Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957. Ảnh tư liệu
Xây dựng phong cách người lãnh đạo, người đứng đầu là vấn đề quan trọng đã được Người quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, nhất là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Nội dung này được Người đề cập rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó nhấn mạnh: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”(1). Đây chính là cách thức tốt nhất để phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng khi trở thành Đảng cầm quyền. Bởi lẽ, những khuyết điểm, sai lầm, trong đó có sai lầm về phong cách lãnh đạo của người đứng đầu chính là kẻ địch bên trong, còn nguy hiểm hơn kẻ địch bên ngoài. Mặt khác, nếu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như người “giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”(2). Xây dựng phong cách của người lãnh đạo, người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn diện, song cần tập trung vào mấy nội dung cơ bản là:
– Xây dựng phong cách nhiệt tình trách nhiệm cách mạng với tính khách quan, khoa học. Theo Bác, người lãnh đạo, quản lý trước hết phải có nhiệt tình, trách nhiệm cách mạng, bởi đây là yếu tố cơ bản, động lực cho mọi hành động. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng chỉ phát huy hiệu quả khi nó tuân theo các quy luật khách quan và kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Không khách quan, khoa học thì nhiệt tình, trách nhiêm cách mạng sẽ trở thành duy tâm, duy ý chí, dẫn tới thực hiện sai đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, làm cản trở bước tiến của cách mạng. Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có hiệu quả khi họ thực sự am hiểu và có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về công việc, lĩnh vực mà mình phụ trách. Tri thức khoa học được hình thành trong quá trình học tập, nghiên cứu, lăn lộn với thực tế, đời sống để không ngừng thu thập kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng ý thức chính trị trước những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực. Do vậy, Người cho rằng: “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình”(3). Phong cách, tác phong khoa học của người lãnh đạo, người đứng đầu cũng như của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng, tạo nền tảng để hình thành phong cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học và sáng tạo, không rập khuôn, máy móc. Từ đó, có sự chỉ đạo đúng đắn trong công việc, cách nhìn nhận và đánh giá đúng con người, sử dụng đúng người, đúng việc, trọng dụng người có đức, có tài. Phong cách khoa học gồm các tiêu chí: xác định rõ mục tiêu công tác, lộ trình, bước đi, biện pháp thích hợp; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu nhưng linh hoạt về phương pháp; tích cực kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tổng kết, rút kinh nghiệm.
– Xây dựng phong cách dân chủ, công khai, minh bạch. Hồ Chí Minh khẳng định: chế độ ta là chế độ dân chủ, vì “Dân là chủ”, nên cách lãnh đạo cũng phải dân chủ. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến trong sinh hoạt đảng để thống nhất về quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết. Phong cách dân chủ thể hiện ở việc người đứng đầu cần lưu ý bàn bạc, trao đổi, lắng nghe ý kiến trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là ý kiến phản biện trái chiều. Dân chủ, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng cán bộ là biểu hiện của việc chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò trách nhiệm trong việc lựa chọn, bố trí sử dụng cán bộ. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên, lên trước. Đồng thời, phải thực sự gương mẫu, trung thực, khách quan, công bằng, giữ vững nguyên tắc trong thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Người cho rằng, trách nhiệm và tính quyết đoán của người đứng đầu phải luôn được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công tác. Người lãnh đạo giỏi cần có cách làm việc dân chủ, tập thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; đồng thời, phải quyết đoán đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định.
– Xây dựng phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở, gần gũi với quần chúng. Làm việc sâu sát, đi vào thực tế, hòa mình với quần chúng để thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Người cho rằng, người lãnh đạo biết lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng sẽ đoàn kết, quy tụ được nhân dân, tạo nên động lực và sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Bởi lẽ, chỉ trên cơ sở sâu sát quần chúng, người lãnh đạo mới biết đời sống thực, khả năng thực của quần chúng, biết được những mong muốn, băn khoăn trăn trở của nhân dân để kịp thời tháo gỡ, giúp đỡ nhân dân. Lãnh đạo sâu sát quần chúng sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham ô, tham nhũng có hiệu quả.
– Xây dựng phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của người lãnh đạo, người đứng đầu. Gương mẫu, nêu gương, nói đi đôi với làm là một nội dung không thể thiếu đối với người lãnh đạo, người đứng đầu. Người đứng đầu phải tiên phong trong mọi công việc; dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ là lời nói suông mà chủ yếu là hành động, nói ít, làm nhiều. Người lãnh đạo, người đứng đầu phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm; đây là nguyên tắc trước hết, cực kỳ quan trọng của việc nêu gương.
Xây dựng phong cách của người lãnh đạo, người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên; đồng thời, có yêu cầu cao hơn, thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trên cương vị lãnh đạo, quản lý. Phong cách lãnh đạo của Người là bài học quý giá để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, nhằm không ngừng hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới./.
————————-
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.272.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.273
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.293.
Nguồn: hochiminh.vn