“Tự hào lắm, thanh niên Việt Nam!”
Ở tuổi 94, ký ức của 75 năm về trước dường như vẫn còn vẹn nguyên khiến ông Lê Đức Vân, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu như trẻ lại. Năm 1945, ông và nhiều bạn bè mới đang tuổi 19-20 nhưng đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng, tình yêu nước nồng nàn, coi đây là niềm tự hào để một lòng đi theo cách mạng, chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Và tình yêu nước đã được thể hiện bằng hành động hết sức cụ thể khi ông cùng những học sinh trường Bưởi khi đó tìm cách liên lạc với các chiến sĩ cộng sản, lan tỏa phong trào cứu nước ra khắp các ngôi trường trên địa bàn Thủ đô. Qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, người dân đặc biệt có cảm tình với Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu.
“Mỗi khi địch mở các đợt lùng soát, người dân Thủ đô lại buộc một chiếc khăn trắng trên cửa sổ để cảnh báo. Chúng tôi vì thế đã nhiều lần tránh được địch vây bắt, giăng bẫy”, người cán bộ lão thành cách mạng xúc động nói.
Hát vang ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, Nhạc sĩ, Tiến sĩ Doãn Nho khiến nhiều bạn trẻ không khỏi ngạc nhiên xen lẫn xúc động. Ở tuổi 87, chất giọng của ông vẫn hào sảng, đầy tự hào về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa. Tổ quốc bao la hiền hòa, tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao. Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa. Lấp lánh sao bay trên Quân kỳ, nghe rung núi đồi từng bước ta đi…”.
“Dân tộc ta là dân tộc anh hùng, tiếp nối hết thế hệ này tới thế hệ khác. “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” và nhiều ca khúc khác đều được tôi sáng tác dựa trên chân lý ấy”, nhạc sỹ cho biết.
Nói đến thanh niên Việt Nam, vị Đại tá Quân đội cho rằng, không thể không nhắc tới vẻ đẹp từ khuôn mặt, dáng hình, nụ cười đến khoảnh khắc giáp mặt kẻ thù, xung kích trên mọi mặt trận để bảo vệ Tổ quốc. “Tự hào lắm, thanh niên Việt Nam!”.
Tiếp nối niềm tự hào của cha anh
Lắng nghe chia sẻ của thế hệ đi trước, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bày tỏ: “Ngồi dưới nghe chia sẻ về niềm tự hào dân tộc của các bác, tôi rất xúc động, tự hào được học hành và bản thân luôn nỗ lực trong ngành đặc biệt là ngành Y – ngành cao quý, làm sao để có thể mang kiến thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
Là cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, từng đoạt giải nhất Hội thi báo cáo giỏi thành phố Hà Nội năm 2019; Giải nhì Hội thi “Cán bộ nữ công an Thủ đô duyên dáng, tài năng năm 2019”, Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2019, Thượng úy Mai Hương kể: “Tôi có ông nội là chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. Từ bé ở với ông và được chứng kiến trên người nhiều vết sẹo chằng chịt, những lúc cuối đời trạng thái không rõ ràng, ông giật mình thảng thốt hét khẩu hiệu quyết tâm chiến đấu thì mới thấy chiến tranh tàn khốc quá. Và để có nền hòa bình hôm nay có máu xương của cha ông tôi. Đó là động lực khiến tôi gia nhập hàng ngũ Công an nhân dân. Tôi rất tự hào về ngành của tôi, đồng đội của tôi, tự hào về nhiệm vụ Đảng, nhân dân giao phó, tự hào vì mỗi nhiệm vụ đều nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình của nhân dân”.
Với Kỹ sư Lê Anh Tiến, CEO Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam, thế hệ trước là nhân chứng sống để thế hệ tiếp theo noi gương: “Tôi mong muốn tiếp nối niềm tự hào này bằng cách dùng tri thức để giúp thế hệ sau, truyền cho họ đam mê khoa học, cũng như giúp đất nước phát triển công nghệ. Mỗi lần tham gia các sự kiện, giải thưởng, cuộc thi ở nước ngoài, mỗi lần Việt Nam được xướng tên, tôi đều cảm thấy vô cùng tự hào khi đã đóng góp một phần công sức để thế giới biết đến chúng ta – đất nước trải qua nhiều khó khăn vẫn có sức mạnh trí tuệ để cạnh tranh với năm châu”.
Tài năng khoa học trẻ Việt Nam tự nhủ, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, giữ nước phải cả bằng khoa học, thương mại. Đất nước ổn định, người dân có việc làm, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Trích: dangcongsan.vn
KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG
(19/8/1945 – 19/8/2020)
QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(02/9/1945 – 02/9/2020)
Ngày này của 75 năm trước (2-9-1945), trên lễ đài của Quảng trường Ba Đình lịch sử, Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vang lên giữa trời thu Hà Nội.
Kết thúc Tuyên ngôn là lời thề thiêng liêng của cả dân tộc “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” với biển người cùng đồng thanh hô vang “Xin thề”.
