc hình thành và phát triển thể dục thể thao của chế độ mới vì: “Xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.

Ngày 30/1/1946, Bác Hồ thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên với “nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc”. Tiếp đó ngày 27/3/1946, Bác ký Sắc lệnh số 38 NV thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày 27/3/1946, Bác đã có “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. Báo Cứu Quốc số 199 đã đăng bài “Sức khỏe và thể dục” thể hiện lời kêu gọi của Người. Bác đã phân tích và đưa ra những lời khuyên rất cụ thể về lợi ích của tập thể dục và đề nghị mọi người cùng quan tâm đến hoạt động này:

“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công.

Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.

Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ. Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khoẻ. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”.

Lời kêu gọi của Bác Hồ đã có ảnh hưởng lớn đến toàn dân, toàn quân ta, dấy lên phong trào luyện tập, bồi bổ sức khỏe sâu rộng khắp cả nước. Từ dấu mốc thiêng liêng đó, ngày 29/01/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Từ lời kêu gọi của Bác, phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng trên toàn quốc với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Trong những ngày Đảng và Chính phủ Việt Nam đang lãnh đạo toàn dân đang gồng mình chống dịch, chúng ta mới cảm nhận hết tầm nhìn xa của vị lãnh tụ kính yêu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã nhiều lần nhắc nhở về vấn đề tập thể dục. Với mỗi đối tượng, Bác có một chỉ đạo cụ thể gắn với các nhiệm vụ cần thực hiện khác. Đối với thế hệ trẻ, Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Người đã nhắc nhở thiếu nhi phải luyện tập thể dục thể thao trong nhiều bức thư khác nhau. Trong Thư cho học sinh ngày 17/9/1946, Bác nhắc nhở: “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong hội”.

Với học sinh, thể dục gắn liền với trí dục, mỹ dục và đức dục. Trong thư cho học sinh nhân ngày khai trường Ngày 24/10/1955 Bác đã viết:

“- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

– Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

– Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

– Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.”

Lời Người dạy thật thiết tha: “Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Các em chịu khó tập thể dục là giữ gìn cái quý báu nhất của con người”.

Trong Thư cho Hội nghị Cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc ngày 31/3/1960 Bác nhấn mạnh: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khoẻ thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân cường, Quốc thịnh - Ảnh 3.

Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ. Ảnh tư liệu

 Tìm hiểu cuộc đời của Bác, chúng ta càng thêm khâm phục tấm gương “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” của Người. Trong những ngày dạy học ở trường Dục Thanh ở Phan Thiết (năm 1910), sáng nào Người cũng dậy sớm và gọi mọi người cùng ra sân tập thể dục. Sau khi từ nước ngoài về đến Cao Bằng (năm 1941), hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo “sáng ra bờ suối, tối vào hang”, Bác vẫn duy trì việc tập thể dục thường xuyên. Ngay cả khi làm Chủ tịch nước, bộn bề công việc nhưng Người vẫn dành thời gian tập luyện hàng ngày. Bác am hiểu và có thể tham gia nhiều môn thể thao khác nhau như: Bơi, bóng chuyền, bi-a, võ thuật, cờ tướng…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước, chúng ta thực sự thấm thía những lời Bác dạy về các biện pháp nâng cao sức khỏe. Nhớ lời Bác dạy, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện “bổn phận của một người yêu nước” thường xuyên tham gia tập luyện thể thao theo tấm gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ để nâng cao, cải thiện, giữ gìn sức khỏe cho chính mình. Đó cũng là một biện pháp quan trọng chống lại dịch bệnh. Mọi người đều mạnh khỏe có ý thức phòng chống dịch chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh của cả dân tộc, từ đó giúp Việt Nam “dân cường”, “nước thịnh” vượt qua mọi thách thức và khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.

VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ

Theo http://toquoc.vn