Dấu mốc chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh

185

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh tư liệu

Nêu cao tính chủ động của cách mạng ở thuộc địa

Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đã lựa chọn con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản sau khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo) – Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17/7/1920.

Sau đó, bằng những hoạt động lý luận và thực tiễn trên các diễn đàn quốc tế, Nguyễn Ái Quốc không chỉ nhận thức được cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới; giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới và tầm quan trọng của thuộc địa mà còn chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, thông qua các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường Kách mệnh” (1927) và nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học, bài phát biểu tại các hội nghị quốc tế…, Người đã xây dựng hệ tư tưởng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người khẳng định vai trò chủ động của cách mạng ở các nước thuộc địa trong việc phối hợp với cách mạng ở chính quốc, song không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc; khẳng định vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó liên minh giữa công nhân và nông dân “là gốc của cách mạng” trong cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài ra, muốn làm cách mạng trước hết phải có một đảng cách mạng…

Hiểu sâu sắc về thuộc địa, nơi “đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra, luận giải và nhấn mạnh việc phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để tước hết thuộc địa, tước đi phần hậu phương cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc. Theo Nguyễn Ái Quốc, trong các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc đã làm cho sự xung đột về quyền lợi được giảm thiểu. Vấn đề quan trọng, trước mắt của các nước thuộc địa ở phương Đông là đấu tranh giành độc lập dân tộc; phải có độc lập dân tộc mới có thể tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Nga (Liên Xô cũ), về Quảng Châu – Trung Quốc (tháng 11/1924) để xúc tiến việc chuẩn bị thành lập một chính Đảng Mác xít cho giai cấp công nhân Việt Nam. Người đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với đặc điểm, thực tiễn Việt Nam thông qua việc mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (tháng 6/1925), ra Báo Thanh niên (số 1, ngày 21/6/1925); đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ cốt cán, theo nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng mới…

Như một tất yếu khách quan của lịch sử, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của mình, Đảng khẳng định chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đánh đuổi đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam độc lập, nhân dân Việt Nam được tự do là điểm cốt yếu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Vấn đề lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh thể hiện tư duy sắc sảo, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong viêc phân hóa và cô lập kẻ thù: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng… thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo” để làm cách mạng. Cùng với đó, “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng, thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”. Sự liên minh đó do giai cấp công nhân lãnh đạo vì mục tiêu giải phóng dân tộc, chứ không phải là sự thỏa hiệp vô nguyên tắc. Trong mối liên minh đó, Đảng xác định “không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác”.

Chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, cùng Trung ương Đảng phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) do Người chủ trì, chủ trương chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam đã được đề ra.

Trên cơ sở phân tích kỹ tình hình cụ thể của Việt Nam và thế giới, Người và Trung ương Đảng xác định rõ: Dưới ách thống trị của Pháp – Nhật, quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh của dân tộc bị nguy vong, vì thế Pháp – Nhật là kẻ thù của toàn dân tộc. Lúc này, đòi hỏi cấp bách của toàn dân tộc là độc lập tự do, cho nên nhiệm vụ “giải phóng dân tộc” phải được đặt lên hàng đầu. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); đặt tên các hội của quần chúng là Hội Cứu quốc và chủ trương “cuộc cách mạng Đông Dương” mở đầu có thể là bằng một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, sau đó sẽ phát triển thành Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Để chuẩn bị chớp thời cơ khởi nghĩa, Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, gấp rút đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ chức chính trị của quần chúng, lập ra các đội du kích vũ trang… Cuối năm 1944, Người dự đoán: Cơ hội để dân tộc ta “tự giải phóng” sẽ đến trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Vì thế, tháng 7/1945, khi phát xít Đức, Ý đã bại trận và phát xít Nhật ngày càng nguy khốn, Người khẳng định quyết tâm: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Ngày 16/8/1945, Người kêu gọi “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra trong cả nước đã giáng một đòn quyết định vào tất cả các cơ quan đầu não của bọn thống trị và tay sai, xóa bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, thành lập chính quyền cách mạng ở Việt Nam. Sức mạnh làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được rèn luyện và trưởng thành qua 3 cuộc tổng diễn tập 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 trên quy mô lớn; thể hiện sự sáng tạo và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, về tính chủ động của cách mạng thuộc địa. Thắng lợi đó thể hiện một cách rõ nét tư duy sắc sảo, trí tuệ của Đảng và sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam khi vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ trong cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động cho thấy tính cách mạng, khoa học đúng đắn và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Đồng thời khẳng định, việc phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tiền đề làm nên nhiều thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam những năm về sau.

TIẾN SĨ ĐINH QUANG THÀNH (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Theo http://www.hanoimoi.com.vn