Lời thề của Mùa Thu Cách mạng 75 năm trước đã đi theo các thế hệ người Việt Nam “Thà chết không chịu làm nô lệ” với biết bao hi sinh, mất mát để đất nước có hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay.
Lời thề ấy là lời hiệu triệu, động viên, khích lệ cả dân tộc Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp cùng đứng dậy chung một bóng cờ để đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Từ lời thề của mùa thu năm ấy, cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam, rất nhiều nhân vật thuộc “tầng lớp trên” đã đi theo cách mạng.
Đó là những quan lại của triều đình phong kiến như: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, là tham tri Đặng Văn Hướng, là Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, là Đổng Lý ngự tiền của nhà vua – Phạm Khắc Hòe… Đó là những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, “Vua Mèo” Vi Văn Định, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Luyện…
Lịch sử sẽ mãi mãi nhớ về tấm gương hi sinh vì nước, vì dân của liệt sĩ – Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.
Lịch sử cũng không quên ba cha con tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Luyện đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hi sinh để bảo vệ Hà Nội mùa Đông năm 1946…
Và rất nhiều, rất nhiều những người Việt Nam yêu nước đã hi sinh trong cuộc chiến đấu giành tự do và độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Lịch sử sẽ còn mất rất nhiều công sức để giải mã vì đâu mà những trí thức “Tây học” được chính người Pháp đào tạo nhưng lại đứng về phía nhân dân để chống lại quân Pháp xâm lược. Vì đâu mà biết bao những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý để cùng chịu chung khổ đau với dân tộc mình trong quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã làm đủ mọi cách có thể làm được để chiến tranh không xảy ra.
Thế nhưng, là một dân tộc “Thà chết, không chịu làm nô lệ”, nhân dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu để giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Tinh thần ấy đã theo dân tộc Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt sau ngày Cách Mạng tháng Tám đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy, gần như triệu triệu con tim của người Việt đã cùng chung nhịp đập, cùng chung quyết tâm.
Thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều biến động tác động không nhỏ đến việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của của Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tinh thần đoàn kết của cả dân tộc – tinh thần của Cách Mạng tháng Tám năm 1945.
75 năm ngày lập quốc, chúng ta lại nghe vang vọng bên tai lời thề vang lên từ Quảng trường Ba Đình lịch sử: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
9/1930- DIỄN RA PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH- ĐỈNH CAO CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930-1931
DO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO
Dưới tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, thực dân Pháp đã thi hành chính sách bót nghẹt sản xuất, đời sống nhân dân rơi vào khó khăn. Bên cạnh đó thực Pháp còn tiến hành khủng bố, bắt bớ nhiều chiến sĩ yêu nước (sau khởi nghĩa Yên Bái 9/2/1930). Chính điều đó đã đưa đến nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhiều cuộc đấu tranh đã liên tiếp nổ ra. Bên cạnh phong trào đấu tranh của công nhân, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân cũng nổ ra trong đó đỉnh cao là cuộc đấu tranh của nông dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.
Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia
NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN 23-9-1945
Sau khi giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải cùng lúc đối mặt với hàng chục phe phái chống phá ở trong nước và hơn 300.000 quân nước ngoài chiếm đóng từ Bắc tới Nam. Tại hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, Đảng đã vạch rõ: quân Đồng Minh sắp vào nước ta và thực dân Pháp đang âm mưu khôi phục lại địa vị thống trị của mình ở Đông Dương.
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/61816/ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945.html
Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia
NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 9
– Kỷ niệm 51 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969 – 02/9/2020);
– Kỷ niệm 90 năm Ngày Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2020);
– Kỷ niệm 43 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp quốc (20/9/1977 – 20/9/2020);
– Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2020);
– Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2020);
– Kỷ niệm 32 năm ngày mất của Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/1988 – 30/9/2020).
CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH MỚI
- Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình
Tại Nghị định 82 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Chính phủ quy định vi phạm một trong các hành vi sau sẽ phạt từ 03 – 05 triệu đồng:
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…
Trong khi đó, tại Nghị định 110 trước đây các hành vi nêu trên chỉ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.
- Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”
Trước đây, năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải lại ban hành Thông tư 49 để thay thế Thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.
Tuy nhiên, từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49 nêu trên sẽ tiếp tục đổi tên trạm thu giá về tên ban đầu là trạm thu phí.
Cũng theo Thông tư 15, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….
- Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt
Cũng tại Nghị định 82 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, bố, mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt.
Trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào 1/9 sẽ bãi bỏ quy định này.
Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 01 – 03 triệu đồng.
Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 03 – 05 triệu đồng.
- Người tố cáo là cán bộ, công chức được bảo vệ vị trí công tác
Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.
Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp: Được sự đồng ý của người đó; Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Quy định mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên
Nghị định 84 quy định một số điều chi tiết của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp.
Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 08 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 06 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN